Với kinh nghiệm của một nhà báo, nhiếp ảnh gia và có cơ hội đi lại nhiều, chị Hà Nguỵ đã có nhiều bài review du lịch thú vị giới thiệu những điểm đến mới và được mọi người chia sẻ rất nhiều trong thời gian qua như Phượng Hoàng- Trấn cổ bên dòng Đà Giang, Santorini - Hòn đảo thiên đường nơi hạ giới. Và mới đây nhất là bài viết về Shangri-la, Đại Lý, Lệ Giang ở Vân Nam, Trung Quốc.
Chị Hà Nguỵ
Chị chia sẻ, Vân Nam là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới với rất nhiều điểm đến tuyệt đẹp như Shangri-la, Đại Lý... Hành trình của chị Hà kéo dài 9 ngày với tổng chi phí là 12 triệu cho tất cả chi phí, ăn, ở, di chuyển giữa các tỉnh của Trung Quốc trong chuyến đi (chưa bao gồm chi phí vé máy bay).
Shangri-la
Chúng tôi đáp máy bay, vượt qua những ngọn núi phủ đầy tuyết để đến với Shangri-la vào một ngày cuối tháng tư. Trên đường về khách sạn, nghe một bài hát của anh lái xe địa phương, cộng với phong cảnh bên ngoài cửa kính ô tô như thảo nguyên mà thấy một cảm giác hứng khởi vô cùng. Hứng khởi vì lần đầu được vào miền đất của những người Tây Tạng.
Shangri-la là một huyện thuộc châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh (Díqìng) có tên chính thức là Trung Điện (Zhōngdiàn) trong tiếng Trung, và Gyalthang trong tiếng Tạng. Nằm ở độ cao 3200 mét so với mực nước biển, Shangri-la chính là nơi bắt đầu của thế giới người Tạng. Nơi đây không chỉ có phong cảnh hùng vĩ, mà còn có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống.
Một em bé người Tạng.
Shangri-la bao gồm khu phố cổ và khu phố mới. Phố cổ Shangri-la (Dukezong) có tuổi đời hơn 1300 năm, là một trong những nơi tập trung sinh sống của người Tạng từ lâu đời, được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc.
Châu tự trị Địch Khánh nằm ở vùng tiếp giáp giữa 3 tỉnh là Vân Nam, Tứ Xuyên và Khu tự trị Tây Tạng nên có nền văn hóa khá đa dạng với người Tạng chiếm 80%. Nhưng vào năm 2014, một trận hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại khu phố cổ của Shangri-la và thiêu rụi khoảng 60% những ngôi nhà cổ. Chính quyền thành phố đã phải đóng cửa để xây dựng lại nguyên trạng và đến năm 2016 mới mở cửa lại cho khách du lịch.
Tu viện Songzanlin là điểm bắt buộc phải đến khi bạn tới Shangri-la. Tương truyền Songzanlin được thành lập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 vào năm 1679. Nơi đây đã từng là nhà của 2000 nhà sư, nhưng nay chỉ còn có khoảng 600 người. Phần lớn tu viện đã được xây dựng lại. Songzanlin là một nơi vô cùng thiêng liêng với người dân nơi đây.
Công viên Potatso cũng là điểm đến tuyệt vời. Khu bảo tồn thiên nhiên này vô cùng rộng lớn và mới mở cửa 3% cho du khách tham quan nhưng từng đó đã đủ để bạn khám phá trong nửa ngày rồi. Giá vé vào cửa khá cao, 258 tệ, đã bao gồm xe bus. Tại đây bạn sẽ được tham quan Hồ Shudu (tức là hồ nước nằm bên cạnh quả đồi). Từ tháng 5 đến cuối tháng 10, đồng cỏ quanh hồ Shudu là nơi chăn thả bò Yak, những chú bò có lông dài của người Tạng.
Bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều trong công viên để khám phá từ từ khung cảnh thiên nhiên hoang dã và tuyệt đẹp nơi đây. Nhớ mang theo bình xịt oxy vì đi lại nhiều, cộng với vị trí cao trên 3200m so với mặt nước biển sẽ làm bạn bị thiếu oxy dẫn đến khó thở và đau đầu (ấy là với những người yếu yếu như mình).
Ở Shangri-la còn có Thạch ca Tuyết Sơn, nơi quanh năm tuyết phủ trên đỉnh núi với độ cao 4450m. Nếu sức khỏe tốt, bạn có thể ghé thăm núi tuyết thiêng Thạch ca, hoặc không cũng có thể thăm Ngọc Long Tuyết Sơn ở Lệ Giang. Núi tuyết cách trung tâm thị trấn khoảng 8km, và nếu đi taxi thì hết 30 tệ hoặc xe buýt số 9 thì 3 tệ/người. Giá vé vào cửa của Thạch Ca là 270 tệ bao gồm cả cáp treo khứ hồi.
Shangri-la có rất nhiều Inn xinh đẹp. Họ bài trí theo phong cách của người Tạng với tường đất và nội thất chủ yếu làm bằng gỗ, tạo một cảm giác thô mộc và thân thiết. Đến Shangri-la, bạn có thể tham khảo khách sạn Shangri-La Bodhi Inn từ 240 tệ/đêm. Phòng ở đây có décor tuyệt vời.
Lệ Giang / Lijiang
Một người bạn đã nói với tôi "Nếu người Hồi Giáo coi Thánh địa Mecca là nơi nhất định phải đến một lần trong đời thì những người Trung Quốc cũng coi Lệ Giang như vậy".
Tôi ngẫm lại và thấy có vẻ đúng. Tôi đã xem ảnh về Lệ Giang cũng lâu lâu rồi và bị ấn tượng bởi những mái nhà cổ nối tiếp nhau san sát. Rồi những bài viết về Lệ Giang thơ mộng trong các diễn đàn về du lịch cũng làm tôi mê mẩn về trấn cổ này. Vậy nên dù có bao cảnh báo về tình trạng đông đúc, đắt đỏ vào dịp lễ 1/5 bên nước bạn tôi vẫn quyết định đi.
Thành phố Lệ Giang nhìn từ Vạn Cổ Lầu.
Lệ Giang là một cổ trấn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là một trong những trấn cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc và tiếng tăm đã vang khắp thế giới. UNESCO đã mô tả: "Lệ Giang là một cổ trấn đặc biệt được nằm ở nơi có phong cảnh hữu tình và mang trong nó những giá trị văn hóa truyền thống của những dân tộc khác nhau nên đã tạo ra được một cảnh sắc đô thị với những giá trị nổi bật".
Thành cổ Lệ Giang bắt đầu được xây dựng vào cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên (cuối thế kỷ thứ 3). Thành cổ này nằm trên cao nguyên Quý Châu, có độ cao hơn 2400m so với mặt biển, từ xưa đã là chợ và trấn quan trọng nổi tiếng gần xa. Hiện nay, thành cổ này có hơn 6200 hộ gia đình, hơn 25 nghìn dân. Trong đó, người dân tộc Na-xi chiếm tuyệt đại đa số dân cư ở đây, 30 phần trăm người dân ở đây vẫn làm các nghề thủ công như làm đồ dùng bằng đồng bằng bạc, nghề thuộc da và lông thú, dệt, cất rượu và buôn bán.
Lệ Giang được đặc trưng bởi những ngôi nhà cổ, mái xô mái chạy theo những con ngõ nhỏ ngoằn ngèo.
Lệ Giang được đặc trưng bởi những ngôi nhà cổ, mái xô mái chạy theo những con ngõ nhỏ ngoằn ngèo. Những con đường lát đá sạch bóng. Những rặng liễu xanh rủ nhẹ nhàng bên những dòng kênh nhỏ. Những đèn lồng đỏ rực rỡ bên mái hiên. Những cụm hoa nở đủ màu bừng trong nắng sớm. Đầy những thi vị ở cái trấn cổ được mệnh danh là "Vernice của Phương Đông" này.
Đến Lệ Giang, bạn nhớ ghé thăm: Đại Nghiên Cổ Trấn, Quảng trường Ngọc Hà, Bánh xe nước, Nơi treo chuông gió cầu duyên, Vạn Cổ Lầu, Thúc Hà Cổ Trấn (cách Lệ Giang 5km), và xem show Ấn tượng Lệ Giang.
Show Ấn tượng Lệ Giang
Một số Inn tham khảo tại Lệ Giang: Yiliu Hostel, Lijiang Riverside Boutique Inn có giá trung bình khoảng 180 tệ/đêm (phòng 2 giường đơn). Tùy vào tình hình tài chính, và nhu cầu của bạn mà có thể đặt khách sạn hợp lý.
Đại Lý / Dali
Nếu bạn là một fan của film kiếm hiệp Trung Quốc thì bạn nên đến nơi này. Trong Anh hùng Xạ điêu bạn có còn nhớ đến 1 trong 4 đại cao thủ sau Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất Đông Tà - Tây Độc – Nam Đế - Bắc Cái chứ? Nam Đế ấy chính là Đoàn Hoàng Gia, Hoàng đế của nước Đại Lý từ năm 1147-1171.
Đại Lý là thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, là thành phố có lịch sử lâu đời. Nhiều công trình kiến trúc đặc sắc còn bảo tồn tốt đến ngày nay trong đó có thành cổ Đại Lý (hay Tử Cẩm Thành Đại Lý) được xây dựng năm 1382.
Cách thành 1 km về phía Bắc bên hồ Nhĩ Hải – Tam tháp Đại Lý là một công trình kiến trúc cổ rất đặc sắc. Ba tháp tạo thành hình Tam Giác – tháp chính là Thiên Thuần cao 69m, gốm 16 tầng tháp, được xây dựng từ thời Đường. Cạnh Tam Tháp là chùa Sùng Thánh được xây dựng từ năm 834 đến năm 840.
Phim trường Thiên Long Bát Bộ.
Hồ Nhĩ Hải một một trong 16 hồ thuộc khu bảo hộ tự nhiên cấp quốc gia của Trung Quốc. Hồ rất rộng và phong cảnh hai bên vô cùng hữu tình. Ngoài ra nếu có thêm thời gian ở Đại Lý bạn nên ghé thăm làng nghề truyền thống của người Bạch ở đây để mua những sản phẩm được nhuộm một cách thủ công rất tinh xảo, hoặc thưởng những loại trà đặc sắc của Đại Lý.
Hãy ghé thăm làng nghề truyền thống của người Bạch ở đây.
Ở Đại Lý, bạn sẽ mua được những sản phẩm được nhuộm thủ công rất tinh xảo.
Ở Đại Lý có nhiều khách sạn dành cho khách du lịch với nhiều giá tiền khác nhau. Bạn có thể tham khảo khách sạn: Jue Se Garden Theme Inn giá từ 228 tệ/đêm, giá vừa phải mà nội thất và dịch vụ rất ổn.
Vậy làm thế nào để đi đến tỉnh Vân Nam, khám phá hành trình tuyệt vời này! Cách 1: Bay Hà Nội – Côn Minh (2 tiếng) hoặc đường bộ Hà Nội - Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh (700km). Từ Hà Nội đi ô tô lên Lào Cai rồi sang cửa khẩu Hà Khẩu bắt xe đi Côn Minh. Một ngày có hai chuyến xe lúc 10h30 và 17h, giá 160 tệ. Ô tô/tàu Côn Minh – Đại Lý (320 km), đi tàu hết khoảng 155 tệ/vé giường nằm đi hết 6 tiếng, tham khảo tại http://www.travelchinaguide.com/china-trains, hoặc ô tô khoảng 100 tệ/người đi từ bến xe phía Tây. Ô tô Đại Lý - Lệ Giang (190km) khoảng 70 tệ/người Ô tô Lệ Giang – Shangrila (170km) đi hết khoảng 4 tiếng, vé 63 tệ/chiều Ô tô Shangri-la - Côn Minh (630km) đi vào ban đêm hết khoảng 10 tiếng, giá vé 208 tệ/chiều http://www.chinabusguide.com/kunming-to-shangri-la.html Cách 2: Bay Hà Nội – Quảng Châu – Shangrila Ô tô Shangrila – Lệ Giang Ô tô Lệ Giang – ĐạiLý Ô tô Đại Lý – Shangrila Bay Shangrila – Quảng Châu – Hà Nội Một số lưu ý nhỏ - Nếu bạn thường xuyên truy cập Facebook thì nên cài app VPN bởi tại TQ cấm người dân xài FB. Một app mình dùng rất tiện lợi là Opera VPN, tha hồ lướt FB. - Đồ ăn ở Shangri-la không dễ ăn như ở Lệ Giang hay Đại Lý, vì vậy bạn nên mang theo ít ruốc đề phòng không ăn được đồ ăn của người Tạng. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]