Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Hơn 40% cơ sở vi phạm
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, đợt kiểm tra chuyên đề chất lượng đồ chơi trẻ em trên toàn quốc vừa qua diễn ra vào tháng Tám, Chín mà cao điểm là rằm Trung thu. Đến cuối tháng Mười, đầu tháng Mười Một vừa qua, đã có 62/63 tỉnh thành gửi kết quả.
Theo đó, các cấp đã kiểm tra tổng số 1.708 cơ sở. Trong số này có 41 cơ sở sản xuất, 18 cơ sở nhập khẩu, 1.649 cơ sở kinh doanh (94 siêu thị, đầu mối lớn và 1.555 cơ sở buôn bán nhỏ lẻ). Kết quả cho thấy, trong số 1.708 cơ sở bị kiểm tra thì có tới 672 cơ sở vi phạm (chiếm khoảng 39,3%). Vi phạm nhiều nhất về nhãn hàng hóa với 550 cơ sở, gắn dấu hợp quy là 178 cơ sở…
Đoàn kiểm tra cũng đã lấy 234 mẫu để kiểm tra chất lượng, phát hiện 23 mẫu vi phạm. Tổng xử phạt của thanh tra khoa học công nghệ các cấp khoảng trên 430 triệu đồng.
Ông Dũng cho hay, bên cạnh việc thanh tra ở các cấp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tiến hành kiểm tra ở 23 tỉnh, thành với khoảng 342 cơ sở (3 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở nhập khẩu và 333 cơ sở kinh doanh).
“Đợt kiểm tra này cũng phát hiện ra 160 cơ sở vi phạm. Như vậy, tổng số cơ sở vi phạm của cả đợt thanh tra và kiểm tra là 832 cơ sở, chiếm 40,57% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra,” ông Dũng nói.
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đã lấy 50 mẫu đồ chơi đi xét nghiệm và đã có 22 mẫu cho kết quả, trong đó có một mẫu vi phạm. Tổng số tiền phạt các cơ sở vi phạm là 135 triệu đồng.
Vẫn theo người đứng đầu công tác thanh tra của ngành khoa học và công nghệ, các mẫu vi phạm chủ yếu là đồ chơi không đảm bảo cơ lý như có cạnh sắc, lỗ to…, màu sơn, mùi sơn….
Tiêu hủy 20.000 sản phẩm
Lý giải về việc cả đợt thanh tra, kiểm tra với tổng số 2.050 cơ sở mà chỉ có chưa đầy 300 mẫu sản phẩm được lấy kiểm tra, ông Dũng cho hay khó khăn bởi các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ quá nhiều và không chính danh (bán tạp hóa, văn phòng phẩm nhưng lại bán kèm đồ chơi).
Ông Trần Minh Dũng cho biết, việc xét nghiệm mẫu vi phạm tập trung vào những mẫu đã được chứng nhận. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Thêm vào đó, cửa hàng bán nhiều đồ chơi nhưng mỗi loại lại chỉ có 2-3 sản phẩm, không đủ lấy mẫu. “Ví dụ khi kiểm tra hai chỉ tiêu hóa, lý thì phải lấy hai mẫu, một mẫu để lại và một mẫu niêm phong. Như vậy, cần ít nhất bốn mẫu mà cơ sở chỉ có 2-3 mẫu nên không lấy được,” ông Dũng nói.
Trong công tác lấy mẫu, thanh tra các cấp cũng tập trung vào những sản phẩm đã được chứng nhận và sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ thì tiến hành test nhanh.
Đáng chú ý, đoàn thanh tra đã vận động giao nộp và thu giữ để tiêu hủy khoảng 20.000 sản phẩm đồ chơi không có dấu hợp quy, không có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, bạo lực. Riêng vi phạm về nhãn, có khoảng 50.000 sản phẩm yêu cầu phải khắc phục trước khi đưa ra thị trường (các lỗi như: nhập khẩu nhưng không ghi nhãn tiếng Việt hoặc không ghi đủ thành phần chỉ tiêu…).
Qua đó, ông Dũng cho rằng cần phải tuyên truyền nhiều để người dân quan tâm tới chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm không đạt chất lượng, không dán tem nhãn… thì nhất định không mua để bảo đảm sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, một điều mấu chốt chính là việc các cấp, ngành cần hoàn chỉnh quy định pháp luật, có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn như tăng cường trách nhiệm của những nhà sản xuất, nhập khẩu; phối hợp mạnh hơn nữa để ngăn chặn hàng nhập lậu theo đường tiểu ngạch. Có như vậy mới mong thị trường đồ chơi, đồ dùng đang bày bán tràn lan hiện nay đi vào nề nếp và nguy cơ trẻ bị “vạ” từ những món đồ chơi hàng ngày mới dần được hạn chế./.
Theo Yên Thủy - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]