Dưới đây là những thông tin về bệnh sởi do Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare cung cấp.
Triệu chứng và đặc điểm lây lan
Sởi là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra do siêu vi sởi, bệnh rất dễ lây lan từ người sang người. Đây là bệnh chỉ xảy ra ở người mà chưa thấy ở các loài vật khác. Siêu vi sởi lây từ hạt nước bọt hay nước mũi bắn ra do ho hay hắt hơi, và nó có thể tồn tại trong môi trường đến 2 giờ. Giai đoạn người bệnh có thể lây cho người khác là khoảng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban và 4 ngày sau phát ban.
Biểu hiện của bệnh sởi thời kỳ khởi đầu giống như các bệnh do siêu vi hô hấp khác, với các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt và ghèn mắt. Khoảng 2-3 ngày sau, bệnh nhân sẽ xuất hiện những ban màu hồng bắt đầu từ sau tai lan đến trán rồi xuống thân mình, tay và cuối cùng lan xuống chân.
Bệnh sởi biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Biến chứng bệnh sởi
Đa số các ca bệnh sởi sẽ diễn tiến lành tính và bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng gì cả. Chỉ một số ít trường hợp có thể bị biến chứng (biến chứng nặng) do sởi.
Những biến chứng thường gặp nhất do bệnh sởi là tiêu chảy (có thể dẫn đến mất nước do tiêu chảy), nhiễm trùng tai (viêm tai giữa). Một số ít bệnh nhân có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, tổn thương mắt do thiếu Vitamin A. Những người dễ bị biến chứng nặng do sởi là những trẻ nhỏ, nhất là những trẻ suy dinh dưỡng, hay những người có bệnh lý nền sẵn như suy giảm miễn dịch (ví dụ nhiễm HIV), bệnh lý tim bẩm sinh, hay những phụ nữ đang mang thai mà chưa có miễn dịch với sởi. Phụ nữ mang thai bị sởi có thể dễ bị sảy thai hơn.
Đối tượng dễ mắc bệnh sởi
Những người chưa được chích ngừa sởi, chưa từng mắc bệnh sởi hoặc đã được chích ngừa nhưng không đáp ứng hay đáp ứng miễn dịch không đầy đủ là đối tượng dễ mắc bệnh.
Điều trị và chăm sóc người bệnh sởi
Vì sởi là bệnh do siêu vi nên không có thuốc gì điều trị đặc hiệu cả. Chủ yếu vẫn là những biện pháp điều trị triệu chứng.
- Nếu bé sốt và khó chịu vì sốt thì uống thuốc hạ sốt (có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen, tuyệt đối không uống aspirin để giảm sốt).
- Nếu bé sổ mũi hay nghẹt mũi thì nhỏ mũi nước muối sinh lý hay xịt nước biển sâu.
- Nếu bé ho thì nên khuyến khích uống nước đầy đủ (có thể sữa mẹ, sữa bò, nước trái cây, nước lọc, không cho bé uống rượu hay bia ).
- Chú ý không cho bé uống bất cứ loại thuốc giảm ho hay thuốc sổ mũi nào, vì ho và sổ mũi giúp bé bảo vệ cho phổi (bảo vệ bé không bị viêm phổi).
- Tuyệt đối không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá, vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi.
- Nếu bé bị tiêu chảy, có thể cho bé uống bù nước bằng dung dịch Oresol hay uống nước dừa tươi. Tuyệt đối không được uống thuốc cầm tiêu chảy.
- Bé nhỏ 6 tháng đến 2 tuổi có thể uống vitamin A liều cao để giảm độ nặng của bệnh, giảm biến chứng
- Khi bé có những biến chứng như viêm tai giữa hay viêm phổi, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị.
Bệnh sởi kiêng gì?
Một số quan niệm về chăm sóc trẻ bị sởi như kiêng ăn, kiêng nước, kiêng gió, kiêng uống nước khi bị tiêu chảy…là những cách chăm sóc phản khoa học, có thể làm cho bé bị bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao.
- Những bé kiêng ăn khi bị sởi sẽ dễ bị suy dinh dưỡng và dễ dẫn đến biến chứng mù mắt do thiếu vitamin A hay viêm phổi.
- Những bé kiêng nước hay gió sẽ làm người bị dơ và ngứa ngáy, bé gãi nhiều sẽ gây trầy xước và nhiễm trùng da.
- Kiêng uống nước khi bị tiêu chảy sẽ làm bé bị mất nước và có thể tử vong.
- Khi bé bị sởi, các bậc cha mẹ vẫn phải tắm rửa sạch sẽ cho bé, ăn uống bình thường, được ra gió, ăn mặc thoáng mát và nằm máy lạnh 20-24 độ C (như vậy mới đủ mát và dễ chịu cho bé).
Hiện nay đang rộ lên việc thoa hay tắm nước hạt mùi để ban sởi ra nhanh hơn. Hậu quả là giá của hạt mùi tăng lên một cách chóng mặt và đắt hơn giá của thịt bò Úc chính hiệu. Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học gì về hiệu quả của hạt mùi đó trong bệnh sởi, cả hiệu quả chữa bệnh, rút ngắn thời gian bệnh lẫn phòng bệnh sởi.
Bác sĩ Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare chia sẻ: “Đa số các bệnh nhân sởi đều có thể được chăm sóc và theo dõi tại nhà bằng những biện pháp trên. Chỉ những bệnh nhân nặng cần phải thở oxy, truyền dịch hay thở máy mới phải nhập viện theo dõi. Việc người dân hoang mang đổ xô vào những bệnh viện tuyến trên và nhập viện nằm la liệt trong bệnh viện sẽ làm hao tổn nguồn nhân lực và vật chất của bệnh viện một cách không thật cần thiết, hậu quả là bác sĩ và điều dưỡng đều mệt nhoài, không còn đủ thể lực và trí lực để tập trung chăm sóc cho những bệnh nhân nặng cần theo dõi sát sao từng giây phút và những bệnh nhân nhập viện một cách không cần thiết đó có thể bị lây chéo các bệnh khác nguy hiểm hơn”.
Cách phòng ngừa bệnh sởi
Cách phòng ngừa bệnh sởi hữu hiệu nhất là chích ngừa sởi kịp thời và đầy đủ theo độ tuổi của trẻ.
Theo Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]