Theo các chuyên gia y tế, thời tiết miền Bắc nồm ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi để phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác. Trẻ em (đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi) và người già có sức đề kháng kém là đối tượng hay mắc bệnh.
1. Bệnh đường hô hấp: Các vi khuẩn gây bệnh, nấm, vi sinh vật phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao khiến các bệnh về đường hô hấp (dị ứng, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp) tăng nhanh trong thời tiết này. Hiện số trẻ nhập viện tại Nhi Trung ương, Xanh-Pôn, khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) gia tăng.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, số bệnh nhi nhập viện vì ho gà tăng cao. Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ mắc ho gà thường cao vào mùa Đông Xuân. Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
Trời nồm ẩm, trẻ dễ mắc bệnh hô hấp. Ảnh minh họa.
2. Bệnh sởi: Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, dễ lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Tuy lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp tử vong. Dịch sởi thường bùng phát vào những ngày thời tiết ẩm ướt.
3. Thủy đậu: Thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn, mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước. Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan.
Khi trẻ có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi ban hồng và sau đó chuyển dần thành bọng nước, xuất hiện ở cơ thể, đầu, mặt, tay, chân, miệng và cơ quan sinh dục,… Khi trẻ bị thủy đậu, các bậc cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám để có chỉ định điều trị phù hợp.
4. Sốt virus: Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan và có thể tạo thành dịch. Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt virus, trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trong nhiều ngày, có những trẻ chỉ sốt về đêm hay chiều, kèm theo các triệu chứng sổ mũi nhiều, họng đỏ gây kích thích khiến bé có tiếng ho, hoặc có cảm giác bé nuốt vướng, nôn trớ...
Khi trẻ bị sốt virus, uống kháng sinh không có hiệu quả. Trẻ đã bị sốt cao liên tục trong nhiều ngày, cơ thể đã mệt mỏi lại uống thêm kháng sinh, sức đề kháng càng giảm. Có trẻ còn bị tác dụng phụ của kháng sinh gây ra như đi ngoài, sức khỏe yếu khiến sốt kéo dài. Vì thế, điều quan trọng là người lớn cần dùng thuốc hạ sốt và bổ sung thêm nước (nước trái cây, dung dịch oresol...) cho trẻ.
5. Bệnh tiêu chảy cấp: Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như: Virus Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và có thể dẫn tới tử vong.
6. Cúm gia cầm: Cúm gia cầm thường bùng phát dịch vào thời tiết nồm của mùa xuân và thường gây bệnh cho những người có thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây chết người nếu không được điều trị kịp thời.
Ở một vài địa phương trên cả nước đã xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Các chuyên gia lo ngại nguy cơ cao cúm gia cầm lây lan sang người. Vì thế, người dân cần đặc biệt lưu ý đến các khuyến cáo của bộ Y tế.
Cách phòng bệnh khi trời nồm ẩm:
Theo các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp, cách phòng bệnh tốt nhất là giữ vệ sinh môi trường sống, làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá. Làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn. Điều đặc biệt quan trọng mà nhiều người không để ý đó là vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân. Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là làm khô đồ trước khi mặc, tránh nấm mốc gây các bệnh ngoài da.
Đặc biệt, cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Các bác sĩ lưu ý, những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường không kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]