Thuyên tắc ối là gì?
Thuyên tắc ối (AFE) là một biến chứng trong quá trình chuyển dạ, đe dọa tính mạng mẹ và con. Tình trạng này xảy ra khi dịch ối hay những tế bào thai nhi: tóc, phân su... đi vào hệ tuần hoàn người mẹ gây phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, khiến người mẹ suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính. Nếu nhẹ sẽ để lại các di chứng, còn ở dạng nặng, có thể gây tử vong cho cả mẹ cả con.
Mặc dù thuyên tắc ối là bệnh hiếm gặp, chỉ 1/15.200 ca chuyển dạ tại một nơi có nền y tế tiên tiến như Bắc Mỹ (số liệu do tổ chức AFE Foundation cung cấp), tuy nhiên, nó là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong quá trình sinh hoặc ngay sau khi sinh. Nguy hiểm hơn, thuyên tắc ối không thể được ngăn chặn, và hiện nay nguyên nhân gây ra hội chứng này cũng chưa được lý giải đầy đủ.
Thuyên tắc ối không phân biệt chủng tộc, màu da, độ tuổi - nghĩa là bất cứ sản phụ nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới - đều cũng có thể bị. Nó có thể xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh.
Hội chứng "Tắc mạch ối" (Amniotic Fluid Embolism) xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, chất gây, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính
Nguyên nhân thuyên tắc ối?
Thuyên tắc ối có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc ngay sau khi sinh trong cả phương pháp sinh thường và sinh mổ. Trong vài trường hợp hiếm hoi, hội chứng này có thể xảy ra trong quá trình phá thai hoặc trong khi thực hiện thủ thuật chọc ối để kiểm tra (đối với các thai nhi có nguy cơ dị tật, thường được chỉ định chọc ối để lấy ối xét nghiệm). Thuyên tắc ối là một phản ứng bất lợi xảy ra khi nước ối chảy vào hệ thống tuần hoàn của người mẹ. Lý do tại sao phản ứng này lại xảy ra thì các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Các triệu chứng thuyên tắc ối là gì?
Giai đoạn đầu tiên của hội chứng thuyên tắc ối thường bao gồm ngừng tim và suy hô hấp nhanh chóng ở sản phụ. Ngừng tim xảy ra khi tim ngừng hoạt động, người mẹ bị mất ý thức và ngừng thở. Suy hô hấp nhanh chóng xảy ra sau đó khi phổi của người mẹ không thể cung cấp đủ oxy cho máu hoặc không loại bỏ đủ carbon dioxide. Điều này làm cho người mẹ khó thở kèm tụt huyết áp, ngay sau đó sản phụ rơi vào hôn mê. Tử vong mẹ và con thường xuất hiện trong giai đoạn này.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm: suy thai (dấu hiệu bao gồm thay đổi nhịp tim thai nhi hoặc giảm chuyển động trong bụng mẹ), người mẹ nôn hoặc buồn nôn, lên cơn co giật, thay đổi màu da ở mẹ (tím tái)…
Nước ối và các tế bào thai nhi khi lọt vào hệ tuần hoàn đã kích thích phản ứng phản vệ của cơ thể mẹ với các kháng nguyên từ thai.
Những phụ nữ may mắn sống sót sau giai đoạn đầu của thuyên tắc ối, có thể bước vào giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn xuất huyết. Điều này được nhận biết khi mẹ bị chảy máu đồng bộ và đông máu rải rác lòng mạch, kèm theo rét run nặng, ho, nôn ói và cảm giác khó chịu trong miệng. Sản phụ chảy máu quá nhiều tại vị trí nhau thai bám vào dạ con hoặc tại vết mổ lấy thai, dẫn đến rối loạn đông máu, đờ tử cung, bệnh lý đông máu nội mạch lan tỏa, suy sụp tuần hoàn và có nguy cơ cao tử vong mẹ. Nếu không được mổ lấy thai kịp thời, sẽ dẫn đến suy thai và tử vong thai nhi.
Các biến chứng nghiêm trọng của thuyên tắc ối?
Biến chứng nghiêm trọng nhất thường xảy ra trong các ca thuyên tắc ối, đó là gây tử vong, nhất là trong giai đoạn đầu tiên: ngừng tim đột ngột, mất máu quá nhiều, suy hô hấp cấp tính, hay suy đa cơ quan. Khoảng 50 % các trường hợp thuyên tắc ối, cái chết xảy ra trong vòng một giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu.
Xử lý thuyên tắc ối như thế nào?
Đối với người mẹ, bạn sẽ nhanh chóng được điều chỉnh tình trạng thiếu oxy mô và tụt huyết áp bằng cách cho thở oxy qua mặt nạ hoặc đặt nội khí quản để đảm bảo rằng mẹ nhận được đủ oxy để em bé cũng có đủ dưỡng khí. Bạn cũng được theo dõi chặt chẽ nhịp tim và hồi sức ngưng tim kịp thời. Thuốc cũng có thể được sử dụng để kiểm soát huyết áp của bạn. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ được truyền máu, tiểu cầu, huyết tương trong giai đoạn xuất huyết. Cuối cùng, có thể bạn sẽ được chỉ định lấy thai sớm để cứu mạng trẻ và cải thiện hồi sức trẻ; và một ca thuyên tắc ối thường kết thúc bằng cắt tử cung cầm máu để cứu mạng mẹ.
Đối với trẻ sơ sinh: bé sẽ được mổ cấp cứu ngay sau khi tình trạng của mẹ được ổn định để tăng cơ hội sống sót cho bé. Bé sẽ được các bác sĩ theo dõi sức khỏe chặt chẽ.
Tiên lượng về sức khỏe sau thuyên tắc ối?
Người mẹ sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao, ước tính chỉ khoảng 27% phụ nữ có thể sống sót sau khi gặp hội chứng thuyên tắc (thống kê năm 2009). Sau khi vượt qua cửa tử, những người mẹ thường có biến chứng lâu dài, bao gồm: mất trí nhớ, suy cơ quan, tổn thương tim ngắn hạn hoặc vĩnh viễn, các vấn đề về hệ thần kinh, cắt bỏ tử cung một phần hoặc toàn và ảnh hưởng đến tuyến yên. Vấn đề về tâm lý cũng vô cùng trầm trọng nếu người mẹ bị mất con: trầm cảm sau sinh và rối loạn căng thẳng sau sinh.
Trẻ sơ sinh cũng đối mặt với nguy cơ tử vong: có khoảng từ 20 đến 25% trẻ tử vong sau sinh khi mẹ bị thuyên tắc ối (thống kê năm 2009). Một số trẻ dù được cứu sống nhưng duy trì sự sống không bao lâu, hoặc có thể gặp biến chứng suốt đời: Hệ thống thần kinh suy giảm thể nhẹ hoặc nặng, không đủ oxy cho não dẫn tới bại não, hoặc các rối loạn ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh.
Hạnh phúc lớn nhất của sản phụ là vượt cạn thành công, "mẹ tròn con vuông"
Có thể ngăn chặn hội chứng thuyên tắc ối?
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ): Cho đến nay không có biện pháp dự phòng hữu hiệu đối với thuyên tắc ối. Bệnh lý này không thể ngăn chặn được, và ngay cả các bác sĩ cũng rất khó khăn trong việc dự đoán khi nào nó sẽ xảy ra trong suốt quá trình sản phụ chuyển dạ.
Cách duy nhất để bạn có thể bảo đảm cuộc vượt cạn của mình diễn ra an toàn nhất, đó là hãy nói chuyện với bác sĩ sản khoa những vấn đề liên quan đến sức khỏe của bạn để loại trừ nguy cơ cao. Hoặc những khó khăn của lần mang thai/sinh con trước cũng nên trình bày rõ để bác sĩ theo dõi sát sao quá trình mang thai sau này của bạn.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]