Da trẻ mỏng, có cấu trúc và chức năng chưa hoàn chỉnh, rất dễ bị tổn thương. Do đó, cần có sự chăm sóc đặc biệt ít nhất trong năm đầu đời, nhất là trẻ sơ sinh.
Chăm sóc da đúng cách cho các "thiên thần nhỏ".
Cần bảo vệ sự toàn vẹn da của trẻ để tránh sự xâm nhập của những tác nhân gây hại. Cần tránh các dị nguyên có trong thức ăn, nước uống, đồ dùng và môi trường sống dễ gây dị ứng cho trẻ như nước cứng (chứa khoáng chất, nhiều ion Ca và Mg), bụi bẩn, quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm, các thức ăn dễ gây dị ứng, ánh nắng gắt… để phòng ngừa các bệnh về da, đặc biệt là bệnh chàm ở trẻ em.
Tắm rửa đúng cách là một trong những biện pháp để bảo vệ da. Nhưng nếu chỉ tắm bằng nước sẽ không lấy đi hết chất nhờn, bẩn từ phân và nước tiểu của trẻ.
Nên sử dụng những sản phẩm tắm gội nhẹ - dịu có pH trung tính dành riêng cho trẻ nhỏ, đã được chứng minh an toàn trên lâm sàng, để làm sạch các chất bẩn mà không gây cay mắt, không làm khô và kích thích da. Khí hậu khô hanh hoặc tắm rửa nhiều quá có thể làm da mất nước, do đó nên thoa kem dưỡng da sơ sinh ở vùng da khô, thiếu nước.
Chăm sóc da đầu cho bé
Không nên gội đầu cho bé hằng ngày, chỉ gội cho bé khi bạn cảm thấy đầu bé đã dơ. Ngoài ra, bạn cũng nhớ là dùng dầu gội dành riêng cho em bé nhé, bởi dầu gội thông thường với chất tẩy mạnh sẽ ảnh hưởng đến làn da đầu mỏng manh của bé yêu.
Trẻ sơ sinh thường hay có vảy nến trên đầu, nhưng chúng thật ra vô hại. Nếu bạn muốn loại bỏ vảy nến trên đầu trẻ, hãy thử massage da đầu bé nhẹ nhàng với dầu oliu và để qua đêm. Đừng gỡ bỏ những vảy nến bằng tay bởi bạn có thể làm đau trẻ và gây nhiễm trùng.
Da mặt của bé
Trên mũi hay những vùng khác trên mặt bé có thể xuất hiện những chấm nhỏ màu trắng, được gọi là những lác sữa. Nguyên nhân là do tuyến mồ hôi của bé bắt đầu hoạt động, và sau một thời gian thì những chấm nhỏ vô hại này sẽ dần dần biến mất.
Hệ tuần hoàn chưa hoàn chỉnh của bé có thể khiến da trẻ nổi những vết mẩn đỏ trên mặt hoặc khắp người. Nhưng bạn không nên lo lắng bởi đó có thể chỉ là những vết rôm sẩy do nhiệt và sẽ biến mất khi da bé được làm mát.
Đừng cố gắng lấy đi những dấu hoặc hạt xuất hiện trên da bé, bởi bạn có thể làm chúng tồi tệ hơn hoặc để lại sẹo. Nếu bạn thật sự lo lắng thì hãy hỏi thêm ý kiến của bác sĩ.
Da tay và chân
Hãy tắm đúng cách để bảo vệ làn da cho trẻ nhỏ.
Trong một vài tháng đầu, tay và chân bé có thể lột da, nhưng đấy chỉ là một hiện tượng tự nhiên khi da bé thay đổi để thích ứng với môi trường xung quanh. Hãy dùng kem dưỡng da em bé để loại bỏ những vùng da chết.
Chống nắng cho bé
Để bảo vệ da trẻ khỏi tác hại do tia cực tím, không cho trẻ em tiếp xúc trực tiếp với nắng gắt. Nếu phải ra nắng thì nên cho trẻ sử dụng kem chống nắng có phổ rộng dành cho trẻ nhỏ.
Hãy bôi thử lên một vùng da nhỏ của trẻ trước, nếu có xảy ra dị ứng như nổi mẩn hoặc tấy đỏ thì nên dừng ngay, không sử dụng tiếp tục loại kem đó cho bé. Ngoài kem chống nắng, mẹ chú ý cho bé đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài rộng rãi thoáng mát để tránh các tác hại của tia tử ngoại.
Trẻ nhỏ cũng cần tắm nắng để tăng cường vitamin D. Tùy theo thời tiết từng vùng, từng mùa mà chọn thời điểm tắm nắng cho phù hợp.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]