Kết thúc năm tài chính 2016, sàn chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự đổi ngôi bất ngờ nhất trong vòng 6 năm qua, khi tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên không còn giữ vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Với tài sản nhỉnh hơn ông chủ Vingroup 4.000 tỷ đồng, tỷ phú mới nổi Trịnh Văn Quyết trở thành người sở hữu lượng cổ phiếu giá trị nhất sàn chứng khoán, với 34.000 tỷ đồng.
Không còn ở ngôi vương tại Việt Nam nhưng ông Vượng vẫn là người Việt duy nhất được xướng tên trên danh sách tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes bầu chọn. Thậm chí, so với thời điểm chốt danh sách hàng năm vào đầu tháng 3 của Forbes, thứ hạng của ông Vượng đã tăng hơn 100 bậc, tổng tài sản đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng hiện là tỷ phú đôla duy nhất của Việt Nam được Forbes thừa nhận.
Những cái tên chưa được điểm danh
Là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết là một hiện tượng lạ của chứng khoán Việt Nam cũng như làng tỷ phú thế giới.
Phần lớn tài sản của ông này đến từ lượng cổ phần sở hữu của một công ty mới lên sàn từ ngày 1/9. Nhờ vào tốc độ tăng giá kỷ lục của cổ phiếu ROS, tài sản của ông Quyết gia tăng vượt trội từ mức 995 tỷ đồng năm 2015 lên 34.000 tỷ đồng năm 2016, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD.
Việc ông Quyết không xuất hiện trong danh sách của Forbes có thể được giải thích là thời điểm này, Forbes không bổ sung danh sách tỷ phú mới. Theo thông lệ, Forbes sẽ công bố bảng xếp hạng có bổ sung các tỷ phú mới vào tháng 3 hàng năm, thay vì vào cuối năm. Danh sách của Bloomberg dù cập nhật hơn, nhưng chỉ giới hạn trong vòng 200 cái tên đầu bảng.
Một doanh nhân khác cũng được chú ý trong năm qua là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – bà chủ của Vietjet Air.
Bloomberg từng nhận định về khả năng nữ doanh nhân này có thể sớm trở thành tỷ phú đôla thứ hai của Việt Nam sau khi Vietjet Air chính thức IPO nhờ tỷ lệ sở hữu vượt trội trong hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Việt Nam và tài sản tại Sovico Holding – tập đoàn mẹ sở hữu cả HD Bank và Vietjet Air.
Thực tế, Wealth-X và ngân hàng SBS là những đơn vị đầu tiên khẳng định Việt Nam có tới 2 tỷ phú USD. Nhưng với một bảng thống kê giấu tên, danh sách này chỉ có thể khẳng định chắc chắn thêm lần nữa việc Forbes không phải là tiêu chuẩn duy nhất để khẳng định một người liệu thực sự sở hữu khối tài sản tỷ đô hay không.
Những con số ước tính
Theo Forbes, tài sản của những tỷ phú trong bảng xếp hạng của họ không chỉ tính dựa trên lượng cổ phiếu sở hữu, mà còn tổng hợp cả các bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ cá nhân. Những con số được tham vấn từ hàng loạt chuyên gia, lấy từ nguồn của các nhân viên kế toán, cố vấn, luật sư, hỗ trợ từ các ngân hàng, công ty tài chính… nhưng vẫn chỉ được coi là "tài sản ước tính".
Mỗi năm, bảng xếp hạng uy tín nhất của Forbes thay đổi một lần, sau khi phóng viên của tạp chí này thu thập đủ số liệu đáng tin cậy cho khối tài sản ước tính của những tỷ phú thế giới. Ngoài ra, giá cổ phiếu của các công ty cũng được cập nhật để đảo vị trí các tỷ phú trong danh sách, theo lượng tài sản "thực" mỗi ngày.
Tuy nhiên, với những người thực hiện số liệu cho bảng xếp hạng của Forbes, những thống kê trên giấy tờ này không phản ánh giá trị thực của tài sản các tỷ phú thế giới bởi dù giá cổ phiếu và khoản định giá các món đầu tư của những nhân vật trong danh sách có thể được xác định bằng những công thức toán học, thông tin công khai nhưng chỉ có giá trị tham khảo ngắn, thay đổi chóng mặt hàng ngày và không đầy đủ.
Năm 2013, Forbes khẳng định sắp xếp những cái tên với thứ tự hợp lý trong một bảng xếp hạng đồ sộ này là nhiệm vụ chưa bao giờ dễ dàng. "Các phóng viên của chúng tôi đã phải đào bới rất sâu và đi rất xa. Dù Forbes đã có cả trăm năm xếp hạng các tỷ phú, triệu phú thế giới, nhưng nhiệm vụ này chưa bao giờ dễ dàng".
Để tăng tính chính xác, Forbes cố gắng tiếp cận phỏng vấn trực tiếp những người được xếp hạng, nhưng ngay cả biên tập viên kỳ cựu của tạp chí là Randall Lane cũng thừa nhận "không phải ai cũng nói thật" nên "việc đạt tới con số chính xác là bất khả thi" bởi một số người được phỏng vấn luôn nói quá con số sở hữu, số khác thì muốn giữ bí mật.
Tài sản và tầm ảnh hưởng
Từ việc tính toán giá trị tài sản dường như bất khả thi mà lựa chọn của Forbes trong những vị trí tỷ phú được xem là câu trả lời cho cả yêu cầu về tài sản lẫn tầm ảnh hưởng của những người được nêu danh.
Trong rất nhiều trường hợp, cách thức tiếp cận của Forbes rất cẩn trọng. Một trường hợp ở Việt Nam là doanh nhân Nguyễn Đăng Quang, ông chủ tập đoàn Masan. Theo Forbes, mặc dù trên giấy tờ, sở hữu cổ phần chính thức của ông Quang ở mức tối thiểu 10 cổ phần, nhưng các dữ liệu Forbes Việt Nam cho biết họ "thu thập được đủ chứng minh ông Quang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan".
Từ đây, tạp chí này nhận định "việc danh sách tỉ phú thế giới xuất hiện thêm một doanh nhân Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian". Nhưng từ đó đến nay, Forbes không tung ra thêm bằng chứng nào để chứng minh những tính toán của họ là thực và công khai điều đó trên bảng xếp hạng tỷ phú.
Forbes Việt Nam từng gắn ông Nguyễn Đăng Quang với lời dự đoán "việc danh sách tỉ phú thế giới xuất hiện thêm một doanh nhân Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian".
Với những người đã ở trong bảng xếp hạng, đặc biệt là những cá nhân mới, Forbes có cơ chế "báo động" rất mau lẹ những biến động bất thường về đánh giá của họ với những nhân vật này. Năm 2015, Forbes đưa Elizabeth Holmes - sáng lập viên Theranos – vào top 10 phụ nữ tự thân giàu có nhất nước Mỹ và cập nhật tài sản của nữ tỷ phú này có lúc đạt con số 4,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngay khi Theranos bị cáo buộc về những hoạt động của mình và bị bị cơ quan Liên bang sờ gáy, kèm thông tin doanh thu hàng năm ít ỏi của công ty này khiến Forbes ngay lập tức xóa tên Holmes khỏi danh sách tỷ phú và hạ giá trị tài sản ước tính về 0.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]