Trong tuyên bố được phát đi chiều 31-5 (giờ Mỹ), ông Ross tuyên bố EU đã không đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ như đã thỏa thuận nên không thể tiếp tục được hưởng quyền miễn trừ.
Trong khi đó, tiến trình đàm phán với Mexico và Canada về việc sửa lại Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) "lâu hơn so với Mỹ dự kiến" và "chưa biết khi nào sẽ chốt" nên hai nước này phải bị đưa ra khỏi danh sách miễn trừ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ thẳng thắn.
Do vậy, kể từ nửa đêm ngày 31-5 (giờ Mỹ, tức khoảng 11h trưa 1-6 theo giờ VN), các nước châu Âu, Mexico và Canada sẽ phải chịu mức thuế như các quốc gia khác khi xuất khẩu nhôm, thép vào Mỹ.
Đó không phải là cách chúng ta làm ăn với nhau, chắc chắn không phải là cách mà các đối tác, bạn bè và đồng minh trong suốt thời gian dài đối xử với nhau Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom |
Quyết định này gần như chắc chắn sẽ phủ bóng đen căng thẳng cuộc họp các Bộ trưởng tài chính nhóm G7 dự kiến khai mạc tại Canada trong nay mai.
Thực tế, không khí đã nóng ngay sau khi các tuyên bố của ông Ross được xác nhận bằng một tuyên cáo của Nhà Trắng.
Trong tuyên bố đe dọa sẽ khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom cáo buộc Mỹ đã sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để buộc châu Âu nhượng bộ.
Trong khi đó, từ Bồ Đào Nha, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp chủ nhà Antonio Costa ngày 31-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh châu Âu muốn được hưởng quyền miễn trừ. Nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 châu Âu khẳng định cả châu Âu sẽ "đoàn kết và chung sức" đáp trả hành động của Mỹ.
Một nhà máy thép ở Bỉ - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi cực kỳ thất vọng trước hành động của Mỹ. Nước Anh và châu Âu là các đồng minh thân cận của Mỹ cho nên phải được miễn trừ vĩnh viễn, toàn diện khỏi các biện pháp áp thuế lên nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ", hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn của chính phủ Anh nhấn mạnh.
"Châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bảo vệ nền công nghiệp, công việc và lợi ích của chúng ta. Không thể ngồi yên chấp nhận quyết định cực kỳ đáng tiếc này", nghị sĩ Manfred Weber - một đồng minh của Thủ tướng Đức Merkel, viết trên Twitter.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã thể hiện thái độ xem nhẹ các biện pháp trả đũa của các nước khác, cho rằng chúng không thể gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên ông Ross khẳng định Washington vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục các cuộc đàm phán với EU, Mexico và Canada.
Giới quan sát lo ngại động thái mới nhất của Mỹ đang khiến tình hình ngày càng căng thẳng, nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington với tất cả các nước ngày một hiển hiện.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]