Nhiễm giun là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em. Trẻ bị nhiễm giun có thể bị rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng dẫn đến còi cọc, chậm lớn, thậm chí có nhiều trường hợp gây tử vong.
Giun là loài động vật sống ký sinh trong cơ thể người, chủ yếu là trong ruột. Có rất nhiều loại giun: giun đũa, giun móc, giun tóc, sán lá… Nhiễm giun sẽ làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của bé. Hơn nữa, lượng dinh dưỡng cơ thể hấp thu được lại phải san sẻ cho “vị khách không mời” này nữa nên bé dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi cọc. Ngoài ruột, có bé còn bị giun tấn công những bộ phận khác của cơ thể như chui vào phổi gây ho kéo dài, chui vào ống mật gây tắc mật vàng da, chui vào tai, não, gan… gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Tẩy giun là một việc làm cần thiết, giúp bé loại bỏ bớt hoặc hoàn toàn lượng giun ký sinh trong cơ thể. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên tẩy giun định kỳ cho con từ 4-6 tháng một lần.
Khi nào con có thể tẩy giun?
Đa số các loại thuốc tẩy giun trên thị trường hiện nay đều rất an toàn và dễ sử dụng. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên tiến hành tẩy giun định kỳ với những bé trên 2 tuổi mà thôi. Những bé dưới 2 tuổi nếu có nghi ngờ nhiễm giun nên được đưa đến bệnh viện để khám và nhận sự điều trị của các bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không nên tự động mua thuốc về cho con uống.
Những lưu ý khi tẩy giun cho bé
Đối với những bé bị bệnh mãn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy gan, suy thận… thì dù cho bé có trên 2 tuổi, việc tẩy giun cũng cần có sự đồng ý và theo dõi của các bác sĩ. Mẹ nên khám sức khỏe cho con trước khi quyết định tẩy giun cho bé vì không phải ai cũng có thể tẩy giun được. Có một số bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun.
Nên tập cho con thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Trái với suy nghĩ của nhiều người, mẹ nên cho con ăn no trước khi tẩy giun cho bé. Thuốc tẩy giun hoạt động với cơ chế ngăn không cho giun hấp thụ glucose từ thức ăn nên dù ăn gì giun cũng không hấp thụ được đâu. Mẹ đừng để bé nhịn đói vì muốn giun mau chết nhé!
Thuốc tẩy giun cũng sẽ gây ra một số phản ứng phụ không mong muốn như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng khỏi thôi nên mẹ đừng quá lo lắng nhé! Nếu như bé bị nổi mề đay, mẫn đó hay những triệu chứng dị ứng thông thường, mẹ có thể cho bé uống thuốc dị ứng. Nhưng nếu những hiện tượng này kéo dài và mẹ thấy con có những biểu hiện mệt mỏi bất thường, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để theo dõi ngay nhé!
Một điều quan trọng là mẹ phải tránh tình trạng tái nhiễm giun cho bé. Cố gắng giữ gìn vệ sinh nhà cửa, cho bé rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ gìn vệ sinh ăn uống, bảo đảm ăn chín, uống sôi…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]