Nhiều xe sang đã bị hải quan tạm giữ trong thời gian gần đây
Đa dạng mánh khóe "tuồn" xe qua cảng hải quan
Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam liên tiếp xuất hiện hàng trăm chiếc siêu xe với các nhãn hiệu đắt tiền nhất thế giới như Rolls royce, Bentley, Lexus, Audi… trong khi nguồn thu NSNN từ mặt hàng này không hề có dấu hiệu tăng trưởng. Đặc biệt là số lượng siêu xe trị giá hàng tỷ đồng được nhập khẩu thuộc diện Việt kiều hồi hương gia tăng đột biến với tốc độ chóng mặt từ 164 xe (2011) lên đến 1.200 xe (2012). Riêng trong năm 2013, có đến gần 300 chiếc siêu xe nhập khẩu không rõ nguồn gốc dưới danh nghĩa của các Việt kiều hồi hương bị tồn đọng tại các cảng biển. Nghịch lý trên đang là bài toán gây đau đầu cho ngành hải quan Việt Nam, bởi những thủ đoạn né thuế tinh vi đa dạng khó bề kiểm soát.
Theo nguồn tin từ cơ quan hải quan cho biết, hầu hết các siêu xe kể trên đều được nhập khẩu dưới danh nghĩa Việt kiều hồi hương, tạm nhập tái xuất hoặc ngoại giao. Để xác minh được nguồn gốc hay truy cứu trách nhiệm, cơ quan chức năng mất không ít thời gian và công sức trong công tác điều tra, quản lý. Theo Thông tư 118/2009 của bộ Tài chính quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi hồi hương được phép nhập khẩu một ô tô cá nhân đang sử dụng. Tài sản được quy định là chiếc ô tô cá nhân sẽ được miễn thuế nhập khẩu (70%), thuế giá trị gia tăng (10%), chỉ đóng thuế tiêu thụ đặc biệt (60%) và 10% phí trước bạ để xe mang biển trắng nội địa. Lợi dụng chính sách này, đã có không ít siêu xe được nhập về Việt Nam mà không phải đóng thuế như quy định. Một thông tin từ cơ quan công an tiết lộ, đã có hàng trăm siêu xe lăn bánh trên thị trường dưới hình thức "núp" thuế như vậy. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước đang thất thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tiền thuế nhập khẩu ô tô.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí phải trả cho việc sở hữu một chiếc siêu xe như Rolls Royce, Bentley, Lamborghini vào Việt Nam theo con đường Việt kiều hồi hương, tạm nhập tái xuất, ngoại giao sau khi đã trừ mọi khoản thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng chỉ tầm 500.000 USD. Chi phí này chỉ bằng hơn 1/2 nếu so với việc nhập khẩu chính ngạch khẩu là 850.000- 900.000 USD. Do lợi nhuận kếch xù thu được từ mức chênh lệch thuế quá lớn, việc tìm mọi cách né thuế đã trở thành một mánh lới mới của các ông trùm nhập khẩu xe sang hiện nay. Tính riêng trong năm 2013, có đến gần 300 chiếc ô tô, mô tô theo diện Việt kiều hồi hương đang "phơi thây" tại các cảng biển trên cả nước không có người nhận do sợ bị truy cứu trách nhiệm với hành vi nhập gian, nhập lậu xe sang, giấy tờ hải quan không hợp lệ...
Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra xe ô tô NK (Ảnh: Báo Giao thông vận tải)
Trước những lợi nhuận khủng thu được do "né" thuế nhập khẩu, các đường dây, tổ chức nhập khẩu siêu xe ở Việt Nam đã hình thành với tổ chức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã xác minh được một số tổ chức chuyên mua suất Việt kiều hồi hương để nhập khẩu siêu xe về Việt Nam. Các đối tượng trong đường dây này không ngừng liên hệ với các Việt kiều để chiêu dụ họ bằng những lợi nhuận hấp dẫn. Trung bình, một suất Việt kiều hồi hương có giá từ 20.000USD kèm theo vé máy bay 2 chiều, tiền ăn ở khách sạn và mọi chi phí giấy tờ, thủ tục đều được bao trọn gói.
Bên cạnh đó, không ít siêu xe tại Việt Nam lưu hành với giấy tờ, biển số giả để tránh phải đóng thuế cho việc làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên. Cụ thể, cuối năm 2013, cơ quan điều tra công an quận 7 đã phát hiện 13 siêu xe tại khu vực đô thị Phú Mỹ Hưng sử dụng giấy tờ, biển số giả. Qua công tác điều tra xác minh, những siêu xe này được các nhân viên đại sứ quán nước ngoài nhập vào Việt Nam sử dụng. Khi hết nhiệm kỳ, các xe này được bán lại cho các "đại gia" Việt Nam. Ai cũng biết, các xe ô tô hạng sang này được miễn thuế, có tờ khai hải quan đầy đủ. Tuy nhiên, nếu muốn làm thủ tục sang tên, chủ sở hữu xe sẽ phải đóng thuế chuyển nhượng không nhỏ. Để trốn khoản thuế này, không ít người đã sử dụng giấy tờ, biển số giả. Hiện nay, chỉ có 129 trên tổng số 1.200 xe mang biển số ngoại giao, nước ngoài đã làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng theo quy định.
Còn nhiều bất cập trong việc truy cứu trách nhiệm
Trước tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước với Việt kiều để lách luật trong việc nhập khẩu ô tô diễn ra rầm rộ như những năm vừa qua, cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý và đưa ra nhiều chính sách, nghị định mới. Tuy nhiên, để ngăn chặn thực trạng này, cơ quan chức năng cần tìm ra nguồn gốc, người nhập khẩu, người chủ bán các loại xe trên. Tiếp đó, người mua, người sử dụng những xe không có giấy tờ hợp lệ cũng cần có hình thức xử lý nghiêm. Do vậy, còn khá nhiều bất cập trong công tác truy cứu trách nhiệm với những đối tượng có hành vi vi phạm của cơ quan hải quan.
Trên thực tế, khi nhận thấy có điều bất minh, cơ quan hải quan gửi yêu cầu xác nhận, các chủ đơn hàng đều từ chối nhận hàng, không nhận trách nhiệm. Cụ thể, tháng 3/2012, 4 siêu xe không giấy tờ hợp lệ bị bỏ rơi tại cảng Hải Phòng. Tiếp đó, cuối năm 2012, lực lượng hải quan đã phát hiện 16 siêu xe do các Việt kiều hồi hương tại Bắc Ninh bỏ rơi lại cảng, không đến nhận. Tháng 6/2013, 5 siêu xe Lexus bị bỏ lại cảng Đà Nẵng. Mà theo đó, các lực lượng cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để truy ra nguồn gốc chủ nhân thực sự của các xe sang nhập lậu từ nước ngoài này, khi các chủ đơn hàng đã chối bỏ trách nhiệm.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nông Minh Đức, liên đoàn luật sư tỉnh Bình Dương nhận định: "Để truy cứu trách nhiệm với các đối tượng trên, cơ quan chức năng cần phải xác minh được hành vi vi phạm cụ thể của họ. Trong trường hợp có chứng cứ đầy đủ, các đối tượng này sẽ bị truy tố hành vi buôn lậu kèm theo trốn thuế. Trước mắt, nếu các chủ sở hữu siêu xe chối bỏ việc sở hữu hàng hóa, cơ quan chức năng không có bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa người sử dụng và hàng hóa nên không thể truy tố. Bên cạnh đó, do xe bị bỏ ngay cảng biển, chưa chính thức lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam nên càng không có cơ sở khởi tố".
Khó khăn trong công tác truy ngược tìm chủ nhân lô hàng
Trước tình hình xe sang nhập lậu vào Việt Nam không hề giảm dù cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ rất nhiều vụ, một đại diện Chi cục Hải quan TP.HCM cho biết, đây là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng. Vấn đề phát hiện được nhiều hồ sơ nhập khẩu xe sang có nhiều nghi vấn không phải là quá khó. Điểm chung của các hồ sơ có vấn đề này là hộ chiếu nước ngoài, hoặc thẻ cư trú tại nước ngoài được cấp trước khi hồi hương chỉ một thời gian ngắn, thủ tục đăng ký hộ khẩu được hoàn tất sau khi nhập khẩu về Việt Nam cũng rất ngắn. Trong khi quê quán một nơi, nhưng địa chỉ nhập khẩu thì lại ở một nơi khác. Đặc biệt, ô tô nhập khẩu hầu như rất mới, đăng ký trước khi về nước chỉ 1 - 3 tháng, và xe có giá trị rất lớn (vượt quá mức thu nhập của Việt kiều hồi hương). Khó khăn là khi phát hiện được rồi thì chủ nhân của các lô hàng này lại bỏ xe không đến nhận. Công tác tiến hành truy ngược mất khá nhiều thời gian, công sức vì liên quan đến yếu tố nước ngoài. Đây là chiêu trốn tội khá hiệu quả của các chủ lô hàng nhập lậu.
Theo Hoài Thương - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]