Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cũng như mỹ phẩm (MP) thông thường, MP tự làm (handmade) khi lưu hành trên thị trường phải được kiểm định, có nhãn mác, được cơ quan chức năng cấp số tiếp nhận “phiếu công bố sản phẩm”, nơi sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất MP của Hiệp hội các nước Đông Nam Á… nếu không đáp ứng đủ quy định trên, sẽ bị tịch thu, tiêu hủy, xử phạt.
Tuy nhiên, hiện 99% MP handmade đang lưu hành “chui”, còn cơ quan chức năng thì không quản lý nổi.
|
99% mỹ phẩm handmade đang lưu hành trên thị trường đều không nhãn mác, không đáp ứng đầy đủ các quy định nhưng vẫn không bị xử phạt gì |
Từ sản xuất nhỏ lẻ đến lập công ty
Do có những ưu điểm như chiết xuất từ nguồn thiên nhiên, không hóa chất, chất bảo quản, MP handmade hiện đang được lòng người tiêu dùng, kể cả những khách hàng khó tính. Giới trẻ rất chuộng mua MP handmade làm quà tặng vì tin rằng chúng an toàn, giá hợp lý.
Cửa hàng bán MP handmade cũng mọc lên như nấm, quy mô kinh doanh ngày càng mở rộng, không chỉ tại cửa hàng mà còn đi vào nhiều chợ phiên, hội chợ… Nhìn chung, dù được bày bán ở đâu, phần lớn MP handmade đều không nhãn mác, số ít thì được dán nhãn nhưng chỉ có tên cửa hàng, tên sản phẩm.
Thương hiệu VS.P.A. handmade được nhiều bạn trẻ biết đến vì có rất nhiều chi nhánh từ Nam ra Bắc. Sản phẩm tại cửa hàng rất phong phú, đủ loại dành cho tóc, mặt, cơ thể như kem chống nắng, xà bông trắng da, tẩy tế bào chết, bột đắp mặt nạ, gel dưỡng da, gel đắp mặt sáng da, nước hoa hồng, kem dưỡng ẩm… được chiết xuất 100% từ nghệ, mật ong, trà xanh, gấc, gừng, hoa hồng…
Giá mỗi sản phẩm tại đây cũng khá bình dân, dao động từ 25.000-125.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, hiện trên bao bì sản phẩm chỉ có duy nhất miếng nhãn ghi tên thương hiệu VS.P.A., số điện thoại, địa chỉ cửa hàng; một số sản phẩm khô như xà phòng, bột đắp mặt nạ, tinh dầu… thì chỉ ghi công dụng, không có hạn sử dụng; một số sản phẩm tươi thì có ghi hạn sử dụng.
Tất cả các sản phẩm này không hề có số tiếp nhận “phiếu công bố sản phẩm” do Sở Y tế TP.HCM cấp.
Tương tự, trên sản phẩm của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng như Fun House Natural Shop (đường Yên Đỗ, Q.Tân Phú, TP.HCM), Handmade Lucky (đường Trần Quang Diệu, Q.3, TP.HCM), handmade Ruby (Trịnh Đình Thảo, Q.Tân Phú), Hachi House (Q.7, TP.HCM)… cũng chỉ có tên thương hiệu, địa chỉ facebook, số điện thoại.
Thậm chí, có người thành lập cả công ty chuyên sản xuất MP handmade như E.C.L. (Q.7) nhưng cũng không hề tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác.
MP handmade không chỉ xuất hiện đại trà tại các chợ phiên cuối tuần như Saigon Holiday Market, Sale 4Share, 2Day Sale, Viet’s Corner Flea Market, 1Sport, Sale 4U… mà còn xuất hiện tại một số hội chợ quy mô lớn tại TP.HCM.
Nhìn chung, các loại MP handmade đều làm tại nhà, không đảm bảo đủ điều kiện sản xuất; người sản xuất phần lớn chỉ tự tham khảo các công thức trên mạng, trên tài liệu do một số trung tâm dạy làm MP handmade tự in ấn, phát hành.
Hiện nguyên liệu chủ yếu để tự chế MP được nhập từ Thái Lan vì có giá rẻ và được bán đại trà tại các cửa hàng MP, nhưng tất cả cũng đều không nhãn mác hoặc có nhãn nhưng không hề có tên công ty sản xuất, sản phẩm cũng không có nhãn phụ, không ghi tên nhà phân phối…
Không quản lý nổi
Theo Cục Quản lý dược, việc sản xuất, kinh doanh MP tự chế hiện nay đều sai quy định. Bởi thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý MP đã chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh MP phải có giấy phép đăng ký kinh doanh (phạm vi hoạt động kinh doanh, sản xuất đối với mặt hàng MP); các cơ sở sản xuất MP phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt các sản xuất MP” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN); phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP; có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ; xây dựng nhà xưởng; khi đưa bất cứ MP nào ra thị trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận “phiếu công bố sản phẩm”; MP khi lưu thông trên thị trường phải được ghi nhãn có đầy đủ nội dung theo quy định; cá nhân và tổ chức đưa MP ra lưu thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Chị Yến - chủ một cửa hàng kinh doanh MP tự làm tại H.Hóc Môn, TP.HCM - thừa nhận không hề biết rằng muốn sản xuất, kinh doanh MP handmade thì phải trải qua các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, dù biết, chị cũng không đăng ký, bởi “MP handmade bán tràn lan tại các cửa hàng, hội chợ nhiều năm qua mà có bị phạt gì đâu”.
Thời gian qua, Cục Quản lý dược cũng đã phối hợp với sở y tế các địa phương, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389... đẩy mạnh việc quản lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh MP tự chế, MP không rõ nguồn gốc, nhưng việc kiểm soát các MP handmade hiện nay còn rất hạn chế.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, chi cục thường xuyên kiểm tra tất cả các mặt hàng và xử phạt nhiều sai phạm, trong đó có MP không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh.
Có những chủ cửa hàng MP là sinh viên, khi bị xử phạt lại không có đủ tiền nộp phạt. Tuy nhiên, ông Kiếm cũng thừa nhận do lực lượng quản lý còn quá mỏng nên việc kiểm tra, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mặt hàng MP tự chế này chủ yếu kinh doanh qua mạng.
Theo nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không công bố sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng; hành vi sản xuất MP không đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về Thực hành tốt sản xuất MP của Hiệp hội các nước Đông Nam Á hoặc có chất cấm sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng; hành vi kinh doanh MP khi chưa thực hiện công bố sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu hoặc 10-20 triệu đồng tùy theo tổng giá trị lô hàng vi phạm. Tất cả sản phẩm vi phạm đều bị buộc tiêu hủy. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]