Phần vì lợi nhuận trước mắt, phần vì buông lỏng quản lý nên mặt hàng phụ gia độc hại, không rõ nguồn gốc hiện được bán tràn lan tại nhiều nơi ở Hà Nội.
Chất độc bủa vây
Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) là một trong những chợ bán phụ gia thực phẩm (PGTP) lớn nhất Thủ đô với hàng trăm sản phẩm. PGTP được bày bán rất nhiều, phần lớn hàng hóa này lại được đựng trong các túi ni-long với "tiêu chí" 3 không (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng). Hàng hóa rất phong phú từ các loại gia vị phổ biến như mì chính, đường cho đến các chất cấm như hàng phèn, muối diêm.
Tìm hiểu về công dụng của các loại chất cấm, tôi được chị D.– chủ một cửa hàng bán đồ ăn trên phố Nguyễn Thiện Thuật (một mặt chợ Đồng Xuân) cho biết: “Để giò, chả dai giòn, dưa chua muối vàng thì cho một chút hàng the. Thực phẩm khô mực, cá, tôm, nấm hương, mộc nhĩ để lâu mới hỏng thì cho vào một ít thuốc chống mốc. Còn xương trâu, bò, đậu xanh, đậu đen nấu phở và chè để nhanh nhừ thì cho một ít bột diêm".
Đi vào bên trong chợ, khi hỏi mua bột nhừ, người viết nhận được nhiều ánh mắt dò xét và lắc đầu. Một chủ hàng sau ánh mắt quan sát, nói: “Muối diêm không ai bán đâu, đi chỗ khác”. Dò hỏi 3-4 cửa hàng trong chợ không có ai bán, tôi tìm đến các cửa hàng đồ khô khác tại đường Nguyễn Thiệt Thuật. Qua quan sát, thấy cửa hàng P.T. có bày bán nhiều loại bột được đóng trong túi ni lông, tôi hỏi mua “muối diêm” về để nấu chè, chủ cửa hàng đã đưa ra một loại bột trắng, không mùi, giá bán lẻ 80.000 đồng/kg. Hỏi cách sử dụng loại bột này, chủ cửa hàng chia sẻ: “Chỉ cần đợi nước sôi, thấy đậu xanh hay đậu đen héo héo thì bỏ ½ muỗng vào. Còn hầm thịt và hầm xương thì chỉ cần bỏ một chút thì sau nửa tiếng sẽ mềm ngay lập tức”. Khi hỏi về hạn sử dụng của số bột trên, chủ cửa hàng lắc đầu “lâu nay bán không ai hỏi nên tôi không để ý”. Khi tôi thắc mắc về giá cao, chủ cửa hàng khó chịu nói: “Không mua thì thôi, đợt này cơ quan chức năng bắt và xử phạt suốt, làm gì có mà bán”.
Tìm hiểu về cách dùng bột nhừ, phóng viên được nhân viên bếp một nhà hàng cho biết: “Muối diêm, hay bột nhừ thường được các quán lẩu, phục vụ đồ ăn nhanh sử dụng vì tiết kiệm được thời gian nấu, gas, thịt nhanh nhừ. Còn các cửa hàng bán phở hiện nay ít dùng hơn vì dùng bột nước sẽ không được trong, khách hàng tinh ý sẽ nhận biết rất nhanh”.
Phóng viên tiếp tục tìm đến chợ Hà Đông (Hà Nội). Dừng chân tại một sạp hàng khô hỏi mua gia vị về nấu lẩu, phở, chị chủ hàng lập tức lấy ra một bịch lớn, bao bì màu đỏ, in toàn chữ Trung Quốc quảng cáo là gia vị lẩu cay, thơm, màu đỏ rất đẹp. Loại này trước đây bán rất chạy, giờ thì ít nơi có bán, giá 10.000 đồng/gói. Chủ cửa hàng còn quảng cáo thêm các loại gia vị nấu phở bò, gà với giá rẻ hơn nữa, chỉ 5.000 đồng/gói. Theo quan sát của phóng viên, cả hai loại gia vị phở chủ hàng giới thiệu đều được gói trong túi ni lông trắng sơ sài, in hình lòe loẹt, không có nơi sản xuất nhưng thành phần chất dinh dưỡng rất phong phú đảm bảo: Cốt xương, gia vị hỗn hợp đạm động thực vật. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, hầu hết những gia vị loại này được bán bằng bao tải trọng lượng hàng chục kilôgam, xuất xứ từ Trung Quốc, tự in nhãn hiệu rồi phân phối cho các đại lý nên mới có giá “bèo” như vậy.
Không dừng lại ở đó, theo tìm hiểu của phóng viên tại các tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông (Hà Nội), PGTP còn được sử dụng làm hương liệu, phổ biến nhất là hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như cà phê, ca cao. Lý giải về việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, chủ cơ sở kinh doanh K.D. (phố Hàng Buồm) lý giải: “Một số hàng hóa bán ở cửa hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng do công ty trong nước phân phối, việc gỡ bỏ nhãn mác chỉ là thủ thuật của cửa hàng để khách không biết nguồn gốc nơi cửa hàng nhập về để cạnh tranh trên thị trường. Số nguyên liệu, hương liệu được bày bán chủ yếu phân phối đến các quán cà phê giải khát trên địa bàn thành phố”.
Rùng mình công đoạn chế biến
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng xưa nay vẫn ham của rẻ, không quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm miễn thấy ưa mắt là mua về dùng nên hàng gia vị không nhãn mác ngày càng lên ngôi. Đồng thời, chủ cửa hàng bán hàng ăn có sử dụng gia vị loại này dù biết cũng giả điếc vì... lợi nhuận.
Gần đây nhất, ngày 17-3, qua công tác nắm tình hình, Đội An ninh vận tải và Bưu chính viễn thông- Phòng An ninh kinh tế - Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 13 - Chi cục QLTT Hà Nội và Công an huyện Sóc Sơn đã phát hiện một cơ sở có dấu hiệu sản xuất sa tế tôm giả nhãn hiệu Thắng Phát. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 6 công nhân đang tiến hành sản xuất sa tế và đóng gói vào chai, lọ bao bì nhãn hiệu Thắng Phát. Cơ quan chức năng đã thu giữ tại chỗ 520 lọ sa tế tôm thành phẩm loại 75g đã đóng gói bao bì; 38.600 nắp, vỏ lọ các loại; trên 500 kg nhãn giấy, hộp bao bì in sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Thắng Phát và nhiều thiết bị, máy móc phục vụ cho dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, cơ sở này còn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của gần 1 tấn nguyên vật liệu sản xuất sa tế như ớt, chất tạo cay, bột mì, bột ngô, phẩm màu, chất bảo quản, dầu ăn…
Tại đây phóng viên đã chứng kiến tận mắt dụng cụ để chứa nguyên liệu trên là những bình dầu ăn đã qua sử dụng, các bình nước uống chứa một dung dịch màu đen, không có nhãn mác, máy sử dụng để đánh, trộn sa tế đã bị hoen rỉ. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này sản xuất ra trên 6.000 sản phẩm và đã bắt đầu hoạt động từ hai tháng nay.
Tình trạng PGTP không rõ nguồn gốc đang xuất hiện tràn lan, công khai ở nhiều chợ khu vực nội thành cho thấy công tác quản lý còn nhiều lỏng lẻo. Đây là những "kho" chất phụ gia thiếu an toàn, độc hại mà hầu hết chúng, bằng cách này hay cách khác, rồi sẽ vào bụng người tiêu dùng!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]