Đây là những cảnh báo đầy lo lắng mà TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) TPCN tổ chức ngày 13.8.
Quảng cáo thổi phồng, sai sự thật
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), từ đầu năm 2015 đến nay, Cục ATTP đã xử phạt 112 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng, trong đó có 95 cơ sở vi phạm về quảng cáo TPCN bị xử trên 1,7 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu xảy ra tại Hà Nội và TPHCM. “Sự tăng lên nhanh chóng về số lượng các DN sản xuất TPCN cũng như các mặt hàng TPCN bên cạnh mặt lợi đã xuất hiện những hệ quả. Tình trạng DN, nhà phân phối quảng cáo công dụng “trên trời” như thần dược của TPCN khiến không ít người tiêu dùng bị nhầm lẫn và chịu cảnh “tiền mất, tật mang” - TS Nguyễn Thanh Phong lo lắng.
Theo quy định của pháp luật, trước khi quảng cáo TPCN phải được thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn. DN cũng như cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Có nhiều lý do chính dẫn đến việc quảng cáo “lộn xộn” đang tồn tại, trong đó có nguyên nhân DN muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã bất chấp sai phạm, cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.
Cũng theo TS Phong, hiện nay còn có tình trạng một số Cty xin tổ chức hội thảo nhưng đã kết hợp khám, tư vấn sức khỏe và bán TPCN. Hội thảo phải được cấp phép, nội dung báo cáo hội thảo và người báo cáo hội thảo… phải được cơ quan y tế địa phương thẩm định. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, một số DN phối hợp với các cơ quan của địa phương kết hợp hội thảo để khám chữa bệnh, bán hàng.
Cần hoàn thiện công cụ xử lý
Trên thế giới cũng như VN chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất TPCN, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP trong sản xuất TPCN. Hiện việc này đang trong lộ trình thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu sang nước ngoài. Do còn thiếu hệ thống quản lý đồng bộ về TPCN, nhiều người lo ngại tình trạng DN thay vì công bố thuốc sẽ chuyển sang xin phép là TPCN để dễ dàng.
Dưới góc độ quản lý, TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định: TPCN cũng có quy định, quy trình từ công bố, kiểm nghiệm, ghi nhãn, vệ sinh cơ sở, tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của sản phẩm… Chỉ DN nào đáp ứng được các yêu cầu này mới được cấp phép lưu hành. Tất nhiên, TPCN không yêu cầu khắt khe như thuốc nhưng cũng phải có quy trình chặt chẽ. Kết quả kiểm nghiệm một sản phẩm TPCN không chỉ tiến hành duy nhất ở một địa chỉ mà được gửi tới nhiều cơ quan khác nhau để kiểm nghiệm.
Đó còn chưa kể, sau khi kiểm nghiệm xong, cơ quan quản lý phải lưu hai mẫu, một ở chính cơ quan kiểm nghiệm, một tại DN. Các mẫu phải được niêm phong, khi xảy ra vấn đề khiếu kiện hay tranh chấp, hai mẫu ở hai nơi này sẽ được đem đi kiểm nghiệm lại để lấy đó làm căn cứ kết luận. Theo quy định, hằng năm, các phòng kiểm nghiệm phải có chương trình đánh giá sự phù hợp. Với những quy định chặt chẽ nêu trên khó có chỗ cho “tiêu cực” tồn tại.
Trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50 - 60% trong số đó là “sống” được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là “tự diệt” vì không được người tiêu dùng ưu chuộng. Đáng chú ý, theo điều tra của Hiệp hội TPCN, tỉ lệ người sử dụng TPCN hàng ngày tại Hà Nội và TPHCM hiện lên đến khoảng 50%.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]