Ảnh minh họa. (Nguồn: b-i.forbesimg.com)
Chợ đồng hồ giả lớn nhất thế giới
Thị trường đồng hồ nhái tại Quảng Châu, Trung Quốc giống như một thành phố thu nhỏ với những con phố dài dày đặc các cửa hiệu cùng 7 trung tâm thương mại lớn. Hàng trăm khách hàng, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Nga, châu Phi, Trung Đông ghé thăm mỗi ngày để mua sắm đủ các thương hiệu đồng hồ lớn trên thế giới, đặc biệt là của Thụy Sĩ.
Đây chính là chợ đồng hồ giả lớn nhất tại Trung Quốc và cũng là thế giới. Hơn 3.000 thương hiệu đồng hồ được bày bán công khai, từ Hublot, Rolex, IWC, Frank Muller, Vacheron Constantin tới Piaget.
Trung Quốc từ lâu được xem là thủ phủ đồ nhái của thế giới. Theo Liên đoàn đồng hồ Thụy Sĩ, mỗi năm nước này bán ra thị trường thế giới 30 triệu đồng hồ nhái của Thụy Sĩ, nhiều hơn con số 25 triệu đồng hồ thật mà các hãng đồng hồ bán ra. Ngành công nghiệp đồ nhái của Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh, từ 250 tỷ USD năm 2007 lên 461 tỷ USD năm 2013.
Lịch sử của ngành công nghiệp này gắn liền với quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vào những năm 1970, các công ty phương Tây đã chuyển cơ sở sản xuất của họ sang châu Á, đầu tiên là tới Hong Kong, sau đó là Đài Loan, Hàn Quốc và cuối cùng là dừng chân ở phía Nam Trung Quốc trong những năm 1990.
Các nhà máy tại Trung Quốc đã học cách sản xuất và nhái những sản phẩm của phương Tây. Sau khi các hợp đồng sản xuất với công ty phương Tây chấm dứt, những công ty này tiếp tục tự mình sản xuất các sản phẩm mà không được phép.
Tại Quảng Châu, giá của những đồng hồ nhái chất lượng cao, thương hiệu lớn được thương nhân Trung Quốc rao bán chỉ từ 300-3.000 CHF. Trong khi giá thật của những loại đồng hồ này là 4.000-250.000 CHF. Những bản sao giả mạo này đôi khi giống tới 90% so với sản phẩm thật, Douglas Clark, một luật sư chuyên chống hàng giả tại Hong Kong cho biết.
Ban đầu, Trung Quốc chỉ làm nhái những mặt hàng đơn giản như đồ chơi nhựa, áo, túi da. Nhưng nay các nhà máy Trung Quốc nhái tất cả, từ đồng hồ, tới mỹ phẩm, sữa bột, đồ điện tử, phụ kiện xe và cả thuốc. Chất lượng các mặt hàng nhái cũng không ngừng được cải thiện. Ngay cả thuốc giả cũng đang tiệm cận tới chất lượng của các loại thuốc thật.
“Trước đây, chỉ cần nhìn vỏ hộp là phát hiện ra thuốc giả, rồi càng ngày những loại thuốc giả thậm chí còn có những thành phần gần giống thuốc thật,” Adrian Wong, chuyên gia chống hàng giả tại châu Á của hãng dược phẩm Novartis, Thụy Sĩ cho biết.
Có hai nguyên nhân khiến hàng giả của Trung Quốc ngày càng khó phát hiện và ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển. Một là, nền kinh tế nước này đã phát triển ở mức cao hơn so với trước, người Trung Quốc đã nắm bắt được những kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thế giới. Hai là, Internet giúp cho hoạt động buôn bán hàng giả trở nên thuận tiện hơn.
Thụy Sĩ nằm trong số những nước có các thương hiệu bị làm giả nhiều nhất tại Trung Quốc. Ngành công nghiệp hàng nhái thường sao chép các thương hiệu lớn, của các quốc gia mà tên tuổi gắn liền với chất lượng, Michel Arnoux, phụ trách chống hàng giả của Liên đoàn đồng hồ Thụy Sĩ cho hay. Trong đó, các thương hiệu Thụy Sĩ như Rolex, Hublot, Roche, Novartis, ABB và Victorinox là những nạn nhân hàng đầu.
Nhưng đồng hồ không phải là sản phẩm duy nhất mà Trung Quốc nhái của Thụy Sĩ. Theo Cơ quan hải quan liên bang Thụy Sĩ, 84% các sản phẩm nhái nhập khẩu vào nước này có xuất xứ từ Trung Quốc và Hong Kong.
Điều này gây thiệt hại rất lớn cho các công ty của Thụy Sĩ. Đơn giản là khi những khách hàng mua đồ nhái, họ không cần thiết phải sắm thêm các sản phẩm chính hãng và khi tất cả mọi người đều đeo một chiếc Rolex giả, điều đó sẽ phá hủy hình ảnh của thương hiệu. Trong ngành công nghiệp đồng hồ, giá trị nằm ở uy tín của sản phẩm.
Đồng hồ Mont Blanc được bày bán ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)
Đòn đáp trả của các công ty Thụy Sĩ
Thông thường việc chống hàng giả có ba giai đoạn. Đầu tiên, công ty cần biết chính xác sự xuất hiện của các sản phẩm nhái trên thị trường, “nhóm của chúng tôi điều tra trên thị trường, các cửa hiệu và phát hiện các gian hàng bán đồ nhái,” Thierry Dubois, chuyên gia chống hàng giả của Liên đoàn đồng hồ Thụy Sĩ tiết lộ.
Một nhóm khác sẽ giám sát các mặt hàng giả được bán trên mạng, nơi đang chiếm tới 80% các sản phẩm giả mạo được rao bán.
Bước thứ hai là truy thông tin về nguồn gốc và nhà sản xuất ra sản phẩm nhái. Giai đoạn này là phức tạp hơn cả, Alex Theil, một nhà điều tra chống hàng giả làm việc tại Thượng Hải cho hay, phương pháp mà các nhà điều tra thường sử dụng là mua một sản phẩm giả trên mạng, sau đó báo lại với người bán rằng đây là sản phẩm giả để buộc người bán cung cấp địa chỉ để gửi lại sản phẩm.
Tuy nhiên, các thương gia Trung Quốc cũng thừa khôn ngoan, họ thường cung cấp cho một địa chỉ dẫn tới các hòm thư nặc danh. Do đó, để lần theo dấu vết, các thám tử gắn thiết bị định vị GPS vào gói hàng, Alex Theil tiết lộ.
Bước thứ ba là thâm nhập vào các cơ sở sản xuất hàng giả để thu thập bằng chứng. Sau khi định vị được người bán, họ sẽ lọc thông tin để lần ra các cơ sở sản xuất hàng giả nhằm thu thập chứng cứ. “Những nhà máy này hoạt động giống như các nhà tù, Ted Kavowras, một nhà điều tra người Mỹ nói. Có tường bao quanh, bảo vệ canh chừng từng người ra, vào nên rất khó để xâm nhập vào trong.”
Giải pháp là họ đóng giả thành những người mua hàng. “Tôi thâm nhập vào nhà máy, giả muốn mua hàng nghìn đồng hồ trong vai một người bán buôn Mexico hoặc một tài phiệt đến từ Dubai. Tôi chụp ảnh lại các cơ sở này bằng một camera siêu nhỏ giấu trong một chai Coca-Cola giả hoặc trong các cúc áo.” Ngoài ra, còn một cách khác nữa là nhờ người đóng giả các nhân viên của nhà máy.
Nhưng việc phá các cơ sở sản xuất hàng giả như vậy là cả một câu chuyện dài và cuộc chiến trường kỳ vì ngay khi tóm được một cơ sở, một nhà máy khác lại mọc ra, Thierry Dubois nói. Và do vậy, phải thường xuyên giám sát thị trường để tìm nguồn gốc hàng giả.
Chống hàng giả tại chính thị trường Trung Quốc là yếu tố then chốt để trong cuộc chiến với ngành công nghiệp này, nhưng ngân sách của các công ty phương Tây không phải là vô tận. Do vậy, giải pháp chính trị mới mang lại hiệu quả cao hơn.
Chính phủ Trung Quốc cần ngăn chặn các công cụ giúp cung cấp thị trường cho việc buôn hàng giả trên mạng, như các trang mạng giao dịch trực tuyến của Alibaba và Taobao (hai trang thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc). Tại Thụy Sĩ, việc nước này mới thông qua đạo luật bảo vệ thương hiệu “Swiss made,” cũng mang lại thêm hy vọng cho cuộc chiến với hàng giả. Theo đó, tất cả các sản phẩm gắn thương hiệu này mà bị làm giả có thể bị thu hồi.
Các công ty Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng lạm dụng gắn mác “Swiss made” lên các sản phẩm mà họ sản xuất. Thierry Dubois, Giám đốc công ty Selective Trademark Union - một đơn vị được sự ủy nhiệm của Liên đoàn đồng hồ Thụy Sĩ trong việc chống hàng giả tại Trung Quốc cho biết mới đây đã phối hợp với giới chức Trung Quốc thu hồi 527 balô và vali giả dán mác “Swiss made,” một tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống hàng nhái Swiss made tại Trung Quốc.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]