Từ những người có tiền nhàn rỗi đến người cố gắng dành dụm để “có tấm có món” dùng vào việc lớn đều tìm đến ngân hàng với mong muốn tiền vừa được cất giữ toàn lại vừa có thêm lãi. Thậm chí đến cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay doanh nghiệp lắm tiền mặt họ cũng để ra phần nào gửi ngân hàng.
Vài năm gần đây, khi vàng không còn “lấp lánh” như xưa thì kênh tiết kiệm ngân hàng lại càng có ưu thế hơn. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, các ngân hàng đã triển khai hàng loạt các sản phẩm, chương trình khuyến mại nhằm hút tiền gửi phù hợp với từng đối tượng, từ trẻ nhỏ đến người lớn, từ học sinh sinh viên đến cán bộ về hưu, từ công nhân, viên chức cho đến chủ doanh nghiệp…
Trong số các dịch ngân hàng thì gửi tiết kiệm là đơn giản nhất, thông thường người có tiền chỉ việc mang tiền đến ngân hàng gửi, hoặc trích xuất tài khoản gửi online. Tuy nhiên làm sao để gửi tiền một cách có lợi nhất, an toàn nhất, dễ dàng xử lý nhất trong những trường hợp bất trắc xảy ra thì không phải ai cũng biết được.
Chọn ngân hàng
Đầu tiên để gửi tiết kiệm phải lựa chọn cho mình ngân hàng để “chọn mặt gửi vàng”. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ tìm đến báo cáo tài chính hoặc các thông số khác như là độ an toàn vốn, tình hình thanh khoản…của ngân hàng để đánh giá nhà băng đó tốt hay không, nhưng với đại đa số người dân họ sẽ tìm ngân hàng uy tín.
Với phương thức gửi tiết kiệm truyền thống là đến quầy, bên cạnh chọn được ngân hàng tốt, người tiêu dùng cũng nên lưu ý các ngân hàng có nhiều chi nhánh hoặc có điểm giao dịch gần với nơi ở hoặc nơi làm việc của mình để dễ dàng giao dịch khi cần.
Với gửi tiết kiệm trực tuyến thì những bất cập về mạng lưới được khắc phục, nhưng người dùng cũng nên lựa chọn các ngân hàng có bảo mật tốt, dễ giao dịch online. Người gửi tiền nên sử dụng thêm tài khoản ở ngân hàng khác để dù có chi nhánh xa vẫn có thể rút tiền nhanh chóng bằng việc chuyển khoản tới ngân hàng có điểm giao dịch tiện lợi cho họ nhất, trong trường hợp này người dùng nên tìm hiểu kỹ các chi phí chuyển khoản cũng như hạn mức giao dịch. Ví dụ có ngân hàng thu phí mỗi lần chuyển là 9.900 đồng, có ngân hàng thu phí 11.000 đồng, kèm theo hạn mức từ 50 triệu đến 200 triệu…
Lãi suất và phương thức nhận lãi
Lãi suất là một trong các yếu tố quan trọng thu hút khách gửi tiền. Chẳng thế mà các ngân hàng vẫn cứ phải cạnh tranh nhau về lãi suất và các chương trình ưu đãi, các khuyến mại đi kèm để giữ khách cũ và hút khách mới.
Hiện nay trần lãi suất cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm còn trên 6 tháng được thả nổi và các ngân hàng huy động lãi suất cũng chênh nhau khá nhiều, dao động từ 6% đến 8,2%. Lãi suất ở các ngân hàng thương mại Nhà nước thường thấp hơn ở các ngân hàng cổ phần, đặc biệt là ngân hàng nhỏ.
Sau khi chọn được ngân hàng để gửi tiền, phương thức nhận lãi là một yếu tố quan trọng để người có tiền gửi có thể nhận được lợi nhuận tối ưu nhất. Hiện ngân hàng phổ biến có 2 hình thức nhận lãi là nhận lãi đầu kỳ hoặc lãi cuối kỳ, trong đó lãi cuối kỳ sẽ cao hơn.
Ngoài ra, lãi suất và phương thức nhận lãi cũng gắn với các sản phẩm tiết kiệm mà ngân hàng triển khai. Hiện ngân hàng có nhiều sản phẩm, từ tiết kiệm thường đến tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm tích lũy, tiết kiệm dự thưởng…
Nếu có một khoản tiền lớn thể gửi theo hình thức tiết kiệm bậc thang để hưởng lãi cao nhất. Còn nếu là khoản tiền nhỏ nhưng phát sinh đều đặn hàng tháng nên tham gia sản phẩm tiết kiệm gửi góp để tích lũy dần trong tương lai. Nếu có một khoản tiền phát sinh hàng tháng qua tài khoản, người có tiền nên tính đến tiết kiệm tự động để tối ưu hóa lợi nhuận.
Các sản phẩm tiết kiệm dự thưởng thường yêu cầu người gửi không được rút trước hạn, nếu rút trước sẽ bị phạt và không được đồng tiền lãi nào. Vì thế nếu không biết mình sẽ dùng khoản tiền gửi bất cứ lúc nào thì người gửi nên chọn tiết kiệm thường để linh hoạt trong việc rút, nếu chưa đủ kỳ hạn thì sẽ tính lãi không kỳ hạn, còn khoản nào đã đến hạn thì vẫn giữ nguyên mức lãi.
Kỳ hạn gửi tiền
Các ngân hàng triển khai nhiều kỳ hạn gửi tiền. Kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng có kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, dài hơn có 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Dài hơn thì có kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng…
Với kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi hiện lãi suất tối đa là 1%. Kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,5% đến 5,5% tùy thuộc từng ngân hàng. Người gửi tiền kỳ hạn càng cao (đối với trường hợp từ 6 tháng đến 18 tháng) thì càng được hưởng lãi nhiều.
Tùy thuộc người gửi tiền có bao nhiêu tiền và nhu cầu sử dụng tiền thực tế để cân nhắc các kỳ hạn phù hợp nhất. Hiện ở các ngân hàng, các khoản tiền gửi khi đến hạn mà người rút không tất toán sẽ được tự động gia hạn một kỳ hạn mới tương tự như kỳ hạn cũ đã gửi. Vì vậy nếu tình hình tài chính không ổn định thì nên gửi kỳ hạn ngắn bởi rút trước hạn gần như không có lãi. Còn nếu vẫn phân vân về các kỳ hạn thì có thể chia nhỏ khoản tiền gửi ra nhiều kỳ hạn để khi có việc cần có thể rút khoản ngắn hạn, tránh bị mất lãi trên toàn bộ số tiền.
Những lưu ý khác để phòng ngừa rủi ro
Trong các vụ án kinh tế liên quan ngân hàng thời gian gần đây có một số vụ liên quan đến sổ tiết kiệm, họ gửi nhưng không mang sổ tiết kiệm về mà lại giao cho nhân viên ngân hàng giữ hộ, kết quả là đã tiếp tay cho các cán bộ đó chiếm đoạt tài sản số tiền rất lớn. Bài học ở đây là, bất cứ người nào gửi tiền ngân hàng, hãy mang sổ tiết kiệm về vì đó là tài sản của mình, nếu gửi lại ngân hàng thì phải có giấy tờ biên nhận rõ ràng hoặc tìm đến dịch vụ thuê tủ an toàn của ngân hàng để cất giữ tài sản.
Một vấn đề nữa mà không ít người gửi tiền quan tâm đó là trường hợp xảy ra bất trắc với chủ sổ tiết kiệm thì làm sao để người nhà rút tiền được. Theo quy định hiện hành, muốn rút tiền tiết kiệm của người thân thì phải là chủ sở hữu hoặc người đồng chủ sở hữu.
Nhưng nếu chẳng may trường hợp bất trắc xảy ra thì người muốn rút tiền phải có giấy ủy quyền của chủ sổ tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu. Giấy ủy quyền phải được lập tại ngân hàng gửi tiền. Trường hợp giấy ủy quyền không được lập tại ngân hàng thì phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định.
Trường hợp xấu nhất là chủ sổ tiết kiệm chẳng may qua đời và không có giấy ủy quyền thì việc rút tiền phải giải quyết theo Luật Thừa kế.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]