Các bậc cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ khi cho trẻ sử dụng các thiết bị di động thông minh.
Bứt rứt khi thiếu máy tính bảng
Trước thông tin trên, BS Dương Đình Phúc – Trưởng khoa Tâm thần kinh (Bệnh viện 354) cho biết, đây quả thực là con số báo động. Thực tế, nhiều em nhỏ ngay từ nhỏ đã được bố mẹ “quăng” cho những thiết bị công nghệ và không ít trẻ lệ thuộc, cảm thấy rất bứt rứt mỗi khi thiếu các thiết bị này.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở Thanh Xuân (Hà Nội), có con trai 4 tuổi cho biết, ban đầu thấy con thích chiếc Ipad chị thỉnh thoảng cũng cho con chơi. Rồi nhiều khi bận, chị mặc cho con chơi thoải mái để rảnh rang làm việc. Chẳng bao lâu sau bé đã thành thạo từng thao tác. Từ đó cháu đâm ra mê chơi, hễ mẹ về đến nhà là đòi điện thoại rồi Ipad hết xem phim lại chơi game. Giờ ăn cơm hay làm việc gì cũng phải lấy chúng ra dụ chứ cu cậu nhất định không chịu nghe nếu thiếu Ipad.
Anh Trần Văn Hóa (ở Hưng Yên) cũng sớm cho con dùng máy tính bảng với mục đích cho con học hát và làm quen với tiếng Anh. Ban đầu cũng quản lý con chặt nhưng khi thấy con học nhanh, hiểu biết nhiều nên vợ chồng anh dần nới lỏng việc kiểm soát thời gian sử dụng của con. Từ đó, vào ngày nghỉ là bé ôm khư khư máy để học. Năm nay mới 7 tuổi, nhưng con gái anh đã cận thị nặng. “Khi thấy cháu hay đau đầu, chóng mặt gia đình đưa đi khám và đo mắt thì cháu đã bị cận nặng. Bác sĩ cho biết, nguyên nhân do cháu dùng máy tính bảng, xem phim 3D nhiều nên tổn thương mắt và khuyên nên hạn chế sử dụng”, anh Hóa xót xa.
Ảnh hưởng lớn đến thị lực
BS Dương Đình Phúc cho rằng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Sử dụng như thế nào là hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất mới là quan trọng. Việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ thông minh phải không ảnh hưởng việc học, ăn, ngủ của trẻ như vậy sẽ giúp chúng tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới, phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Đồng thời kích thích tính tò mò, sáng tạo của trẻ. Với những trẻ tăng động giảm chú ý việc tập trung chơi là rất khó. Trong các bài tập rèn luyện cho trẻ tăng động giảm chú ý có một bài là làm cho trẻ thích một trò chơi nào đó để rèn cho trẻ tính tập trung. Những trẻ nằm trong đối tượng này khi sử dụng thiết bị công nghệ thông minh lại rất tốt. Khi trẻ chơi cũng là học.
Ngược lại, nếu cha mẹ không quản lý chặt trẻ dễ bị “nghiện” dẫn đến xao nhãng học hành, ít giao tiếp với cha mẹ, người thân, có nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Trẻ khi đã tập trung quá cao vào chơi Ipad, điện thoại, xem phim 3D… sẽ không còn hưng phấn, hứng thú với việc tìm tòi những thứ khác. Đồng thời, khi chúng tập trung thời gian, năng lượng vào chơi với các thiết bị này rồi thì khi quay sang học các môn khác sẽ kém hiệu quả. Khả năng làm việc của trí não chỉ có một thời gian nhất định, hệ thần kinh sẽ mệt mỏi nếu làm việc liên tục. Đặc biệt những nội dung thiếu lành mạnh trong máy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng của trẻ, thậm chí khiến trẻ phát triển lệch lạc nhân cách về sau. Việc lạm dụng công nghệ di động thông minh còn có thể gây ra đau đầu, biếng ăn, mất ngủ…
Cùng với những ảnh hưởng sức khỏe, thần kinh, tình trạng trẻ sử dụng công nghệ thông minh còn gây áp lực đối với đôi mắt. Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trẻ bị ảnh hưởng thị lực hệ lụy từ thiết bị công nghệ thông minh. Theo BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), các chuyên gia nhãn khoa chưa có nghiên cứu nhiều về công nghệ 3D nhưng mắt sẽ bị ảnh hưởng nếu dùng nhiều. Mắt bình thường nhìn hội tụ vào một điểm, hợp nhất hai ảnh của mắt thành một hình duy nhất. Mục đích hình 3D là không làm cân bằng hai mắt, xô lệch đi để tạo chiều sâu của hình ảnh. Hơn nữa khi dùng kính 3D nhiều sẽ làm não trẻ mất thăng bằng, làm phân ly hai mắt khiến trẻ mỏi mắt, ảnh hưởng phát triển thị giác. Trên thế giới từng có nghiên cứu cho thấy, 25% người sau khi xem phim 3D than phiền bị mờ mắt, đau đầu, đau vai gáy, chóng mặt, buồn nôn.
Để tránh những hệ lụy từ những chiếc smartphone, máy tính bảng hay hình ảnh 3D… cha mẹ cần hướng dẫn, thường xuyên chơi cùng con để tập cho trẻ có thói quen tốt và tránh để trẻ truy cập vào website không lành mạnh. Không nên giao phó máy hoàn toàn cho trẻ. Khi định chọn mua một sản phẩm công nghệ nên chọn loại màn hình ít hại mắt, có những tính năng dành riêng cho trẻ.
Cha mẹ có thể tải những ứng dụng quản lý như Kids Place – Parental Control, Nahi Kids – Nahi Parental Control, Kid Read... giúp quản lý thời gian con chơi một cách dễ dàng thông qua thời khóa biểu do cha mẹ lập sẵn. Bên cạnh đó, nó còn cho phép bạn kiểm soát nội dung, lựa chọn cho trẻ chơi những ứng dụng nào mang tính giáo dục cao, cho phép con vừa chơi vừa học.
“Đối với trẻ dưới 6 tuổi nên để các bé tham gia các hoạt động ngoài trời thay vì cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Không nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử lâu 1,5 - 2 tiếng mỗi ngày.
Với những trẻ trên 7 tuổi, đây là giai đoạn phát triển và hoàn thiện chức năng thị giác của trẻ. Khi mắt nhìn gần trong thời gian dài sẽ mệt mỏi có thể gây cận thị. Để hạn chế tật về mắt nên hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi sau 30 phút sử dụng. Thời gian cho trẻ dùng thiết bị càng cách quãng càng bảo vệ được mắt”.
BS Dương Đình Phúc
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]