Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ 6km và mất khoảng 30 phút di chuyển từ Bến Ninh Kiều. Đây là một trong những chợ trên sông nổi tiếng nhất ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ nổi Cái Răng thường họp từ mờ sáng tới khoảng 8-9h thì tan. Thông thường mỗi ghe sẽ chuyên bày bán một loại mặt hàng. Ở đây, người bán không phải rao hàng như trên đất liền mà nếu bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền để khách tự biết. Đến với chợ nổi Cái Răng bạn sẽ được hòa mình cùng với một thế giới thu nhỏ giữa nước trời mênh mông và những con người hiền hòa, đôn hậu.
Bến Ninh Kiều ngày nay trở thành công viên Ninh Kiều, nằm bên bờ sông Hậu hiền hòa, ngay trung tâm thành phố Cần Thơ. Đây là một bến nước và cũng là địa danh du lịch và văn hóa được hình thành từ thế kỷ 19, là niềm tự hào của người dân Cần Thơ. Nơi đây từng được thể hiện qua đôi câu ví: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều, có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.”
Dưới bến Ninh Kiều là tấp nập tàu thuyền xuôi ngược, chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Từ công viên bến Ninh Kiều có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ bề thế, nhìn sang là Xóm Chài mộc mạc và một dải cù lao xanh mướt. Vào ban đêm, bến Ninh Kiều lung linh giăng mắc ánh đèn rực rỡ, soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp loáng, trở thành địa điểm hẹn hò, dạo chơi lý tưởng của người dân Cần Thơ và du khách gần xa.
Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với các vườn trái cây lớn nhỏ sai trĩu quả vừa để cung cấp trái cây cho thị trường vừa phục vụ nhu cầu tham quan du lịch sinh thái của du khách. Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, các vườn trái cây nhất là vườn dâu, chôm chôm tại Cần Thơ cũng đang vào mùa chín rộ. Có rất nhiều vườn cây trái dành cho du khách tới thăm như: vườn trái cây Vàm Xáng – Phong Điền, vườn nhà ông Sáu Dương, vườn lan Bình Thuỷ, vườn ở Ô Môn, Thốt Nốt…
Tới đây, không những bạn có thể dạo chơi, thưởng thức trái cây ngay tại vườn mà còn được thưởng thức các loại đặc sản miền quê khác như cá nướng, ốc luộc, v.v.
Nếu bạn đi trên cung đường từ Cần Thơ về thành phố Long Xuyên (An Giang), qua khỏi thị trấn Thốt Nốt chừng 5km thì sẽ vườn cò Bằng Lăng – một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn chín dòng sông. Men theo con đường vào vườn cò là những hàng cây bằng lăng tím ngắt cùng lũy tre già thẳng tắp rì rào nghiêng mình đón gió tạo cho du khách cảm giác bình yên và thư giãn.
Tại đây, bạn có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò đủ mọi chủng loại như cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc… Để thấy được sự phong phú đa dạng cũng như nhịp sống sôi động của vườn cò Bằng Lăng, bạn nên đi vào mùa sinh đẻ rơi vào tháng 8 đến tháng giêng âm lịch hàng năm. Riêng loài cò ma là từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Dưới ánh chiều tà, khi đàn cò đi kiếm ăn trở về “nhà”, chúng tung cánh bay liệng trên bầu trời như dải lụa mềm uyển chuyển phất phơ trong gió, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo khiến bất cứ ai cũng đều phải trầm trồ, choáng ngợp.
Nhà cổ Bình Thủy hiện thờ họ Dương, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 và tôn tạo lại vào giai đoạn đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà bề thế nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ.
Ngôi nhà cổ này có kiến trúc kiểu Pháp năm gian hai mái, với nền nhà cao hơn mặt sân 1m; có bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã, nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao, trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt khá đơn giản giúp nhà thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi… Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ – đen lát nền nhà với hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và chở từ Pháp sang. Đặc biệt, nơi đây còn áp dụng kiểu xây dựng kết hợp Đông – Tây, “nội ứng ngoại hợp”, bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, còn bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và cảnh quan thiên nhiên.
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước vì xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ với vai trò là bối cảnh chính của hàng chục bộ phim như Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời…
Chùa Ông là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của người Hoa tại Cần Thơ. Chùa Ông được xây dựng năm 1894 – 1896 trên một khu đất có diện tích chừng 532m² và được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993.
Trong chùa thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc, tấm gương về lòng trung hiếu tiết nghĩa và các vị Quan Âm Nam Hải, Thái Bạch tinh quân, Thổ Địa, Đổng Vĩnh… Chùa có kiến trúc độc đáo với mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng những hàng ngói ống men xanh thẫm, trên bờ nóc có vô số hình nhân đủ màu bằng gốm sứ, lưỡng long chầu nguyệt, cá hoá long, chim phụng, ở hai đầu đao là hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng.
Chợ Tây Đô cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ. Đây là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn tại Cần Thơ. Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí…đáp ứng nhu cầu của du khách. Chợ đêm Tây Đô là bức tranh tổng hợp phác họa chân thực cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng hạ nguồn sông Mê Kông, là một trong những nơi du khách không thể bỏ qua khi đến với Cần Thơ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]