Bóc thử 2 loại bánh xốp bọc dừa đều là hàng xách tay Nga về, chị Khánh Linh (Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, Hà Nội) phân biệt cho khách hàng chính hãng và hàng nhái. Chủ hàng cho biết, loại bánh này được người Việt thường xuyên mua dùng trong dịp Tết gần chục năm nay.
Thông thường, giá xách tay về Việt Nam cho túi bánh nặng 150 g thường ở mức 120.000-150.000 đồng. Nhưng gần dây, loại bánh này đã có hàng nhái cả chính tại thị trường bản địa, hàng Trung Quốc và hàng sản xuất tại một số làng nghề gia công bánh kẹo ở Việt Nam. Giá bánh rởm thường chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 hàng xịn.
Với sản phẩm trên, giá bán tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ở nhiều đại lý chỉ 25.000-40.000 đồng một gói. Chị Linh cho biết, ở nhiều địa chỉ chuyên bán hàng xách tay, nhờ mác hàng chính hãng, bánh rởm có giá cao hơn hẳn và chỉ rẻ hơn hàng xịn 20.000-30.000 đồng.
Loại mứt quả nhập khẩu từ Nga về Việt Nam theo đường xách tay được nhiều người chuộng mua cho Tết năm nay. Tuy nhiên, theo một số mối nhập, có nhiều loại quả được nhuộm phẩm, dù an toàn cũng hạn chế dùng cho trẻ em. Ảnh: NVCC.
"Thật ra người nào đã dùng hàng xịn rồi sẽ nhận ra hàng nhái rất dễ dàng. Bánh xịn có vị ngọt dịu, rất thơm, nhân mềm ngon ngọt trong khi bánh nhái bở, lớp dừa bao ngoài trơ trụi, nhân bánh khô khốc, thậm chí có mùi hơi hôi", chị Linh phân biệt.
Không chỉ có loại bánh này, khảo sát tại nhiều địa chỉ bán hàng xách tay cho thấy, hiện nhiều loại bánh bị làm giả hoặc thậm chí, vẫn là hàng xách tay, đi hàng không về Việt Nam nhưng chất lượng kém từ đầu nhập.
Ví dụ năm nay, loại mứt hoa quả tổng hợp đóng khay mây của Nga về Việt Nam được khách thích vì trang trí bắt mắt. Tuy nhiên, tìm hiểu qua nhiều nguồn nhập tại Nga, các mẫu hàng trên có giá trị trưng bày hơn là chất lượng thực phẩm dinh dưỡng, an toàn.
Phạm Yến, chủ mối đặt hàng Nga - Việt đang sống ở Moscow cho biết, loại mứt đóng khay này là hàng Armenia chuyển về Nga rồi theo đường tiểu ngạch hoặc đi container về Việt Nam. So với các loại hoa quả, mứt sấy khô truyền thống của Nga, vốn có mẫu mã thô nhưng chất lượng tốt, loại này mã đẹp hơn nhưng dùng nhiều phẩm màu. "Dùng trưng bày thì được chứ nếu cho trẻ con ăn nên hạn chế", chị Yến nói.
So sánh giá cả, loại hàng này dù đóng khay khá đẹp nhưng giá rẻ bằng hoặc thấp hơn các loại mứt quả sấy thô nhập khẩu từ Nga và một số nước như Đức, Mỹ, Úc. Tuy nhiên, so với hàng mứt quả trong nước, mức giá khoảng 500.000 đồng/kg của loại hàng này vẫn cao hơn rất nhiều.
Theo chị Giang, khách hàng chuộng đồ Nga, mứt nhái có vị ngọt nhợ thiếu tự nhiên, màu tươi lạ thường. Do vậy, chị thường chọn loại thô mộc. "Nếu mua loại này mà phải trả tới 450.000 đồng cho giỏ mứt gần 1 kg thì thà tôi mua hàng mứt sấy tự nhiên ở Đà Lạt mình cho ngon, bổ, rẻ".
Nhiều loại mỹ phẩm Nga xách tay về trong nước cộng thêm nhiều loại phí về trong nước vẫn có giá rẻ hơn hàng chính hãng. Ảnh minh họa: Diệp Sa.
Có kinh nghiệm mua và cả bán lẻ đồ Nga trong nhiều năm, chị Giang cho biết, khách hàng chuộng đồ ngoại nên trang bị cho mình kiến thức tốt về sản phẩm, nhất là trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan ngay tại thị trường các nước bản địa.
"Không chỉ có Nga, nếu có dịp đi tới các nước như Đức, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ,... bạn sẽ thấy không phải cứ hàng nhập từ các thị trường phát triển là hàng xịn. Ở đâu cũng có hàng nhái, hàng chợ. Thậm chí, hàng nhái tại các nước này rất khó nhận biết. Muốn an toàn, nên đặt ở nguồn tin cẩn nhất", Giang nói.
Đồng tình với ý kiến này, anh Nguyễn Ánh, từng sống tại Nga nhiều năm cho biết, ngay tại Moscow, mỹ phẩm được nhiều người Việt nhập về từ một số địa chỉ có giá rẻ hơn rất nhiều giá hãng hay siêu thị. Về nguyên nhân, anh Ánh cho rằng, sự chênh giá tới 1/2 đã cho thấy bất thường về chất lượng nguồn hàng.
Khẳng định đa số nước hoa mini Nga được rao bán tại thị trường Việt giá rẻ ngang hàng Trung Quốc là hàng rởm, chủ cửa hàng nước hoa, mỹ phẩm Nga Hà Linh (Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) cho rằng, người tiêu dùng nên cẩn trọng hơn với các mặt hàng này.
"Những thương hiệu bình dân về Việt Nam có thể vẫn có giá mềm, nhưng khách cũng nên thăm dò và kiểm tra chéo xem đó có phải là nguồn hàng bị dập lại code hoặc hạn sử dụng không. Thông thường, nếu hàng hiệu cao cấp thì hạn sử dụng được giập chìm, rất khó làm nhái. Nhưng với hàng bình dân, phổ thông thì khác", anh Ánh nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]