Ai bảo sao cũng "ừ"
Yêu nhau hơn một năm, cả hai đều đã ngấp nghé tuổi 30, Nam, một kỹ sư phần mềm và Ngọc, nhân viên kế toán tại TP.HCM, quyết định đi đến hôn nhân.
Khi bàn về việc chọn nhà hàng, Ngọc đưa cho Nam vài địa điểm để chàng quyết định. Cô nhận được câu trả lời: “Em thích nhà hàng nào cứ chọn, anh thế nào cũng được”.
Nghĩ rằng người yêu dễ tính và chiều mình nên Ngọc rất vui. Cô quyết định chọn khu du lịch Bình Quới để tổ chức tiệc vì khung cảnh rộng rãi. Khi cả hai chuẩn bị đến đặt chỗ, Nam rụt rè: “Ba mẹ và các chị của anh bảo đặt tiệc ở Bình Quới không được sang lắm. Hay mình chọn nhà hàng nào cao cấp hơn một chút nha em?”. Dù không vui, nhưng Ngọc cũng muốn chiều ý nhà chồng. Cô chọn nhà hàng Sinh Đôi. Tuy nhiên giá cả ở đây khá cao. Ngọc trao đổi với Nam thì anh lúng túng gãi đầu gãi tai cười trừ.
Cuối cùng cả hai đặt tiệc ở Bình Quới cho vừa túi tiền. Cả gia đình Nam có ý kiến ra vào không vui. Nam chỉ ậm ừ cho qua chuyện, chẳng giải thích.
Sau khi cưới nhau, vợ chồng Ngọc ở riêng. Đầu tuần, Ngọc rủ chồng: “Thứ Bảy này mình đi xem phim anh nhé”. Nam đồng ý. Đến ngày thứ Năm, mẹ chồng gọi điện bảo cuối tuần vợ chồng sang nhà mẹ chơi. Nam cũng đồng ý.
Thế là sáng thứ Bảy, Ngọc và Nam cãi nhau chỉ vì đi xem phim hay về nhà mẹ.
Vợ chồng Ngọc đến cửa hàng nội thất, Ngọc bảo: “Mình chọn bộ sô-pha này anh nhé, kiểu dáng hiện đại, nhỏ gọn nữa”. Nam gật gù: “Ừ, anh thấy cũng hợp với nhà mình đấy”. Chưa kịp mua về, anh đã gọi điện thông báo với mẹ. Bà vội nói: “Con mua bộ bàn ghế gỗ đi, ngồi thoải mái lại dễ lau chùi. Mấy cái kiểu hiện đại chỉ tổ bám bụi”.
Nghe vậy, Nam liền nói với vợ: “Mẹ bảo mua bộ bàn ghế gỗ em ạ”. Cô ngạc nhiên: “Ơ, nhà mình bé thế này, rinh bộ bàn ghế gỗ như của mẹ về thì còn chỗ nào mà đi. Hôm qua anh chẳng phải đã đồng ý rồi sao?”. “Anh thấy mẹ nói cũng phải”. “Phải, phải, mẹ nói gì mà chẳng phải. Cả anh chị nhà anh nữa, họ bảo gì mà anh chẳng nghe. Không mua gì nữa”, Ngọc bực tức.
Chiến tranh lạnh xảy ra. Ngọc nhất quyết không nhượng bộ. Cô trút bầu tâm sự với bạn: “Anh ấy chẳng có lập trường gì cả, lúc nào cũng hỏi ý kiến người khác. Ai nói gì cũng cho là đúng. Chuyện của vợ chồng cứ toàn hỏi ý bố mẹ, anh chị em”.
Chuyện đàn ông không kiên định trong cuộc sống rất phổ biến (ảnh minh họa)
Khi chồng thiếu tự tin vào bản thân
Theo tiến sỹ tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục trường Đại học Sư phạm TP.HCM, chuyện đàn ông không kiên định trong cuộc sống rất phổ biến. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hoàn cảnh sống, họ lớn lên trong sự bao bọc của gia đình nên có thói quen nghe lời người khác.
Từ nhỏ họ đã không có quyền quyết định, kể cả những việc nhỏ của bản thân. Dần dần, điều đó trở thành thói quen, họ luôn dựa dẫm và chờ chỉ dẫn của người khác mỗi khi có vấn đề cần giải quyết.
Cũng có trường hợp người chồng vì sỹ diện, muốn khẳng định vị trí trụ cột, nên đột nhiên thay đổi ý kiến. Đôi khi họ cũng không suy xét sự thay đổi đó có đúng hay không.
Ngoài ra, có những người quá lành tính, không muốn làm mất lòng ai nên nói gì cũng đều đồng ý. Suy nghĩ của họ là: “Như thế cũng chả mất gì”. Thay đổi thói quen ứng xử của họ cần thời gian dài và sự kiên nhẫn từ người vợ.
"Bí kíp" chữa bệnh ba phải cho chồng:
- Hạn chế sự ảnh hưởng của người ngoài đối với chồng. Nhắc anh rằng khi đã có gia đình riêng, không nên phụ thuộc vào bố mẹ và anh chị em. Anh cần có tính độc lập trong mọi vấn đề.
- Dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, luôn bàn bạc với chồng khi có vấn đề cần giải quyết. Khi anh quyết định sai, bạn nên phân tích để anh hiểu. Khuyến khích, động viên để anh thêm tự tin.
- Luôn bảo chồng là bóng tùng cho vợ nương tựa để anh thấy vị trí quan trọng của mình trong gia đình.
Theo - Nguoiduaitn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]