Đặc biệt, cháu hay xáp lại nhóm con trai đang chơi, tí tởn cười nói, tạo sự chú ý. Nói chuyện với bạn học, thế nào một hồi cháu cũng bình phẩm thằng A đẹp trai, thằng B tồ, thằng C nhát gái… Vợ chồng tôi lo lắng, không biết phải làm sao khi cháu phát triển tính dục sớm như vậy.
Kim Nguyên (Q.3, TP.HCM)
Chị Kim Nguyên mến,
Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con qua người lớn với những biến đổi nhanh chóng đến bất ngờ về thể chất lẫn tâm lý. Tùy thuộc vào tính cách của từng đứa trẻ, từng hoàn cảnh kinh tế, xã hội mà đứa trẻ ấy đang sống, giai đoạn quá độ này sẽ diễn ra tương đối êm ả hay tràn ngập sóng gió.
Về khía cạnh y khoa, một bé gái dậy thì về mặt thể chất khi chín tuổi không bị xem là dậy thì sớm. Tuổi dậy thì của trẻ gái từ 8-12 tuổi, biểu hiện bằng sự phát triển vú, lông mu, lông nách, sự xuất hiện kinh nguyệt, sự “nhổ giò” và sự hoàn thiện của cơ quan sinh dục nữ như tử cung, âm đạo, buồng trứng.
Về vấn đề tâm lý, nhu cầu tiếp xúc bạn khác giới, quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài, thích gây sự chú ý, thích chứng tỏ, thích khoe mẽ... cũng là điều hết sức bình thường, thậm chí là rất phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Cha mẹ cần nhìn thấy ở cô con gái bé bỏng ngày nào khi bước vào tuổi dậy thì hình ảnh một đóa hoa đang bung những chiếc cánh mỏng manh để đón nhận giai đoạn đẹp nhất của đời người. Đóa hoa ấy đang háo hức đón nắng, đón gió, đón mưa, đón cả những chú sâu đang lăm le bò lên từ những tầng lá thấp. Cha mẹ cần có thái độ chăm chút, nâng niu, giữ gìn, bảo vệ và trân trọng sự biến chuyển tự nhiên này.
Với cô bé chín tuổi có vẻ hơi ngang tàng khi nói về “bọn con trai”, trước hết chúng ta hãy nhìn thấy ưu điểm trong tính cách: có thể sẽ là một người khá tự tin, khá quyết đoán, độc lập, tinh ý, biết nhận xét... trong tương lai. Vấn đề còn lại là uốn nắn cho những tích cách nổi trội ấy vào đúng theo trục mà chúng ta hay gọi là “con gái ngoan”.
Cha mẹ nên tham gia vào câu chuyện như tham gia “hội nghị bàn tròn”, tức là đưa ra ý kiến, chứ không chỉ phán xét. Ví dụ, bạn A đẹp trai và bạn B tồ ơi là tồ ấy ai là người cùng tổ với con, ai thường đưa ra những ý kiến rất đặc biệt khi xây dựng bài...
Nếu cha mẹ chỉ đưa ra những lời phán xét, sẽ lái câu chuyện vào ngõ cụt, khiến đứa trẻ không thèm lắng nghe, không thèm chia sẻ và lại còn gồng mình lên đề phòng cha mẹ. Hãy kể cho trẻ về tuổi dậy thì hồi đó của mẹ, của cha theo hướng: chắc ông bà nội, ngoại cũng vất vả với cha mẹ lắm, cha mẹ đã may mắn có được những người lớn thấu hiểu, hoặc “mẹ đã từng không được lắng nghe nên bây giờ mẹ rất muốn lắng nghe con”. Thỉnh thoảng, hỏi thăm cô con gái có quá mệt khi phải thi cử trong ngày ra kinh không, trao đổi với con việc nên thay băng vệ sinh bốn-sáu tiếng một lần, đưa cho con một bài báo về giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt... cũng là những quan tâm khiến đứa trẻ gần gũi và mở lòng với cha mẹ.
Khi đứa trẻ 12- 15- 17 tuổi, cha mẹ sẽ còn... bấn loạn hơn khi con gái về trễ, mặc áo hở hang quá mức, nhận tin nhắn lúc nửa đêm... Hãy chuẩn bị tâm lý cho con gái, và cho cả bản thân mình. Con thuyền chở cô gái bé bỏng vượt sóng dậy thì của gia đình bạn nhất định sẽ cập bến khi cha mẹ thật sự kiên nhẫn và vững tâm xem con gái là một thủy thủ thực sự.
Theo Tapchilamdep.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]