Phố cổ Neiwan của người Hakka không quá nổi bật với những du khách đến Đài Loan, nhưng với những ai yêu thích văn hóa cổ truyền của xứ Đài, thì đây là một địa danh nổi tiếng không thể không đến. Bởi thế, mỗi cuối tuần nơi đây tràn ngập những đoàn sinh viên đến tham quan, những đoàn khách địa phương và nước ngoài đến tham quan, cho dù ngôi làng nằm ẩn khá sâu trong những dãy núi. Có thể nói, đây là một trong ít ỏi những nơi duy trì và bảo tồn một cách trọn vẹn nét văn hóa truyền thống của người Đài Loan bản địa.
Để đến Neiwan, bạn có thể bắt thẳng chuyến tàu lửa ở trạm The Neiwan Small Train. Được xây dựng vào năm 1950, ban đầu là để vận chuyển gỗ và than đá, về sau nơi đây dần dần thành điểm đến của các đoàn làm phim bởi nét đẹp cổ kính và giản dị. Ngồi trên băng ghế gỗ của chiếc tàu, tôi có cảm giác như đang du hành ngược thời gian, khi đó, người người nhà nhà hớn hở đi đến khắp nơi trên những con tàu kêu tu tu và xình xịch hơi nước.
Phố cổ Neiwan tấp nập với những gian hàng thức ăn truyền thống ngay trước cửa nhà bất chấp thời tiết. Từ các gian hàng đặc sản khô, sấy cho đến các quầy thức ăn tươi nằm san sát nhau tạo thành một con đường ẩm thực dài thú vị. Trong tiếng gọi chào hàng mộc mạc của người dân nơi đây, khó ai có thể cưỡng lại sức hút của bánh gạo nếp lily gừng, bánh bao thảo dược, hay cá viên Hakka… Nếu do dự trước khi mua, bạn có thể thoải mái hỏi để nếm thử các món ăn . Người ở đây dường như vẫn còn giữ lại thói quen của người nông dân khi đón đãi du khách như những người bạn từ phương xa đến, chứ không phải là các khách hàng đến tham quan và mua sắm.
Đã đến đây thì nhất định phải nếm thử món trà truyền thống Hakka - top 1 trong danh sách must-do-list của bất kỳ du khách nào đến đây. Băng qua con đường ẩm thực, tôi tìm đến một căn nhà đá với hàng bông giấy đỏ rực ngay hiên nhà. Trước nhà viết vài câu thư pháp. Nhìn từ bên ngoài, ít ai biết đây là một gian trà đạo Hakka. Bởi không hề có một dấu hiệu buôn bán hay bảng hiệu trà trước nhà.
Khi người chủ nhà bưng ra từng chiếc cối và chày nhỏ, ai cũng đều tò mò, uống trà Leicha mà sao lại phải có cối và chày? Hóa ra Leicha là “trà giã”, bởi người pha chế phải tự tay giã nát các nguyên liệu bao gồm trà, gạo trắng, thảo dược, hạt hướng dương và các loại đậu.
Trà Leicha là thức uống tượng trưng cho tinh thần hiếu khách và sự thông thái của người Hakka. Khi xưa, nơi đây từng là trạm dừng chân của những người lính mệt mỏi, và các lữ khách lạc đường. Để giúp họ nghỉ ngơi, khôi phục lại năng lượng, người Hakka tạo ra loại trà bổ dưỡng như một vị thuốc tăng lực dinh dưỡng. Bởi vậy, trong trà được trộn lẫn các loại hạt, đậu và gạo giã nát. Sau cùng cho nước sôi vào, khuấy đều lên.
Leicha thoạt nhìn như một bát cháo, không hề thu hút. Thế nhưng sau những ngụm đầu tiên, tôi hoàn toàn bị thu phục bởi thứ hương vị đậm đà ấy. Có lẽ tôi hình dung được phần nào tâm tình của những người lính lạc đường năm xưa, khi được dân Hakka trao bát trà Leicha ngọt ngào trong lúc đói khát. Bên ngoài, mưa rả rích, gió từng cơn thổi rít qua mái nhà. Nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh như lúc ban đầu đặt chân xuống Neiwan.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]