Theo thống kê, hiện nay nhiều tập đoàn và công ty lớn đang gửi hàng nghìn tỉ đồng ở ngân hàng (NH). Như Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đến cuối quý 2/2016 có 8.190 tỉ đồng gửi kỳ hạn tại ngân hàng lấy lãi. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, tính đến 31/12/2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các công ty con đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn (kỳ hạn không quá 12 tháng) lên đến hơn 166.000 tỉ đồng. Lượng tiền này chiếm gần 22% tổng tài sản của Tập đoàn.
Những số liệu cho thấy khi sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn thì DN đem gửi để NH kiếm tiền hộ, vừa an toàn, vừa có lãi ổn định với tỉ suất khá cao mà không phải nặng nhọc tính toán gì. Ví dụ, lãi tiền gửi mà Sabeco nhận được khoảng 54 tỉ đồng cho khoản tiền gửi 8.190 tỉ trên.
Các DN có tiềm lực tài chính mạnh, quản lý vốn theo mô hình tập trung thì nguồn tiền gửi thường ổn định. Vì thế, dù biết DN kinh doanh tiền tệ “trên lưng” của mình nhưng ít NH dám giảm lãi suất (LS) huy động đối với những khoản tiền này vì sợ DN chuyển gửi sang ngân hàng khác.
Không khó để “làm giá” NH
Theo một lãnh đạo NHTM thì thao tác chuyển vài ngàn tỉ trên mạng chỉ cần ít phút nhưng để có vài ngàn tỉ cho DN chuyển tiền lại là một bài toán khó giải. Trong trường hợp DN cần sử dụng ngay một lượng vốn lớn, hay vì lý do nào đó muốn chuyển tiền gửi đi thì nếu không vay được trên thị trường liên ngân hàng thì NH chỉ còn cách trả LS ở mức cao để DN rút vốn từ từ....
Trong giai đoạn hiện nay, không khó để DN khôn khéo “làm giá” với NH. Chỉ cần nghiên cứu NH nào hơi ổn ổn, có tỉ lệ sử dụng vốn (tín dụng)/tổng tiền gửi cao, có tỉ lệ cho vay trung dài hạn cao, nghĩa là NH đó đang khát vốn, chỉ cần thỏa thuận mức LS rồi đem hàng ngàn tỉ đến gửi thế nào cũng có lợi hơn so với việc DN gửi tiền ở NH khác.
Sau kỳ gửi đầu tiên thì việc thỏa thuận LS để tái tục tiền gửi còn dễ dàng hơn nữa vì NH đối diện với việc sụt giảm nguồn vốn bất ngờ nên thường nhân nhượng thêm về lãi suất. Do đó không ngạc nhiên khi hiện nay các kỳ hạn gửi tiền ngắn hạn được nhiều NH đẩy lên khá cao.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu về nguyên tắc DN có thể kinh doanh tiền, nhưng nếu chỉ mang tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi thì về lâu dài hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, thị phần của DN sẽ bị thu hẹp lại… nhưng trong tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều bất ổn, sức cầu hàng hóa dịch vụ của xã hội còn thấp thì việc gửi tiền tạm thời (đa số là các kỳ hạn gửi dưới 9 tháng) để kiếm lợi nhuận mà vẫn bảo toàn được vốn, vẫn đang được nhiều DN áp dụng.
Vốn loanh quanh, lợi doanh nghiệp?
Tình trạng trên cho thấy trong nền kinh tế hiện nay một lượng vốn lớn đang loanh quanh đầu tư tài chính chưa thực sự đổ vào sản xuất kinh doanh. Về phía NH thì áp lực huy động vốn để giải quyết vấn đề thanh khoản và cho vay buộc các NH vẫn tiếp tục giữ, thậm chí tăng LS huy động ngắn hạn (để giữ khách hàng) khiến cho mục tiêu giảm LS cho vay thêm khó thực hiện và người chịu hậu quả chính là nền kinh tế.
Việc kinh doanh tiền tệ của DN thể hiện trên số lượng tiền gửi “khủng” với kỳ hạn ngắn, lang thang từ NH này sang NH khác đã luôn tạo tâm lý bất an về thanh khoản cho các NH “giữ tiền”, còn DN thì chẳng sợ thiếu hụt thanh khoản bởi họ luôn chủ động, muốn có tiền chi dùng, DN sẽ đem hợp đồng tiền gửi ở NH này sang thế chấp ở NH khác để được vay với LS thấp hơn.
Trong tình trạng dư thừa thanh khoản thì cạnh tranh giành khách hàng tốt sẽ ngày càng gay gắt hơn giữa các NH, dẫn đến việc ưu đãi LS vay thấp cho khách hàng tốt đã trở nên phổ biến Với NH huy động vốn với LS cao chưa chắc đã kiếm được đầu ra tương ứng. Tình trạng đọng vốn sẽ làm cho NH suy giảm lợi nhuận, khó khăn trong trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, cổ tức thấp thì việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ khó khăn hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]