Những thay đổi của cơ thể người mẹ
Một số khó chịu mà bạn gặp phải trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ tiếp tục xuất hiện ở giai đoạn này. Ngoài ra, nhiều thai phụ còn cảm thấy thở khó khăn hơn và cần phải vào phòng vệ sinh nhiều hơn trước. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thai nhi phát triển lớn hơn và đè ép nhiều hơn vào các cơ quan trong cơ thể mẹ. Đừng lo lắng gì cả, đứa trẻ trong bụng bạn vẫn ổn và những vấn đề trên sẽ giảm bớt đi khi bạn sinh con. Các biến đổi liên quan đến thời kỳ này gồm:
Bụng
Tử cung to, đè vào nhiều cơ quan (như bàng quang, thận, dạ dày, ruột, cơ hoành, các mạch máu lớn trong ổ bụng) và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này. Tới cuối thai kỳ, bụng mang thai càng xệ xuống. Có thể cảm thấy thai đã vào vùng tiểu khung.
Tăng cân
Mọi sản phụ đều tăng cân ở những mức độ khác nhau. Trung bình, một sản phụ bình thường sẽ tăng khoảng nửa kg mỗi tuần, hoặc 2 đến 2,5 kg mỗi tháng trong 3 tháng cuối mang thai. Vào cuối thai kỳ, bạn có thể tăng trung bình khoảng từ 6 đến 7,5 kg. Trẻ sẽ nặng khoảng 3,4kg.
Thay đổi về da: Nhiều bà bầu vẫn có hiện tượng nổi mụn trứng cá trong 3 tháng cuối. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone trong thời kỳ thai nghén, kích thích sự bài tiết của tuyến dầu dưới da.
- Nám da: Bạn có thể nhận thấy những đám da sạm màu xuất hiện ở vùng trán, thái dương hoặc má. Vết nám sẽ sậm màu hơn nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phần lớn các vết nám sẽ tự biến mất sau sinh.
- Mồ hôi: Cũng do sự thay đổi hormone khi mang thai nên bạn cảm thấy cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Đồng thời, các nốt ban cũng xuất hiện.
- Giãn tĩnh mạch: Với một số thai phụ, giãn tĩnh mạch không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe; nhưng với một số thai phụ khác, nó có thể dẫn tới tình trạng lở loét.
- Da chân như bị mốc: Nhất là khi trời lạnh, da chân của bạn có thể trông hơi xanh xao và không được sạch sẽ.
Thay đổi về tóc và lông
- Khoảng thời gian cuối thai kỳ, tóc của bạn trông có vẻ dày hơn. Tiếp đến, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng rụng tóc sau sinh.
- Lông có thể mọc nhiều hơn, nhất là ở trên mặt và vùng chân, tay. Tương tự với những thay đổi về tóc, hiện tượng mọc lông cũng sẽ giảm dần sau sinh.
Những điều mẹ bầu cần lưu ý trong ba tháng cuối thai kỳ
Dinh dưỡng và ăn uống
Nhu cầu năng lượng của mẹ lúc này là 2550 kcal/ngày, tăng 350 kcal so với mức bình thường.
Bổ sung đạm, tinh bột, chất béo từ các nguồn thức ăn như đậu tương, đậu xanh, vừng lạc, thịt cá… để tăng đủ lượng dưỡng chất cho cơ thể
Tiếp tục duy trì chế độ ăn uống sạch sẽ, tránh chất kích thích (caffein, cồn…) và các thực phẩm có - nguy cơ nhiễm thủy ngân, nhiễm chất độc hại.
Nên uống nhiều nước lọc, hạn chế đồ uống ngọt hoặc có ga
Nên ăn đều và có bữa phụ, tránh bỏ bữa hoặc ăn kiêng
Bổ sung vitamin D từ thức ăn, đặc biệt là mùa đông
Thuốc và vitamin
Các loại vitamin, khoáng chất vẫn có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là để phát triển cho thai nhi, vì vậy các loại vitamin A,B,C,D…, các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm… vẫn hết sức cần thiết.
Sử dụng thuốc vẫn phải theo chỉ định, không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả Đông Y.
Tránh những loại thuốc nhuộm tóc, thuốc bôi mặt…
Có thể bổ sung vitamin, khoáng chất theo nhu cầu, chẳng hạn vitamin D vào mùa đông, magiê nếu bị chuột rút, mất ngủ…
Khám thai
Tiếp tục đi khám thai đều đặn. Trong ba tháng cuối thai kỳ, các thai phụ thường đến gặp bác sĩ thường xuyên hơn. Từ tuần thứ 30 đến 38 của thai kỳ, hầu hết các bác sĩ sẽ đề nghị các thai phụ đến khám vào mỗi 2 tuần một lần. Sau 38 tuần, các thai phụ sẽ đến khám thai mỗi tuần 1 lần cho đến lúc sinh.
Khi sắp đến ngày sinh, hãy nêu những thắc mắc và những mối lo lắng của mình về quá trình sinh nở. Bạn và bác sĩ sẽ thảo luận với nhau về cách sinh của bạn. Một số thai phụ cần phải được mổ lấy thai. Đây là một phẫu thuật rạch một đường trên bụng và tử cung của bạn để lấy em bé ra.
Nếu bạn quyết định không sinh mổ mà sinh qua đường âm đạo, bạn nên trao đổi với bác sĩ về những mặt phải và trái của việc giảm đau. Một số thai phụ chọn cách giảm đau và một số khác lại muốn sinh con một cách tự nhiên, không cần giảm đau.
Quan hệ tình dục khi mang thai 3 tháng cuối
Hầu hết phụ nữ có thai không có thay đổi về nhu cầu và cảm xúc tình dục. Giao hợp không ảnh hưởng đến thai trừ một số trường hợp nên tránh, ví dụ như đang bị ra máu, ra nước (nghi do tổn thương màng ối), nhiễm khuẩn âm đạo, đau bụng do có cơn co. Cần có tư thế tình dục thích hợp trong 3 cuối thai kỳ để không ảnh hưởng đến thai. Trong thời gian sắp sinh cũng cần tránh quan hệ bởi khiến người mẹ mất sức, hơn nữa thai to cũng không thoải mái cho 2 người.
Trong vài tuần sau sinh, do người phụ nữ còn mỏi mệt, còn đau do tổn thương ở tầng sinh môn, thay đổi về nội tiết nên không ham muốn. Nhưng thông thường, 6-8 tuần lễ sau sinh, họ đã có thể quan hệ tình dục vì lúc này các cơ quan trong tiểu khung (tử cung, âm đạo) đã trở lại hình thể và vị trí như trước lúc có thai và sức khỏe người phụ nữ đã bình thường.
Giục sinh
Bạn có biết chỉ khoảng 5% trẻ được sinh ra đúng ngày dự sinh? Do đó, ngày sinh thật sự xảy ra sau ngày dự sinh là bình thường và hay gặp và không phải là một biểu hiện bất thường nào cả. Nhưng đôi khi, bác sĩ sẽ cảm thấy lo lắng về em bé và/hoặc sức khỏe của bạn. Trong những trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện những biện pháp giục sinh. Giục sinh là kỹ thuật làm cơn chuyển dạ xảy ra bằng những biện pháp nhân tạo. Hầu hết các bác sĩ sẽ chờ đợi 1 đến 2 tuần sau ngày dự sinh trước khi quyết định sử dụng biện pháp giục sinh. Một số lý do khiến các bác sĩ phải giục sinh bao gồm:
- Mẹ bị những bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi.
- Trẻ không phát triển bình thường
- Mẹ bị vỡ ối, có nghĩa là màng bao quanh thai nhi bị vỡ nhưng hiện tượng co bóp để tống thai nhi ra ngoài không xuất hiện sau một khoảng thời gian được xem là an toàn.
Hầu hết các bác sĩ thực hiện các biện pháp giục sinh trong bệnh viện để bảo đảm sức khỏe của mẹ và bé. Có nhiều cách để làm tăng co bóp. Các bác sĩ có thể làm vỡ màng bao quanh thai nhi (màng ối). Họ cũng có có thể đặt thuốc có chứa hormon vào âm đạo của thai phụ. Cách thường dùng nhất là dùng một loại thuốc có tên là Pitocin để giục sinh. Pitocin là một loại hormon gây co bóp. Các thai phụ sẽ được tiêm Pitocin vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay.
Khi nào cần gọi bác sĩ
Trước ngày sinh, hãy bảo đảm rằng bạn đã nói chuyện với bác sĩ về cách thức liên lạc khi bạn chuyển dạ. Cũng rất cần thiết nếu như bạn làm quen trước với bệnh viện hoặc nơi bạn sẽ sinh con, cách đăng ký vào đó trước thời hạn. Bạn cũng nên biết rằng đôi khi bạn tưởng rằng mình đang chuyển dạ nhưng thật sự không phải như vậy (đây được gọi là hiện tượng chuyển dạ giả). Điều này xảy ra với nhiều sản phụ, do đó không nên cảm thấy xấu hổ khi đi đến bệnh viện và bảo đảm rằng mình đang chuyển dạ nhưng rốt cuộc lại được cho về. Luôn luôn là tốt hơn nếu bạn được khám bởi bác sĩ sớm hết mức có thể khi chuyển dạ bắt đầu xảy ra. Dưới đây là một số dấu hiệu của cơn chuyển dạ thật sự:
- Cơn co bóp diễn ra thường xuyên hơn và mạnh hơn, những khoảng nghỉ giữa các cơn cũng ngắn dần đi.
- Đau vùng thắt lưng không giảm. Bạn cũng có thể cảm thấy những triệu chứng tương tự như trong giai đoạn trước khi có kinh kèm với co thắt.
Vỡ ối (có thể làm nước ối chảy ào ạt hoặc nhỏ giọt liên tục) và bạn sẽ cảm thấy các cơn co bóp.
- Xuất tiết dịch có lẫn máu (màu nâu hoặc đốm máu). Đây là nút dịch chẹn ở cổ tử cung. Cơn chuyển dạ có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào hoặc vài ngày sau.
- Cổ tử cung sẽ dãn ra (mở cổ tử cung) và trở nên mỏng hơn và mềm hơn (còn được gọi là xóa cổ tử cung). Khi khám khung chậu, bác sĩ có thể phát hiện được khi hiện tượng này xảy ra.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]