“Cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung dự kiến có thể tác động đến nhiều ngành ở VN, trong đó có nhiều lo ngại cho ngành thép. Trong ảnh: sản xuất thép tại một doanh nghiệp Việt - Ảnh: TRẦN NGUYỄN NGHI - Tuổi trẻ
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước cũng cần soạn sẵn các kịch bản sẵn sàng đối đầu, đối diện, đối phó với tình huống bất lợi nếu cuộc "chiến tranh thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.
Cơ hội cho hàng Việt
Đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết "chiến tranh thương mại" Trung Quốc - Mỹ nếu xảy ra và sản phẩm gỗ và nội thất nằm trong nhóm sản phẩm bị đánh thuế cao từ tháng 7 tới thì các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến gỗ Việt Nam có thể được hưởng lợi.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ đã chiếm 39,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,65% so với cùng kỳ.
Một trong những nguyên nhân của kết quả trên có sự sụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Mỹ kiện bán phá giá.
Theo Hawa, Trung Quốc đang đứng thứ nhất về xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vào thị trường Mỹ, Việt Nam thứ 5. Nếu doanh nghiệp VN tận dụng được cơ hội từ sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng trưởng đạt được sẽ nhanh hơn.
Với ngành nông sản, theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của hàng nông sản Việt Nam với các mặt hàng chủ lực là gạo, cao su, cà phê, điều...
Nếu "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung xảy ra, việc Trung Quốc áp thuế cao với hàng nông sản từ Hoa Kỳ được xem là cơ hội tốt.
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cảnh báo khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp Việt bởi những mặt hàng Hoa Kỳ bị áp thuế đều là những sản phẩm không thuộc thế mạnh như đậu tương, ngô, thịt bò...
Ông Ngọc nhấn mạnh bối cảnh hiện nay Việt Nam vẫn cần làm bài bản hơn để tỉ lệ hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Nhiều ngành chịu ảnh hưởng
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Trần Toàn Thắng - trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo xã hội quốc gia (NCIF) - đánh giá rất khó xảy ra cuộc "chiến tranh thương mại" lớn giữa Mỹ và Trung Quốc bởi hai bên sẽ đều thiệt hại.
Tuy nhiên, giả dụ nếu "chiến tranh" xảy ra, theo ông Thắng, đây là cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, để bù đắp khoảng trống của hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc giảm xuất khẩu hàng sang Mỹ, họ sẽ tìm cách xuất sang các nước xung quanh, và đó sẽ là thách thức cho Việt Nam. Như câu chuyện ngành thép, nếu không cẩn thận, thép Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Tìm cách phát triển bền vững
Ông Nguyễn Tất Thắng, tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, lo ngại sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến quá trình đàm phán ký kết hiệp định thú y giữa VN và Trung Quốc bị trì hoãn, khả năng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chính ngạch đối với sản phẩm nguồn gốc động vật sang Trung Quốc là rất khó trong khi đây là thị trường có tiềm năng lớn nhất.
Nhìn ở góc độ lạc quan, ông Nguyễn Huy Độ, giám đốc marketing Công ty CP thép Việt - Ý, cho rằng nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc cao hơn từ 25-35%, khi đó giá thép của VN sẽ rẻ hơn khi vào Mỹ.
Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp thép Việt nếu ta biết tận dụng. Tuy nhiên, ông Độ lo ngại việc Mỹ áp thuế sẽ tạo làn sóng đầu tư của doanh nghiệp thép Trung Quốc sang Việt Nam để lấy nguồn gốc xuất xứ. Ông Độ đề nghị Việt Nam cần phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Trước thực tế Việt Nam đang nằm trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, ông Độ kiến nghị Nhà nước cần có động thái ngoại giao cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước...
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, không có chiến tranh thương mại nào là tốt. Việt Nam muốn hưởng lợi tốt nhất cần tăng giá trị hàng xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng...
Đại diện Hawa cũng nhấn mạnh về cơ bản ngành gỗ, nội thất Việt Nam có thể được lợi nếu Mỹ áp thuế cao với đồ gỗ Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn là cần nhìn vào sự phát triển bền vững. "Chúng ta cần giữ được bạn hàng bằng chất lượng", đại diện Hawa nói.
Chuẩn bị cho vòng hai
Ngày 15-6, Mỹ đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng đáp trả bằng chính sách tương tự.
Ấn Độ cuối tuần qua cũng đưa ra danh sách 30 mặt hàng của Washington có thể bị đánh thuế lên đến 50%. Trước đó, các nước EU cũng có các biện pháp ăn miếng trả miếng với Washington. Nhiều quốc gia tại châu Á cũng bắt đầu đánh thuế lên các sản phẩm của Mỹ như trái cây, thịt heo, rượu...
Theo giới quan sát, sự đáp trả của các nước có thể khiến Mỹ tiếp tục tăng thuế. "Nguy cơ gia tăng thành vòng hai của cuộc chiến là rất lớn" - Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Michael Hirson của Tổ chức Eurasia Group cảnh báo. Trong hai tuần tới, Mỹ sẽ tiếp tục công bố các biện pháp hạn chế đầu tư với Trung Quốc.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]