Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông sẽ giúp cho ZTE, một hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc. Công ty này đang bên bờ vực sụp đổ sau khi bị chính quyền Mỹ trừng phạt vào tháng trước vì đã phá vỡ quy định trừng phạt của Mỹ đối với một số nước như Iran hay Triều Tiên.
Vậy tại sao một công ty sản xuất hàng điện tử Trung Quốc lại bị đưa vào tâm điểm của "ván cờ" địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington?
ZTE là gì?
ZTE, tên viết tắt của Zhongxing Telecommunications Equipment, không phải là một cái tên quen với nhiều người. ZTE chuyên sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ phần lớn được bán ở các nước đang phát triển, ZTE đồng thời bán điện thoại cả ở Mỹ.
Trong ngành viễn thông thế giới, ZTE có chỗ đứng tốt. ZTE là một trong hai công ty lớn của Trung Quốc sản xuất thiết bị cho mạng di động. ZTE có khoảng 75 nghìn nhân viên và có hoạt động tại khoảng hơn 160 nước.
ZTE đã phá vỡ lệnh trừng phạt từ phía Mỹ như thế nào?
Giờ đây, chuỗi cung ứng công nghệ trên toàn cầu có nhiều ràng buộc với nhau đến nỗi mà bất kỳ một sản phẩm nào mà ZTE bán ra cũng sẽ có linh kiện hoặc phần mềm của Mỹ bên trong đó, có thể nói đến microchip, modem và hệ điều hành Android.
Thế nên nếu ZTE bán điện thoại thông minh cho Triều Tiên, cũng có thể ZTE đang bán cả chip của Qualcomm bên trong chiếc điện thoại đó. Việc này đi ngược với quy định của pháp luật Mỹ về việc cấm bán công nghệ Mỹ cho những nước đang chịu lệnh trừng phạt.
Khi Bộ Thương mại Mỹ công bố những kết luận về ZTE vào năm 2016, trong một động thái hiếm hoi, bộ này đồng thời công bố luôn những sai phạm của ZTE.
Một tài liệu được ký bởi một số điều hành cao cấp của ZTE cho thấy luật xuất khẩu Mỹ đầy rủi ro bởi ZTE đang bán thiết bị cho cả 5 nước bị Mỹ trừng phạt bao gồm Iran, Sudan, Triều Tiên, Syria và Cuba. Một tài liệu thứ 2 nói về cách hiệu quả nhất để né tránh lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Vào năm ngoái, ZTE thừa nhận sai phạm và đồng ý nộp phạt 1,19 tỷ USD.
Tại sao chính quyền Tổng thống Donald Trump đang can thiệp?
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ chưa hề giải thích về lý do tại sao Mỹ lại muốn nới lỏng quy định cấm với ZTE ngoại trừ việc viện dẫn "có quá nhiều người Trung Quốc mất việc làm". Tuy nhiên những rắc rối mà ZTE phải đối đầu diễn ra ở thời điểm rất phức tạp.
Trong điều kiện bình thường, số phận của một công ty sẽ chỉ đơn giản là vấn đề pháp lý đối với Bộ Thương mại Mỹ. Thế nhưng chính quyền Tổng thống Trump đang gây áp lực lên Trung Quốc buộc Trung Quốc phải nhượng bộ thương mại. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang cần đến sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc khi mà cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên chuẩn bị diễn ra vào tháng tới tại Singapore.
Khi can thiệp vào vụ việc của ZTE, Tổng thống Trump đã phát đi thông điệp rằng sự trừng phạt ZTE có thể coi như yếu tố để “mặc cả” với Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề pháp lý. Hiện chưa rõ liệu ông Trump có tiếp tục giúp ZTE hay ông sẽ nhận được cái gì đó để đổi lại việc ông nới lỏng cấm ZTE.