Từ ngày 26.9, các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3% đến 0,5%/năm. Với việc 4 NHTM NN lớn chiếm khoảng trên 54 % thị phần tiền gửi của toàn hệ thống đồng loạt giảm thì dư luận đang quan tâm xem liệu sắp tới sẽ có xu hướng giảm chung trong toàn hoàn thống hay không? Nếu có thì tác động thế nào đến các thị trường?
Các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ phải giảm theo
Cho đến hôm 29.9, NHTMCP đầu tiên là LienVietPostBank thông báo hạ LS huy động “theo gót” các NHTM NN. Và xu hướng tới sẽ có nhiều NHTMCP giảm theo là không tránh khỏi.
Các NHTMCP sẽ không thể so sánh với các NHTM NN về hệ thống mạng lưới, về tiện ích khi cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng, về tiềm lực tài chính, trong khi lại chịu áp lực lớn về chỉ tiêu lợi nhuận chia cổ tức cuối năm sắp đến nên cứ giữ mức LS huy động cao trong khi tình trạng dư thừa vốn và lãi suất cho vay đang có dấu hiệu hạ xuống thì nguồn thu từ mảng tín dụng sẽ bị giảm sút nặng nề. Vì thế giải pháp có thể thực hiện ngay chính là tiết giảm chi phí đầu vào của nguồn vốn. Tuy nhiên mức giảm sẽ không mạnh như NHTM NN và một mặt bằng LS huy động mới sẽ được xác lập với mức chênh giữa hai khối tương đương như trước thời điểm 26.9.
Cũng sẽ không có sự dịch chuyển lớn (thậm chí là không có) dòng tiền gửi từ NHTM NN sang NHTM CP như một số ý kiến đã dự đoán bởi người gửi tiền thừa hiểu LS cao cũng đã chứa đựng trong đó phần rủi ro mà họ có thể phải gánh chịu trong tương lai hoặc những tiện ích mà họ sẽ không được hưởng so với việc gửi tiền ở các NHTM lớn.
Tiền vẫn đổ vào tiết kiệm
Dù LS tiền gửi đã giảm nhưng không vì thế mà dòng tiền trong thời gian tới sẽ chuyển hướng rõ rệt sang thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường chứng khoán. Lý do thị trường BĐS đang có dấu hiệu dư cung với hàng loạt các dự án đủ các phân khúc liên tục tung ra thị trường. Số tiền để mua một BĐS (nhà, đất) đối với đa số người dân cao hơn nhiều so với số tiền họ đang gửi tiết kiệm trong NH. Trong khi đó, việc vay mượn thêm vốn trung hạn để thêm vào tiền tiết kiệm để mua BĐS đầu tư sẽ không dồi dào như trước (vì có nhiều NH đã sử dụng vượt tỷ lệ an toàn vốn do NHNN quy định nên không dễ dàng cấp vốn nữa).
Thị trường chứng khoán vẫn thiếu sự minh bạch nên vẫn còn ít “hàng” đủ chuẩn. Sự kiện doanh nghiệp đang lãi vậy mà sau kiểm toán lại lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng khiến cho nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Dù việc hạ LS huy động của NH đã ngay lập tức tạo nên hiệu ứng tích chung cho thị trường chứng khoán khi tạo đà cho mấy phiên tăng liên tiếp nhưng với số liệu chưa mấy khả quan của kinh tế vĩ mô, niềm tin của nhà đầu tư vào các DN niêm yết vẫn rất mỏng manh, trong ngắn hạn và có thể cả trung hạn dòng tiền ở Việt Nam vẫn sẽ đổ vào tiết kiệm bởi lẽ đây là kênh đầu tư an toàn nhất với đa số người dân vì lãi suất tiền gửi vẫn có phần cao hơn chỉ số lạm phát và ở mức khá cao so với nhiều quốc gia khác.
Lãi suất cho vay tiếp tục hạ
Các tổ chức quốc tế đánh giá GDP 2016 của VN chỉ có 6% là quá thấp so với dự báo trước đây. GDP tăng thấp thì nền kinh tế không cần nhiều vốn, điều này thể hiện khi mấy tháng gần đây tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm lớn hơn nhiều tốc độ tăng của tín dụng thực (không tính tiền các NHTM mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương). Khi tiền vẫn tiếp tục gửi vào NH (ít chảy sang các kênh khác) thì tiền sẽ đọng ở ngân hàng. Lúc đó các NH buộc phải hạ lãi suất cho vay để đẩy vốn ra.
Tình hình cho thấy các NH sẽ có một năm kinh doanh với kết quả lợi nhuận thấp nhưng nhìn chung tổng thể nền kinh tế sẽ có lợi bởi LS vay NH đang ngày càng thấp hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]