Bé Lê Tuấn Khang - một trong các bé bị 2 bảo mẫu lớp mầm non tư thục Phương Anh (Thủ Đức, TP. HCM) bạo hành thời gian gần đây. (Nguồn: TTXVN)
Tham dự hội thảo có đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu cho biết tại Việt Nam có nhiều chương trình quốc gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng cường các hoạt động giám sát, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm quyền trẻ em.
Việc phòng, chống bạo lực đối với trẻ em đang được chú trọng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại do sự chênh lệch về mức sống của người dân, quản lý nhà nước và bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều điểm chưa hiệu quả, mạng lưới cán bộ còn thiếu và yếu, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn chưa đồng bộ...
Để bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn trong thời gian tới, cần hướng tới những giải pháp chủ yếu như túc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng mưu sinh, từ đó các gia đình sẽ có cơ hội chăm sóc con cái nhiều hơn, giảm nguy cơ trẻ em bị bỏ mặc; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và chính bản thân trẻ em trong việc phòng ngừa những hành vi xâm hại; đồng thời cần quan tâm và củng cố hệ thống cán bộ, hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu, bám sát trẻ có nguy cơ cao, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...
Hội thảo là cơ hội nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận góp ý cho kế hoạch triển khai nghiên cứu nguyên nhân bạo lực với trẻ em, nhằm thống nhất lộ trình triển khai nghiên cứu phù hợp trong những năm tiếp theo và kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, chương trình phòng chống bạo lực trẻ em hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Dự kiến chương trình nghiên cứu đa quốc gia về các yếu tố thúc đẩy dẫn đến bạo lực ảnh hưởng tới trẻ em sẽ thực hiện tại Nam Phi (Zimbabwe), Đông Á (Việt Nam) và châu Mỹ Latinh.
Nghiên cứu này sẽ tiến hành trong 3-5 năm, nhằm đưa ra các nguyên nhân và phương thức chính của một nghiên cứu đa quốc gia về các yếu tố quyết định dẫn đến bạo lực giữa các cá nhân gây ảnh hưởng đến trẻ.
Nghiên cứu đa quốc gia này sẽ minh họa cách thức xây dựng một khuôn khổ toàn diện dựa trên bằng chứng căn cứ thực tiễn, tập trung vào lĩnh vực bảo vệ trẻ em, trong đó tập hợp được khai thác dữ liệu quốc gia hiện có; nghiên cứu định tính về yếu tố quyết định, bằng chứng về "các biện pháp có hiệu quả trong từng điều kiện cụ thể;" và cuối cùng là đo lường đánh giá kết quả.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cho biết mặc dù công tác phòng chống bạo lực về thân thể, cảm xúc và tình dục đối với trẻ em đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, nhưng các vấn đề khác như sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của trẻ em cũng như bạo lực đối với trẻ em vẫn chưa được thực sự quan tâm trong các chương trình nghị sự chính sách công.
Tuy nhiên, thế giới vẫn đang đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc hiểu biết sâu hơn nữa về quy mô và phạm vi của những nội dung này.
Trên thế giới, không có nơi nào là an toàn tuyệt đối, thủ phạm có thể ở gần và là người quen, trong đó môi trường gia đình và trường học là địa điểm của những hành vi bạo lực.
Việc tìm hiểu rõ được các yếu tố quyết định gây ra sự bạo lực đối với trẻ em ở các độ tuổi khác nhau sẽ góp phần xây dựng các cơ sở bằng chứng thực tiễn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu về nguyên nhân và cách thức của sự thay đổi này, từ đó sẽ cải thiện được các biện pháp can thiệp phòng ngừa bạo lực, đảm bảo tính nhạy cảm và đáp ứng cao đối với các biến đổi (theo độ tuổi và giới tính) trong thách thức, cơ hội và nhu cầu của trẻ em và người lớn trong cùng một gia đình./.
Theo - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]