Kể từ mẫu xe nhanh nhất ở thập kỷ đầu tiên với tộc độ chỉ là 16 km/h cho tới Hennessey Venom GT với vận tốc 434 km/h, con người đã có những bước tiến dài trong kỹ thuật chế tạo ô tô.
1880 - 1889: Benz Motorwagen (16 km/h)
Benz Motorwagen được coi là chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới. Được ra đời vào năm 1886, thực tế, chiếc "xe hơi đầu tiên" này chỉ là một mẫu xe ngựa được lắp động cơ. Mức giá lúc đó của Benz Motorwagen là 1.000 USD, tương đương hơn 26.000 USD ở thời điểm hiện tại.
Những con số khá "hài hước" của Benz Motorwagen là động cơ 2 kỳ 954 phân khối, sức mạnh... 0,67 mã lực đạt được ở vòng tua 250 vòng/phút.
1890 - 1899: Stanley Runabout (44 km/h)
Khác với chiếc xe của Karl Benz, mẫu xe Runabout của nhà sản xuất Mỹ Stanley sử dụng động cơ hơi nước. Khối động cơ 2 xi-lanh với 3,5 mã lực này có thể đạt tốc độ 44 km/h, tức là nhanh hơn những cỗ xe 1 ngựa thời đó một chút.
Vì kỹ thuật cơ khí lạc hậu thời điểm đó, Stanley Runabout chỉ có thể chạy được 32 km trước khi phải... đổ thêm nước vào bình chứa.
1900 - 1909: Mercedes Simplex (117 km/h)
Mẫu xe hơi được thiết kế bởi Wilhelm Maybach này được hãng Daimler Motoren sản xuất ra vào những năm 1902 - 1909. Những chiếc Mercedes Simplex thời đó sử dụng động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng với dung tích 5,3 - 9,2 lít mà chỉ có thể sản sinh ra 40 - 60 mã lực.
Ngoài phiên bản thương mại, Mercedes Simplex cũng có một phiên bản đua với sức mạnh 90 mã lực, đạt vận tốc 156 km/h (kỷ lục thế giới) vào năm 1904.
1910 - 1919: Austro-Daimler Prince Henry (136 km/h)
Chiếc Prince Henry là một mẫu xe khá kỳ lạ. Austro-Daimler, thương hiệu con của hãng xe Đức Daimler tại thị trường Áo, dưới sự dẫn dắt của Ferdinand Porsche (người sáng lập hãng Porsche) đã cho ra đời mẫu Prince Henry vào năm 1911 với động cơ 4 xi-lanh 5.7.
Khối động cơ có thể nói là khổng lồ sinh ra sức mạnh 95 mã lực tại 2.100 vòng/phút và giúp mẫu xe "hoàng tử" đạt vận tốc 136 km/h.
1920 - 1929: Duesenberg Model J (192 km/h)
Ảnh: BoldRide
Dù đã gần 100 năm trôi qua, con số 189 km/h của Duesenberg Model J cũng có thể khiến nhiều mẫu xe thương mại ngày nay phải ghen tị. Mẫu xe Mỹ được giới thiệu vào năm 1928 và sau này còn có 1 phiên bản siêu nạp được giới thiệu vào năm 1932.
Động cơ 8 xi-lanh thẳng hàng với dung tích 6,9 lít của chiếc xe sang và mạnh nhất thời đó sinh ra tới 265 mã lực ở vòng tua 4.250 vòng/phút. Những thông số có thể nói là vượt trội so với thập kỷ trước của Duesenberg Model J giúp mẫu xe này trở thành niềm tự hào của người Mỹ thời gian đó.
1930 - 1939: Duesenberg Model SJ (225 km/h)
Vẫn là khối động cơ 6,9 lít như trên Duesenberg Model J, Model SJ được trang bị hệ thống siêu nạp, qua đó tăng sức mạnh lên 320 mã lực và đạt 100 km/h trong 8 giây. Con số này khá ấn tượng với cân nặng tới 2,5 tấn của Duesenberg Model SJ.
1940 - 1949: Jaguar XK120 (202 km/h)
Do chỉ có 32 chiếc Duesenberg Model SJ được giới thiệu ra thị trường vào năm 1932, thập kỷ tiếp theo "ngôi vương" lại được chuyển qua cho người Anh với một mẫu xe chậm hơn.
Chiếc Jaguar XK120 sử dụng động cơ có mã XK với dung tích 3,4 lít I6 - một mẫu động cơ được Jaguar sử dụng tới tận năm 1992. Phiên bản mạnh mẽ nhất của XK120 là phiên bản MC cho thị trường Mỹ, với sức mạnh 210 mã lực và vận tốc tối đa 202 km/h.
Một phiên bản đặc biệt của Jaguar XK120 không sử dụng kính chắn gió cũng như không có mui xe được CLB xe hơi Hoàng gia của Bỉ "độ" lại vào năm 1949 có thể đạt vân tốc tối đa 217 km/h.
1950 - 1959: Aston Martin DB4 GT (246 km/h)
Mẫu DB4 GT là phiên bản đặc biệt của chiếc DB4 với khối lượng siêu nhẹ và động cơ hiệu suất cao hơn. Mẫu động cơ 3.7 của DB4 được thiết kế bởi Tadek Marek, một kỹ sư người Ba Lan, sản sinh ra công suất 240 mã lực và được "độ" lên 302 mã lực trên mẫu Aston Martin DB4 GT.
Chỉ có 75 chiếc Aston Martin DB4 GT được ra đời với vận tốc tối đa 246 km/h và khả năng đạt 100 km/h sau 6,1 giây.
1960 - 1969: Ferrari 365 GTB/4 "Daytona" (280 km/h)
Khác với "gã trai mới nổi" Lamborghini, thời điểm đó Ferrari vẫn trung thành với kiểu động cơ đặt trước và hệ dẫn động cầu sau. Mẫu grand tourer Ferrari 365 GTB/4 "Daytona" sử dụng động cơ 4.4 V12 với công suất 352 mã lực, tăng tốc lên 100 km/h trong 5,4 giây và có vận tốc tối đa 280 km/h.
1970 - 1979: Ferrari GT4 Berlinetta Boxer (282 km/h)
Trong suốt 1 thập kỷ tiếp theo, không có đột phá gì được thiết lập trên "mặt trận tốc độ". Lamborghini cho ra mắt chiếc Countach với mục tiêu lật đổ Ferrari nhưng thực tế thì mẫu xe với động cơ đặt giữa của Lamborghini chỉ đạt được vận tốc 254 km/h cho phiên bản thông thường.
Ferrari GT4 Berlinetta Boxer được ra đời với động cơ 12 xi-lanh thẳng hàng, đặt giữa và thực tế chỉ là phiên bản thay thế chiếc Ferrari 365 GTB/4 "Daytona" với tốc độ tối đa nhanh hơn một chút.
1980 - 1989: Ferrari F40 (325 km/h)
Mẫu xe "triệu đô" Ferrari F40 được ra đời năm 1987 với động cơ 2.9L tăng áp kép, sản sinh tới 471 mã lực. F40 có giá 400.000 USD vào năm 1987, tương đương gần 1 triệu USD vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do độ hiếm có, nhiều người đã phải chi ra tới 1,6 triệu đô để sở hữu mẫu xe có những đặc điểm rất gần với xe đua này.
1990 - 1999: McLaren F1 (386 km/h)
Ảnh: GTSpirit
Động cơ mạnh mẽ, thiết kế khí động học tối ưu là những đặc điểm làm nên danh tiếng cho siêu xe này. Động cơ 6.1 V12 mang tới cho McLaren F1 sức mạnh 618 mã lực, qua đó giúp chiếc siêu xe cực nhẹ (1.138 kg) này tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 3,2 giây.
1 chỗ ngồi duy nhất đặt giữa xe và hệ số cản gió chỉ là 0,32 (so với 0,36 của Bugatti Veyron) cũng là những điểm đặc biệt tạo nên danh tiếng của McLaren F1 cho tới tận ngày nay.
2000 - 2009: SSC Ultimate Aero TT (431 km/h)
Động cơ 6.4 V8 tăng áp kép của SSC Ultimate Aero TT có sức mạnh tới 1.287 mã lực, giúp siêu xe Mỹ đánh bại Bugatti Veyron để trở thành xe thương mại nhanh nhất thế giới vào năm 2007. Chiếc siêu xe SSC Ultimate Aero TT, dù là xe thương mại, nhưng có lẽ cũng chỉ dành cho đường đua vì nhà sản xuất không lắp đặt hệ thống chống bó cứng phanh và hệ thống kiểm soát độ bám đường cho xe.
2010 - hiện nay: Hennessey Venom GT (434 km/h)
Mặc dù đôi khi không được coi là xe thương mại (do số lượng quá ít), nhưng người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt hàng một chiếc Hennessey Venom GT bất cứ lúc nào. Mẫu siêu xe dựa trên chiếc Lotus Exige này sử dụng động cơ V8 7.0 với 1.244 mã lực, giúp xe tăng tốc lên 300 km/h chỉ trong 13,6 giây.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]