Vòi trứng là gì?
Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu hở mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ. Tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp, cản trở sự di chuyển của trứng về tử cung.
Vòi trứng khi bị tắc sẽ khiến cho trứng đã gặp tinh trùng nhưng không thể di chuyển qua vòi trứng để về tử cung làm tổ, từ đó nó có thể phát triển ngay tại vòi trứng, dẫn đến mang thai ngoài tử cung, vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tắc vòi trứng (vòi trứng bị chít hẹp) là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới
Vòi trứng bình thường nhìn qua soi ổ bụng chỉ gần bằng đầu nhỏ của chiếc đũa ăn cơm. Khi bị chít hẹp, lòng vòi trứng vốn đã rất nhỏ (có thể thông bằng sợi chỉ mổ giống như sợi cước) còn bị hẹp hơn nữa do dính với các cơ quan lân cận hay do hậu quả của viêm vòi trứng. Chụp tử cung, vòi trứng với thuốc cản quang có thể giúp nhìn thấy vòi trứng thông suốt giống như một sợi chỉ trắng trên nền của phim.
Tắc vòi trứng thường gặp ở những đối tượng nào?
Phụ nữ có nhiều bạn tình hay bạn tình đã từng bị nhiễm lậu, nhiễm chlamydia, nhiễm một loại vi khuẩn khác ít được biết đến có tên mycoplasma homonis là những người rất dễ bị tắc vòi trứng. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những phụ nữ không quan tâm đúng mức đến vệ sinh hàng ngày, khi có kinh nguyệt hay trong đời sống tình dục; những phụ nữ bị nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu.
Nguy cơ bị tắc vòi trứng cũng tăng lên ở những phụ nữ trẻ chưa lập gia đình nhưng thường xuyên nạo phá thai, những phụ nữ đặt dụng cụ tử cung... Đó là do cổ tử cung đóng vai trò như bộ phận ngăn cản nhiễm khuẩn do bài tiết ra chất niêm dịch chảy vào âm đạo; chất niêm dịch này chứa các enzim có khả năng phân hủy vi khuẩn, nhưng khi bị sảy thai, nạo thai, sinh đẻ, đặt dụng cụ tử cung hay làm phẫu thuật ở cổ tử cung thì sự nhiễm khuẩn có điều kiện thuận lời để vượt qua hàng rào ngăn cản.
Vòi trứng bị chít hẹp có thể là do bẩm sinh (gây thiếu hụt cả một phần hay cả vòi trứng), tuy nhiên trường hợp này rất hiếm.
Dấu hiệu nhận biết tắc vòi trứng
Để cảnh giác với nguy cơ tắc vòi trứng, chị em cần hết sức chú ý tới những dấu hiệu sau đây, vì chúng có thể là những dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị tắc vòi trứng mà không biết:
- Kinh nguyệt không đều: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều, ví dụ như do chế độ ăn uống, rối loạn nội tiết, quá căng thẳng, viêm nhiễm âm đạo... Ngoài ra, nếu ống dẫn trứng (vòi trứng) gặp rắc rối thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, gây tổn thương chức năng của buồng trứng và làm cho việc rụng trứng gặp rối loạn. Hậu quả kéo theo là lượng kinh nguyệt nhiều, chu kì kinh nguyệt không ổn định. Vì vậy, chị em cần hết sức cảnh giác khi thấy chu kì kinh nguyệt của mình bỗng trở nên bất thường.
Chị em cần sớm phát hiện các dấu hiệu của tắc vòi trứng để điều trị kịp thời
- Khó chịu ở bụng: Những khó chịu ở bụng dưới có thể bao gồm: đau bụng, đau lưng, sưng cứng bụng... kèm theo các triệu chứng khác như kiệt sức, buồn đi tiểu liên tục, tiểu dắt... Đây có thể là triệu chứng của bệnh tắc ống dẫn trứng nhưng cũng có thể do các bệnh khác như viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm tử cung... gây ra. Vì vậy, chị em không được bỏ qua các triệu chứng này.
- Khó thụ thai: Ống dẫn trứng của phụ nữ đóng vai trò quan trọng đó là vận chuyển tinh trùng, thụ tinh với trứng và vận chuyển trứng thụ tinh đến tử cung. Nhưng nếu ống dẫn trứng bị tắc, hoặc bị tổn thương thì chức năng này sẽ bị ảnh hưởng, việc vận chuyện gặp khó khăn. Hơn nữa, vòi trứng bị tổn thương cũng có thể ảnh hưởng đến cơ chế rụng trứng, dẫn đến rối loạn rụng trứng và kinh nguyệt, làm cho tỉ lệ thụ thai thành công giảm đi. Chính vì vậy, tắc vòi trứng được coi là một trong những nguyên nhân lớn gây ra vô sinh nữ.
- Triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng nói trên, nếu bị tắc vòi trứng, chị em có thể gặp phải các triệu chứng khác như tăng dịch tiết âm đạo, đau khi giao hợp, rối loạn chức năng tiêu hóa, mệt mỏi...
Các triệu chứng này có thể gây ra sự chẩn đoán nhầm lẫn giữa các bệnh nếu không được chụp chiếu, khám, xét nghiệm cẩn thận. Vì vậy, để biết mình có phải mình bị tắc vòi trứng hay không, chị em nên đi khám sản phụ khoa là tốt nhất.
Cách phòng chống tắc vòi trứng
• Không nên quan hệ tình dục kéo dài mà không có con. Đồng thời, nên phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn đường sinh dục.
• Giữ vệ sinh vùng kín được thông thoáng, sạch sẽ, tránh để viêm nhiễm kéo dài.
Nếu tắc vòi trứng điều trị bằng cách:
• Thông vòi trứng bằng bơm hơi.
• Phẫu thuật nối lại vòi trứng nếu chỉ hẹp ở một đoạn ngắn, còn hẹp ở đoạn dài thì tất nhiên là không thể nối được với điều kiện hiện nay ở Việt Nam.
• Chỉ định phẫu thuật nội soi giống các phẫu thuật nội soi khác và chống chỉ định cũng như vậy. Ngoài ra, không làm ở vòi trứng nếu viêm tắc ứ mủ, do lao, viêm nhiễm tiết niệu sinh dục chưa điều trị khỏi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]