“Ngoại trừ những trường hợp nhìn thấy quá rõ, còn lại phải đưa vào phòng thí nghiệm kiểm tra mới xác định được gà, dưa muối hay măng có vàng ô hay không. Hiện chưa có test nhanh phát hiện chất nhuộm màu như test nhanh phát hiện hàn the trong giò chả. Khi chưa thể phân biệt, người tiêu dùng nên tránh mua thực phẩm có màu sắc quá bất thường Ông Phạm Tiến Dũng (trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) |
“Đến giờ khi phát hiện dưa cải muối có chứa vàng ô, có lẽ dưa tôi mua cũng có chất nhuộm màu này” - ông Dũng nói.
Có rất nhiều loại hóa chất công nghiệp được sử dụng nhuộm màu cho thực phẩm từng bị phát giác, nhưng “nổi” nhất là tình trạng sử dụng Rhodamin B nhuộm màu đỏ cho hạt dưa, tương ớt và gần đây là dùng vàng ô tạo màu vàng hấp dẫn cho da gà, măng tươi và dưa cải muối chua. Cả hai loại chất nhuộm màu này đều gây ung thư.
Nhiều chất nhuộm màu nguy hiểm
“Trong đợt thanh tra cuối năm 2015 đầu 2016, chúng tôi phát hiện hai công ty sử dụng vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên đợt kiểm tra gần nhất với 207 mẫu thì chưa phát hiện lại vàng ô trong thức ăn chăn nuôi, nhưng lại xuất hiện biến tướng vàng ô trong dưa muối và măng tươi. Điều này cực kỳ nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả vàng ô trong thức ăn chăn nuôi do dưa muối, măng là thực phẩm ăn liền, vàng ô lại là chất không hoàn nguyên, không đào thải, không tan trong nước và đã gây ung thư ở động vật thực nghiệm” - ông Dũng cho biết.
Theo phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Dương, đợt thanh tra cuối năm 2015 đầu 2016 là lần thứ 2 cơ quan chức năng phát hiện vàng ô trong thức ăn chăn nuôi, lần đầu tiên ghi nhận tình trạng này là năm 2014 ở Hải Phòng.
Đây là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp dệt nhuộm và xây dựng, rất bền màu và giá chỉ 120.000 - 170.000 đồng/kg. Khi đưa vào thực phẩm, hóa chất này tạo màu vàng rất bắt mắt hay được gọi là “màu vàng hoa cúc” nhưng thực tế rất độc hại.
Trong khi đó, ông Khương Trần Phúc Nguyên - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết trong quá trình kiểm tra, Chi cục Thú y TP phát hiện chất vàng ô được sử dụng phổ biến tại các lò giết mổ gia cầm trái phép.
Biết là chất vàng ô nguy hiểm cho người dùng khi ăn phải, nhưng mức xử phạt hành vi vi phạm các cá nhân, cơ sở lạm dụng chất này là khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Chưa kể, theo ông Nguyên, hiện nay chưa có công bố danh mục cơ quan nào được chỉ định xét nghiệm chất vàng ô nên các đơn vị đang lúng túng khi không biết gửi cơ quan nào có chức năng kiểm tra xét nghiệm chất này để xử lý.
“Bột hoa hiên”, chưa rõ lành hay độc!
Những hóa chất nhuộm màu như Rhodamin B, vàng ô dù nguy hiểm nhưng đã được định danh, ngoài thị trường còn có những chất nhuộm màu thực phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ.
Khảo sát tại một số quán bán chim quay ngay khu vực phố Long Biên, Hà Nội gần đây, chúng tôi thấy những rổ chim cút quay vàng rộm rất bắt mắt và hấp dẫn người mua.
Nhưng để món ăn có màu đẹp mắt như vậy, người bán đang dùng loại bột nhuộm màu có tên là “bột hoa hiên”, chỉ 6.000 đồng/gói, mỗi gói có thể pha vào 10 lít nước. Loại chất nhuộm chim quay không có nhãn mác, nguồn gốc và chưa được xét nghiệm đánh giá mức độ nguy hại.
Nhiều người kinh doanh vì muốn bắt mắt người tiêu dùng đã nhuộm màu thực phẩm. Một nguồn cung cấp màu thực phẩm là chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Khi chúng tôi hỏi mua màu thực phẩm tại cửa hàng M ở chợ này, chủ cửa hàng đưa cho chúng tôi các hộp đủ loại màu phụ gia, mỗi hộp nặng nửa ký.
Mỗi loại tùy theo màu có giá khác nhau, màu đỏ 150.000 đồng/hộp, màu xanh 200.000 đồng, màu vàng 110.000 đồng... Khách hàng mua số lượng bao nhiêu cũng có. Cùng loại màu của một công ty sản xuất nhưng tại cửa hàng cách đó không xa giá hộp màu xanh chỉ bán 140.000 đồng, màu vàng 100.000 đồng.
Ghi nhận của chúng tôi xung quanh khu vực chợ Kim Biên còn có nhiều cửa hàng bán hóa chất công nghiệp. Do các cửa hàng này không nằm trong chợ nên ban quản lý chợ rất khó để quản lý, kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Tèo Em - quản lý ngành hàng, ban quản lý chợ Kim Biên - cho biết hiện có 16 hộ kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm tại chợ. Các mặt hàng bán tại đây đều nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quy định.
Hằng tuần, ban quản lý chợ tiến hành kiểm tra, nếu thấy thực phẩm mới, lạ sẽ yêu cầu chủ cửa hàng trình ra giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm. Do sản phẩm không bị cấm nên rất khó quản lý số lượng bán ra.
“Quan trọng là người chế biến thực phẩm phải có cái tâm, chứ hương liệu, phụ gia không quản lý số lượng mua bán như hiện nay, nếu dùng không đúng thì rất nguy hiểm” - ông Em nói.
Biết nguồn gốc mới mua
Về cách nhận biết việc gà được tẩm ướp chất vàng ô, ông Nguyên tư vấn: với gà tẩm thì sẽ có những chỗ không ăn màu, do đó có chỗ trắng chỗ vàng không vàng đều, đặc biệt ở chỗ chân lông, trong khi gà không nhuộm thì có màu đặc trưng vàng từ da vào mỡ.
Theo ông Nguyên, việc người dân sử dụng gà nhuộm chất vàng ô khi vào cơ thể sẽ không đào thải, tích tụ lâu ngày và khả năng lớn gây ung thư. Do đó, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có uy tín, bao bì... tại các chuỗi bày bán thực phẩm sạch do Nhà nước quản lý sẽ an toàn nhất.
“Để đoạn tuyệt với việc sử dụng chất vàng ô thì người tiêu dùng phải thay đổi tư duy mua hàng, tránh đề cao chú ý màu sắc bên ngoài mà nên kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa” - ông Nguyên nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) - nói thêm: chất vàng ô khi tiếp xúc với cơ thể thì tế bào bị tiếp xúc sẽ mất chức năng của màng tế bào nên không thể hoạt động. Vàng ô còn được cho là có thể gây hư hại cấu trúc di truyền (ADN) của tế bào, từ đó có thể gây ung thư và các rối loạn về di truyền không thể lường được.
Theo TS Hiền, người tiêu dùng không nên quá quan trọng về cảm quan màu sắc, cần thận trọng với những sản phẩm có màu vàng tươi chói hơn bình thường. Những gà nhuộm thường không có mỡ màu vàng so với gà vàng tự nhiên. Gà thả vườn có màu vàng nhạt và thịt chắc hơn.
Báo tin chống thực phẩm bẩn Theo ông Phạm Tiến Dũng, thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đang tiếp nhận tin báo thực phẩm bẩn tại đường dây nóng 08042526 / 0917808113 và địa chỉ email [email protected]. “Chúng tôi đang duy trì nhận tin và gần đây nhất là có tin báo về việc thương lái gom măng tươi đã sơ chế rồi sử dụng chất bảo quản để trữ măng, thông tin phát hiện trang trại và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc salbutamol. Chúng tôi đang tiếp tục xác minh và nếu phát hiện sẽ thông tin ngay cho báo chí. Người dân và các cơ quan báo chí hãy đồng hành với chúng tôi trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn” - ông Dũng chia sẻ. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]