Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên thả nổi lãi suất huy động để cho các ngân hàng được cạnh tranh sòng phẳng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thường kỳ quý 3 của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng lưu ý các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bỏ trần lãi suất.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm này chưa thể thả nổi lãi suất vì nhiều lý do, trong đó có cả khả năng bất ổn thị trường tiền tệ.
Bài học nhãn tiền về cạnh tranh hút vốn bằng lãi suất
Cuối tháng 9 vừa qua các ngân hàng thương mại Nhà nước đã đồng loạt hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, mức giảm 0,3 – 0,5%. Trong số các ngân hàng cổ phần, chỉ có số ít các ngân hàng điều chỉnh giảm theo, mà hầu hết giữ nguyên, thậm chí là còn nâng mức lãi lên cao hơn để thu hút khách hàng. Vì sao vậy?
Chia sẻ với người viết, giám đốc một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn ở khu vực Tây Nam Bộ nhận định, khi ngân hàng huy động vốn, việc gửi hay không gửi là do người gửi tiền quyết định. Người gửi tiền sẽ căn cứ vào cách thức phục vụ, uy tín và sự an toàn của ngân hàng huy động, rồi mới xem xét đến lãi suất để ra quyết định gửi tiền.
Hơn nữa, hiện nay qua những phát biểu trên diễn đàn quốc hội, truyền thông nêu ý kiến của các chuyên gia tài chính, qua chính sách của NHNN…, người dân hiểu rằng tái cơ cấu ngân hàng sẽ phải thực hiện gấp, khả năng cho ngân hàng phá sản sẽ không còn là điều xa vời, trong khi đó minh bạch về tài chính của không ít ngân hàng vẫn là câu hỏi "chưa có lời đáp" khiến nhiều người gửi tiền e ngại, đặc biệt khách hàng có nguồn tiền gửi lớn lại càng để ý yêu cầu này.
Ngoài ra để có lãi suất huy động cao, người gửi tiền phải gửi kỳ hạn trên 1 năm, trong thời gian gửi dài như thế biết thị trường tài chính sẽ thay đổi ra sao? Bài học của các khách hàng gửi tiền ở Oceanbank và Ngân hàng Xây dựng khi bị NHNN mua 0 đồng đã cho thị trường thấy rằng lãi suất huy động cao, đặc biệt là có lãi ngoài, không đồng nghĩa với sự an toàn của tiền đã gửi.
Các NHTM trung bình và nhỏ khó có câu trả lời thỏa mãn cho những vấn đề trên nên phải bù đắp bằng cách tăng thêm trong lãi suất huy động so với các ngân hàng lớn. Điều này cũng giống như giới ngân hàng hiện nay khi cho vay khách hàng tốt thì lãi suất phải rẻ hơn so với việc cho vay khách hàng trung bình và khách hàng không đủ chuẩn.
Như vậy đang xảy ra nghịch lý trong giới ngân hàng đó là các NHTM nhỏ khi cho vay thì lãi suất cho vay phải theo chiều hướng chung mà các NHTM lớn chiếm thị phần lớn đang áp dụng, còn khi huy động vốn thì lãi suất huy động phải theo chiều ngược lại nghĩa là cao hơn. Nếu các NHTM trung bình và nhỏ mà lại áp dụng lãi suất huy động chỉ cao hơn "tí xíu" so với các NHTM lớn thì khó có thể huy động được vốn. Vị giám đốc ngân hàng nói trên cho rằng, đây là điều mà NHNN cần lưu ý khi ban hành chính sách trong thời gian tới.
Lãi suất huy động tăng nhưng lãi cho vay vẫn sẽ giảm
Liên quan đến lãi suất huy động các ngân hàng vẫn đẩy lên cao thì cơ hội nào cho việc chi phí đi vay của người dân và doanh nghiệp giảm xuống, vị giám đốc khu vực của ngân hàng thương mại Nhà nước nói trên cho rằng, đối với hoạt động ngân hàng, có được khách hàng tốt là quan trọng nhất vì khách hàng tốt, quan hệ lâu dài là cơ sở để ngân hàng bán được dịch vụ một cách bền vững, tạo nguồn thu ổn định. Từ nguồn khách hàng ổn định hiện có ngân hàng vẫn có thể tăng nguồn thu do bán thêm các sản phẩm dịch vụ khác. Như vậy xét lâu dài khách hàng là mục tiêu quan trọng nhất chứ không phải là lợi nhuận trước mắt.
Mặt khác trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn còn lớn, thu nhập của người lao động còn thấp... dẫn đến sức cầu của nền kinh tế còn yếu, thì việc ngân hàng có được một số lượng khách hàng ổn định là hết sức quan trọng, điều này giúp các nhà băng ổn định nguồn thu, bù đắp được chi phí, có đủ nguồn để xử lý nợ xấu và chia cổ tức cho cổ đông.
Hơn nữa, với các ngân hàng hiện nay không ngân hàng nào không có khách hàng tốt, chỉ khác nhau là ở quy mô khách hàng lớn hay nhỏ, số lượng nhiều hay ít... Các khách hàng tốt luôn có đòi hỏi cao về cách thức phục vụ, chất lượng phục vụ, và giá cả phục vụ. Khi mà nguồn vốn đang thừa, lại vẫn còn khả năng huy động thêm thì việc hạ giá là hiện thực. Khách hàng biết rõ điều này nên họ sẽ có những đề nghị giảm giá, nếu ngân hàng đang phục vụ họ không đồng ý thì họ sẽ sang ngân hàng khác.
Áp lực từ khách hàng và áp lực "giải phóng vốn tồn đọng" buộc ngân hàng phải lựa chọn hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay để rồi tăng nguy cơ bị mất khách hàng hay là giảm lãi suất cho vay để giữ khách hàng, dù cho lợi nhuận có giảm đi. Xu hướng giãm lãi suất cho vay sẽ ngày càng rõ bởi áp lực của nhóm khách hàng tốt ngày càng lớn và do sự cạnh tranh giữa các NHTM. Nhưng mức độ giảm lãi suất cho vay ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn và sức mạnh tài chính của mỗi ngân hàng.
Vị giám đốc ngân hàng nhận định rằng, các ngân hàng lớn vẫn có thể giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay trong thời gian tới, còn với những NHTM trung bình và quy mô nhỏ mức giảm có thể từ 0,2% - 0,3% so với mức bình quân lãi suất cho vay hiện nay. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân sau khi giảm có thể ổn định đến hết tháng 2/2017 (sau tết cổ truyền 2017).
Chưa vội tự do hóa lãi suất
Cuộc đua về lãi suất huy động vẫn diễn ra, có lúc âm thầm, có thời điểm lại rầm rộ, ở cả các kỳ hạn bị khống chế lẫn thả nổi. Theo biểu lãi suất hiện nay ở các ngân hàng, mức chênh lệch ở tất cả các kỳ hạn đều rất lớn, trong đó ở các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ từ 4,3% cho đến dưới 7%, nhưng có những ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa đưa lãi suất kỳ hạn dài lên đến hơn 8%, thậm chí gần 8,4%, còn lãi suất kỳ hạn ngắn cũng dao động từ 5,2 – 5,5%/năm. Ấy là chưa kể, có ngân hàng vẫn sẵn sàng chi ngoài cho khách để hút các khoản tiền gửi lớn.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn bất chấp rủi ro gây thua lỗ trong hoạt động vì cố huy động vốn bằng được để bù đắp thanh khoản hoặc sử dụng vào các mục đích khác thì việc bỏ trần ngay lúc này là chưa nên.
Ở góc độ người trong ngành, lãnh đạo nhiều ngân hàng đồng quan điểm cho rằng hiện thị trường chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tự do hóa lãi suất. Việc bỏ trần ngay lúc này có thể khiến cho thị trường tài chính biến động mạnh, thậm chí là bị sốc. Nhưng trong tương lai, với một nền kinh tế thị trường đầy đủ thì việc bỏ trần vẫn phải tính đến cho phù hợp xu hướng hội nhập.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]