Năm 2005, trung úy Trần Xuân Yêm (quê xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã đi về cõi vĩnh hằng tại thị trấn Nà Sản, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, sau một thời ông nghỉ hưu. Trong những năm cầm súng bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào, người chiến sĩ này đã ghi lại hết những đau thương mất mát và khó khăn gian khổ vào trong những trang nhật ký. Những dòng chữ của ông qua năm tháng bị hoen ố mờ nhạt vì nước mưa, mồ hôi và cả máu từ thế kỷ trước vẫn còn được lưu lại.
Năm 1955, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Trần Xuân Yêm lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ba năm sau khi phục viên, năm 1965, ông quay lại chiến trường. Những ngày này khói lửa ác liệt liên tục diễn ra trên mặt trận phía nam quân khu bốn. Lúc bước chân ra đi, lòng người chiến sĩ Trần Xuân Yêm vẫn vấn vương với những vần thơ xúc động:
Anh thật khổ lương tâm
Cứ nghĩ đến gia đình
Cùng hai con thơ dại
Không có nơi nhờ cậy
Em vất vả nhiều đường
Hãy gắng lên em nhé
Vì giặc Mỹ gây nên
Cảnh cơ hàn khổ cực...”
(K2 20/10/65)
Rồi đến những ngày trên nước bạn Lào, bom bi Mỹ xé nát bầu trời cũng được ông ghi lại trong những trang nhật ký:
Đã thấy trước sau, lửa chớp lóe trời
Xung quanh người, bi rơi lả tả
Làm cho cây rừng đổ ngả, đổ nghiêng
Cùng lúc ấy ở mông bên trái
Tôi nghe đau như thể dao đâm
Tôi đem tay sờ đúng một hòn bi
Đang bám chặt vào thịt da nong nóng
Ừ nhỉ? Thịt da mình cũng cứng
Làm cho bom bi Mỹ chỉ bám được bên ngoài...
(12/8/69- Xiêng Khoảng)
Trước đó, khi 15 chiến sĩ chiến đấu cùng ông bị bom Mỹ giết hại, những cảm xúc đầu tiên khi chứng kiến đồng đội mình ngã xuống đã được ông Yêm ghi bằng những dòng thơ:
Mà tâm hồn tôi nhắc nhớ đau thương
Ai đã giết chết những con người đáng quý
Ai đã giết chết những chiến sĩ kiên cường
Ôi đau thương biết mấy
Mười lăm mạng người gục xuống vì ai?...
(B2 22/7/66)
Và cả những vần thơ ca ngợi bộ đội Pa Thét Lào:
Đầu đội mũ lưỡi trai
Vai đeo súng trường Mỹ
Chân đi giày cao đế Việt Nam
Giữa rừng sâu anh bước đàng hoàng
Anh đi Mường Ngàn diệt tụi phu muy
Trời tối rồi sao anh chưa về
Anh còn đi nữa tới Phù- Sao
Tiếp súng đạn cho bộ đội Lào phòng ngự
(Anh du kích bản Piềng, 12/12/67)
Khi ông Trần Xuân Yêm đang làm nhiệm vụ quốc tế bên Lào thì ở hậu phương, vợ ông là Trần Thị Loan đang mang thai đứa con thứ ba, hai con gái đầu còn thơ dại. Vào ngày 29/6/1968, một trận oanh tạc bằng B52 của đế quốc Mỹ đã giết hại người vợ yêu quý của ông cùng người con chưa kịp chào đời. Đau đớn và mất mát quá nhiều khi ông trở về quê hương, nhà tan, vợ mất, hai con còn thơ dại. Ngồi bên miệng hố bom và cảnh hoang tàn ngôi nhà bị sập cháy nham nhở, ông gặp người cháu Trần Huy Cảnh (sau này là liệt sĩ) và những dòng lưu bút động viên của người cháu đã chia sẻ đau thương mất mát với ông để giúp ông trở lại nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế.
“Cậu ơi! Biết bao năm cậu cháu ta xa cách, làm cho nỗi nhớ nhung ngày một tăng dần lên, nhớ khi chân cậu bước, những nụ cười của cậu và một ngày vừa rồi: Quả tim của cậu hồi hộp đập theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ra đi làm nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, cháu biết lòng cậu khi đó đau đớn vô cùng, ở nhà mự đau, em dại không ai giúp việc gia đình... nhưng ra đi cậu vẫn làm tròn nhiệm vụ của một con người chiến sĩ được nhân dân giao cho trách nhiệm vinh quang và nặng nề. Khi trở về lại lâm vào cảnh tan hoang, mự bị bọn giặc Mỹ cướp đời...”
Khô nước mắt ra đi, chiến sĩ Trần Xuân Yêm biến đau thương thành hành động để hoàn thành nhiệm vụ bên nước bạn. Nhưng có ai biết được rằng ba năm sau, người cháu của ông cũng ngã xuống chiến trường trong một trận đánh để mở đường vào sào huyệt quân địch. Dòng nhật ký luôn thổn thức theo chân người lính Trần Xuân Yêm:
Hôm nay anh về đây mang một mảnh tình thương tiếc
Nhưng nào thấy em đâu, chỉ thấy mấy hố bom bi...
Khoác ba lô trở lại nước bạn, những vần thơ chiến đấu đã đi suốt những ngày còn lại ở chiến trường Lào:
Rừng núi bao la gắn bó cùng ta
Ta yêu rừng núi như là yêu vợ
Rừng núi yêu ta như người tri kỷ trăm năm
Rừng núi cho ta nào măng vằn, măng nứa
Rừng cho ta từ cam ổi, bưởi đào
Đêm nằm ngủ võng treo cột mít
Ngày ăn cơm ngồi dưới gốc dừa...
(Xiêng Khoảng 29/8/69)
Gần 10 năm làm nhiệm vụ bên nước bạn với những trận đánh vang dội, hoàn thành sứ mệnh quốc tế vẻ vang thì ông được trở về nước tiếp tục bảo vệ sân bay Nà Sản và về nghỉ hưu, mất tại đây vào năm 2005.
Cuộc đời thăng trầm của người chiến sĩ mang quân hàm trung úy đã khép lại. Những tưởng rằng ông Trần Xuân Yêm chỉ là người lính khô khan, chỉ biết sống và chiến đấu, nhưng ngờ đâu gần một thế kỷ sau, kể từ khi ông bước chân lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi lại may mắn tìm được cuốn nhật ký đẫm nước mắt này đã vùi dập giữa hoang tàn đổ nát của trận chiến và tồn tại qua hai thế kỷ.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]