Có một đêm khuya nó đã gọi mẹ như thế: “Mẹ ơi…”, rồi nó ngồi đó, nước mắt chảy ra, chỉ biết kêu “mẹ ơi, mẹ ơi”. Nó muốn kể mẹ nghe nhiều thứ, muốn nói mẹ biết nhiều thứ, nhưng dường như chẳng bao giờ nó làm được.
Dĩ nhiên, nó chẳng còn nhớ đã được mẹ sinh ra như thế nào, chỉ biết là một đứa trẻ được mẹ nuôi như “cái trứng mỏng” từ lúc mang thai cho tới bây giờ. Ngày còn bé, nó nghịch như một đứa con trai, té lên té xuống, hết gãy chân lại tới gãy tay, còn “đua xe đạp” tới mức vào bệnh viện. Cho tới khi nó có hai đứa em, mẹ dạy cách làm chị hai. Mà thật ra, cũng chẳng phải dạy, nó nhìn mẹ, rồi bắt bước làm theo, tắm cho em, cho em ăn cơm, ru em ngủ, trông em cho ba mẹ đi làm, nấu ăn, bán quán, lấy hàng… tất cả những việc đó nó đều làm được từ lúc lên 10.
Nhớ lần đó, mẹ bảo nó đi lấy hàng ở chợ về bán. Nó chở những bốn thùng mì tôm, lênh khênh trên chiếc xe đạp cà tàng, qua vũng nước rõ to. Cái gì quá khổ với nó cũng khó khăn. Bụp! Nguyên cả mấy thùng mì rơi cái ủm xuống vũng nước sình. Về nhà, nó bị la cho một trận. Ngay lúc đó nó nghĩ, mẹ chẳng thương, nó đã làm rất tốt công việc của một đứa con gái, làm cả chị hai thế nhưng ngày nào cũng bị mẹ la rầy.
Hàng ngày nó đi học về, làm mọi việc, chẳng hiểu mẹ không hài lòng điều gì, sao lúc nào cũng thấy nhăn nhó, khó chịu, la rầy suốt. Có lần bị mẹ la, nó hứa với lòng sẽ không nói chuyện dù là một câu. Và rồi, chẳng biết cái tính cố chấp, bướng bỉnh xấu xa đó, nó học được từ đâu mà cả một tháng trời chẳng thèm nói chuyện thậm chí nhìn mẹ lấy một lần, có chăng cũng chỉ là mấy từ “dạ có”, “dạ chưa”.
Lúc nhỏ, nó bị bệnh tới mức tưởng như gần chết. Nhìn nó như một cái xác khô di động, xanh xao, yếu ớt. Còn nhớ như in lần ngồi sau lưng mẹ, mẹ chở đi khám, bác sĩ bảo chở về đi, rồi kiếm tiền vào bệnh viện trong Sài Gòn chữa. Nói đoạn, bác sĩ nhìn rồi cho nó một viên C sủi, lúc ấy nhà nghèo đến mức viên C sủi nó đang uống cũng trở thành thứ xa xỉ. Rồi chẳng hiểu bác sĩ nói gì thêm, chỉ biết ngồi lên xe đạp ra về với mẹ.
Nó nghe tiếng mẹ khóc, bờ vai mẹ cứ run run, rồi lấy tay quẹt ngang dòng nước mắt. Nó biết, nó nghe, và cảm nhận được mẹ rất thương yêu nó. Điều nó muốn làm lúc này chỉ là ôm lấy tấm lưng đó của mẹ. Thế nhưng, chẳng hiểu sao nó lại cứ ngồi im, lặng lẽ đạp xe, đoạn đường về nhà lúc đó thật xa. Ba mẹ lận đận, bán cái này, thế cái kia, thậm chí là vay cả tiền ngân hàng về chữa bệnh cho nó. Lúc nhỏ, nó chẳng biết làm gì hơn, chỉ biết học, học thật giỏi để bù lại những gánh nặng tạo ra cho ba mẹ. Nó nghĩ như thế, điều duy nhất lúc này có thể làm được cho ba mẹ là chăm chỉ uống thuốc và đến trường.
Rồi nó lớn lên, vào đại học, xa nhà, xa ba mẹ, nhớ nhà không chịu nổi, nhớ ba mẹ, nhớ hai đứa em. Thế nhưng, mỗi lần nó gọi về lại chỉ nói được vài câu: “Mẹ làm gì đó”, “Nhà mình bán có được không”. Nhiều lúc nó muốn nói “con nhớ mẹ” nhưng cứ tới hai động từ “nhớ” và “yêu” lại bất lực, không thốt nên lời. Vì nó vốn dĩ là đứa lạnh lùng như thế, chẳng biết nói lời yêu thương với mẹ bao giờ.
Mẹ khổ lắm, giờ nhìn ba chị em khôn lớn, trưởng thành, hạnh phúc nào lớn hơn cho mẹ nữa. Nó biết hết, hiểu hết, thương mẹ, tự dặn lòng không bao giờ làm mẹ buồn, mẹ khóc. Bây giờ, sau này và mãi mãi như thế, nó sẽ làm được và làm tốt nữa là đằng khác dù chẳng bao giờ nói được “Con yêu mẹ”.
Theo Nhã Ca - Vnexpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]