Năm ngoái thị trường Mỹ đạt doanh số 12,8 triệu xe, cột mốc đầu tiên của sự phục hồi công nghiệp ô tô sau cơn suy thoái năm 2009 khi chỉ bán được 10,4 triệu xe. Cộng dồn trong 6 tháng đầu năm, tiêu thụ xe mới ở Mỹ đạt 7,27 triệu chiếc, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011.
Mạnh mẽ ở Mỹ
Theo thống kê của trang Edmund.com, các nhà sản xuất ô tô Mỹ trong tháng 6 đã chiếm lĩnh được 46,8% thị trường nội địa, tăng 1% so với tháng 5. Thị phần của General Motors (GM ) đã tăng 6% khi đại gia số 1 của Mỹ công bố doanh số bán háng tháng 6 đạt 248.750 chiếc, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ mức tăng doanh số 30% của dòng crossover và lượng xe bàn giao cho các doanh nghiệp tăng cao. Tháng 6 cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất của hãng kể từ tháng 9 năm 2008, tính chung 6 tháng đầu năm, GM tăng 4,3 %.
Ford mặc dù ghi nhận mức tăng doanh số khiêm tốn với chỉ 7% với 207.759 chiếc bán ra nhưng hãng xe số 2 của Mỹ vẫn hoàn toàn có căn cứ để kỳ vọng vào nhưng điểm sáng trong tương lai khi có tới 4 mẫu xe góp mặt trong bảng xếp hạng những mẫu xe ăn khách nhất tháng 6, gồm: Ford F - Series PU, Escape, Fusion, và Focus. Ford báo cáo 6 tháng đầu năm hãng này tăng 6,6%.
Chrysler đã có tháng thứ 27 liên tiếp có lãi với 144.811 chiếc xe giao tới khách hàng (tính cả Fiat) tăng 20,3% so với cùng kỳ, mức cao nhất so với những tháng 6 trong 5 năm qua. Nhờ những nỗ lực liên tục cải tiến chất lượng, hình ảnh và thiết kế sản phẩm đã giúp Chrysler tận hưởng những tháng ngày tuyệt vời trong suốt thời gian qua, báo cáo doanh số 6 tháng đầu năm của hãng đã tăng 30,3%.
Cái tên được thị trường nhắc đến nhiều nhất trong tháng này là các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản. Toyota và Honda tiếp tục đạt mức tăng trưởng nghẹt thở trong tháng 6, mức tăng này thể hiện nhu cầu bị dồn nén sau khi bị sụt giảm doanh số vì gánh chịu thảm họa động đất và sóng thần năm ngoái. Doanh số bán hàng của Toyota tại Mỹ trong tháng qua đạt 177.795 chiếc, tăng 60,3% so với cùng kỳ, kéo tăng trưởng chung trong 6 tháng đầu năm tăng 28,7%, thị phần tại Mỹ đạt mốc mới 14,4% so với con số 12,8% thời điểm này năm ngoái. Lợi nhuận của Toyota tăng do các dòng Prius, Camry và Corolla có doanh số bán hàng tăng mạnh, chiếm hơn 86% tổng doanh số bán hàng của hãng vào tháng 6, con số này bao gồm chi nhánh Scion của hãng. Điều khá ngạc nhiên là dòng xe thể thao FR-S của Scion bán chạy nhất so với các mẫu xe khác trong tháng đầu tiên được bán ra.
Không chịu thua kém, Honda chi nhánh Mỹ đã tiêu thụ được 124.808 chiếc trong tháng 6, tăng 49% . Ba sản phẩm cốt lõi của Honda bao gồm Accord, Civic và CR-V đồng loạt tăng trưởng từ 50% trở lên, phân hiệu xe sang Acura của hãng này cũng vui mừng thông báo doanh thu tăng 77%. Dòng xe Sedan Accord của Honda có doanh số tăng 84,1 % so với thời điểm này năm ngoái, chiếm hơn 26,4% tổng doanh số bán hàng của Honda. Infiniti tăng tháng thứ 2 liên tiếp ở mức 66% là động lực giúp Nissan duy trì đà tăng trưởng, hãng cho hay doanh số tháng 6 đã tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đại gia đến từ Hàn Quốc, Đức như: Hyundai Mỹ tăng 10,5 % trong 6 tháng đầu năm và 7,8 % trong tháng 6. Cùng thời gian, Volkswagen bán được 38.170 xe trong tháng 6,(tăng 32,1% so với 2011), doanh số 6 tháng tăng 30,4%, cao nhất kể từ năm 1973.
Có thể thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hãng xe tại Mỹ tháng 6 vừa qua là một điểm sáng trong nền kinh tế Mỹ. Theo Ellen Hughes-Cromwick, chuyên gia kinh tế của Ford nhận định: “Tình hình giá xăng dầu đang giảm sẽ kích thích doanh số ô tô, hứa hẹn 6 tháng cuối năm sẽ còn khả quan hơn”. Dù vậy, về ngắn hạn, theo hãng tư vấn Standard & Poor, bối cảnh tăng trưởng việc làm mờ nhạt, sức mua của người dân yếu và thời tiết nóng gia tăng ở hầu khắp đất nước có thể những nguyên nhân kìm chế tăng trưởng của thị trường ô tô Mỹ trong tháng tới. Không những thế, những bất ổn dài hạn như giá xăng dầu (vốn phụ thuộc khá lớn vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong tháng 11 tới), đà hồi phục kinh tế chậm dần lại và hệ lụy từ khủng hoảng nợ công tại châu Âu nhiều khả năng sẽ gây nên những rủi ro cho thị trường trong thời gian tới.
Suy giảm ở châu Âu
Trái ngược với những khởi sắc của thị trường Mỹ với tốc độ tăng trưởng đều kể từ sau khủng hoảng, trong tháng 6 vừa qua, doanh số bán xe hơi ở châu Âu lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tổng lượng xe tiêu thụ của cả châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2012 đã giảm 6,8% xuống còn 6,64 triệu chiếc. Lượng đăng ký xe mới tại 27 nước thuộc Liên minh châu Âu cùng Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland trong tháng 6 đã giảm 2,8% so với một năm trước xuống còn 1,20 triệu xe, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi châu Âu (ACEA) công bố ngày 17/7.
Doanh số tiêu thụ ô tô ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng 2,9%, ở mức 296.722 chiếc bán ra trong khi Anh tăng 3,5% với 189.514 chiếc xuất xưởng, ACEA cho hay. Giảm giá mạnh của các nhà sản xuất xe hơi ở Đức ở mức bình quân 11,6% trong tháng 6 là một dấu hiệu rõ ràng rằng thị trường đang yếu đi rõ rệt. Việc VW Group giảm giá mạnh một số mẫu xe đã giúp cứu vãn doanh số bán xe của châu Âu nhưng điều này cho thấy thị trường xe hơi và nền kinh tế khu vực đang yếu đi rõ rệt. Tình hình không chắc chắn về khủng hoảng nợ công ở Nam Âu khiến nhu cầu mua xe riêng đình trệ. ACEA dự đoán rằng doanh số bán xe ở châu Âu sẽ còn giảm mạnh trong cả năm nay. Các nhãn hiệu của Pháp và Ý đang thua lỗ nặng từ nhiều tháng qua và sức tàn phá của khủng hoảng đã bắt đầu lan tới Đức, nền kinh tế đầu tầu của châu lục.
Lượng tiêu thụ của Renault, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai tại Pháp, đã giảm 3,7% trong tháng 6 xuống còn 114.964 chiếc và tính cả 6 tháng đầu năm 2012, hãng này đã mất 17%. Tình hình của Ford, Fiat, Opel và PSA/Peugeot-Citroen cũng đang rất ảm đạm trong tháng 6. Lượng giảm của Ford là mạnh nhất với 17,4%, hãng này chỉ bán được 85.465 chiếc trong tháng 6. Lượng xe bán ra của PSA, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai châu Âu, giảm 8,3% xuống 151.868 chiếc trong tháng 6. Nhà sản xuất này cũng đã gây chấn động cho người lao động và làm choáng váng chính phủ Pháp khi công bố kế hoạch đóng cửa một nhà máy lớn ở ngoại ô Paris và cắt giảm 8.000 việc làm.
Fiat Group, nhà sản xuất phụ thuộc nặng nề vào các thị trường châu Âu, giảm 16,5% vì chỉ tiêu thụ được 456.191 chiếc trong tháng 6. Bên cạnh đó, Fiat đồng thời cắt giảm khoảng 630 triệu USD đầu tư dành cho châu Âu năm 2012 và đóng cửa nhà máy thứ 2 tại Italy sau khi đã đóng cửa một nhà máy trên đảo Sicily năm 2011. Tình hình của bộ phận Opel/Vauxhall của GM cũng không khá hơn khi lượng tiêu thụ còn 90.300 chiếc, giảm 12,2%, trong khi kế hoạch tái cấu trúc vẫn chưa ổn định.
Ông Sergio Marchionne, chủ tịch của Fiat và Chrysler bày tỏ mối lo ngại về doanh số bán xe của các nước thuộc khối EU khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều. “Doanh số bán xe hơi tại thị trường châu Âu khó có thể phục hồi trong 2-3 năm tới”, ông nhận định. Theo ông, doanh số bán xe mới của Châu Âu dự kiến giảm 7% trong cả năm 2012, đạt 12,6 triệu chiếc, so với 13,6 triệu chiếc của năm 2011. Đó cũng là con số giảm mạnh so với thời điểm trước khi khủng hoảng xảy ra: 16 triệu chiếc của năm 2007.
Theo TC Xe Hơi
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]