Đầu tiên là bầu Đức, sau đó là đại gia Trần Đình Long, và gần đây nhất là tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Phải chăng, nông nghiệp đang không còn bị coi là “vịnh trú bão” cho các đại gia Việt mà nó thực sự trở thành mảnh đất sinh vàng cho họ trong tương lai?
3 đại gia giàu nhất Việt Nam đều đi làm nông nghiệp
Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vừa đề xuất được sản xuất rau, quả sạch cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác tại tỉnh. Thực tế, việc ông lớn ngành bất động sản, bán lẻ này lấn sân sang nông nghiệp đã được thai nghén từ lâu.
Đề xuất của Vingroup được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phía tỉnh hoan nghênh và tạo điều kiện đầu tư. Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Đọc cũng nhận định sản phẩm nông nghiệp sẽ luôn có đầu ra, bởi khách hàng tiềm năng là 1,2 triệu dân trên địa bàn và hơn 7 triệu du khách mỗi năm, hàng chục nghìn công nhân tại các khu công nghiệp. Vingroup thành danh với tư cách nhà đầu tư, phát triển bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng và sau này lấn sân sang giáo dục, y tế, bán lẻ…
Trong một cuộc gặp báo chí đầu năm Ất Mùi, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup cho biết sau khi làm việc với chuyên gia nông nghiệp của Isarel, ông nhận thấy đây là lĩnh vực đáng đầu tư và đã “gom” được vài chục hécta đất nông nghiệp để thực hiện ước mơ này. Vị tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam cũng không giấu tham vọng dự án sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sạch với giá không đắt đỏ như bây giờ.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup nhận thấy nông nghiệp là lĩnh vực đáng đầu tư và đã “gom” được vài chục hécta đất nông nghiệp để thực hiện ước mơ trồng rau sạch cho người Việt.
Hòa Phát, một ông lớn khác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, bất động sản cũng vừa thông tin nông nghiệp là chiến lược đầu tư dài hạn và sẽ ưu tiên nhân sự, tài chính cho ngành nghề kinh doanh mới này trong tương lai. Trước mắt, tập đoàn chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn một năm, dự kiến sẽ cho ra thị trường lô hàng thương mại đầu tiên vào tháng 6/2015, hướng tới doanh thu 3.000 tỷ đồng trong 3 năm.
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với doanh số 6 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, cả nước sản xuất được 14,7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp và dự kiến tăng lên 15,6 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thị trường bởi chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cho hay đến năm 2015, Việt Nam cần 18- 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và tăng lên 25-26 triệu tấn vào năm 2020. Để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, những năm qua Việt Nam đã phải chi hàng tỷ đôla Mỹ để nhập khẩu thức ăn gia súc, chẳng hạn năm 2014 lên tới 3,3 tỷ đôla.
Song, "miếng bánh ngon" này đến nay gần như vẫn do doanh nghiệp ngoại nắm giữ. Báo cáo từ Hiệp hội Chăn nuôi cho thấy, các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra, còn các doanh nghiệp trong nước dù đông quân số nhưng chỉ chiếm khoảng 40% thị phần.
Do đó, với quan điểm thận trọng của người “lính mới”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát - ông Trần Đình Long nhận định áp lực cạnh tranh trong ngành thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi rất lớn, thậm chí lớn hơn ngành thép nhưng tập đoàn sẽ quyết tâm vượt qua các khó khăn, trở ngại để thành công.
Bầu Đức là đại gia nghìn tỷ đầu tiên tay ngang đầu tư vào nông nghiệp.
Ngoài ra, nhắc đến những đại gia tay ngang sang nông nghiệp, không thể không kể đến Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức. Năm 2008, nhận thấy lĩnh vực bất động sản tuy có khả năng mang lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và mang tính chu kỳ, Bầu Đức đã quyết định sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô.
Với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro, “lấy ngắn nuôi dài” từ những cây trồng ngắn ngày, đến giữa năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai có khoảng 44.500 hécta cao su, 8000 hécta mía đường, cọ dầu đã trồng được 17.300 hécta và bắp có khoảng 5.000 hécta. Biết tận dụng các cây trồng làm thức ăn gia sức, năm vừa qua vị doanh nhân này lại bắt tay vào kế hoạch phát triển đàn bò 100.000 con.
"Nhiều cổ đông tâm sự với tôi rằng các dự án phát triển rất thuận lợi nhưng chờ lợi nhuận quá lâu, sốt ruột vô cùng. Vì vậy, tôi phải nghĩ đến cây bắp, con bò để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư", Bầu Đức bộc bạch.
Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014, ông chia sẻ Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Riêng năm 2014, doanh thu từ bán mủ cao su, bán đường của tập đoàn đạt gần 1.270 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và chiếm hơn 40% tổng doanh thu.
Nông nghiệp- Mảnh đất sinh vàng cho các đại gia Việt?
Khi bầu Đức dấn thân trồng cao su, mía đường, trồng bắp đến nuôi bò, người ta vẫn nghĩ nông nghiệp vẫn chỉ là “mảng miếng thâm canh” cho các phương án kinh doanh đa ngành nghề của các đại gia lắm tiền nhiều của.
Tuy nhiên, khi chứng kiến kết quả kinh doanh tươi sáng của ông cộng với xu hướng rất nhiều đại gia Việt đang có kế hoạch đổ vốn nghìn tỷ vào nông nghiệp thì người ta mới đặt ra câu hỏi: Phải chăng, nông nghiệp đang không còn bị coi là “vịnh trú bão” cho các đại gia Việt mà nó thực sự trở thành mảnh đất sinh vàng cho họ trong tương lai?
Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết DN ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp đây là dấu hiệu quá tốt vì dòng vốn nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này quá thấp. Những DN đầu tư vào nông nghiệp đều có chủ đích từ trước, có cái nhìn dài hạn, đón cơ hội từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với TPP, Việt Nam có những lợi thế sẵn có về các mặt hàng nông sản cơ bản mà hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đều phải sử dụng. Thuế bằng 0, cơ hội nông sản xuất khẩu sang các nước sẽ rất phát triển. Đầu tư cho nông nghiệp không bao giờ là muộn, nhiều ý kiến nói đầu tư dài hạn nhưng thật sự đầu tư vào nông nghiệp chỉ cần ít vốn nhưng lập tức có cái thu ngay tức thì. BĐS mất cả năm, mấy năm mới thu lợi nhuận nhưng nông nghiệp nhiều khi chỉ cần vài tháng là đã có tiền lời trong tay.
Ông Bích cho hay TPP cũng như các hiệp định thương mại khác luôn có cạnh tranh thách thức. Dĩ nhiên “ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”, tham gia TPP, Việt Nam được cái này sẽ mất cái kia. Dẫn chứng là chăn nuôi nội sẽ hết đất sống nếu TPP có hiệu lực, thịt và sữa ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường nước ta với giá rẻ hơn, chất lượng hơn. Đây sẽ là bài học cho sự đầu tư của các DN BĐS, chứng khoán muốn đổ tiền vào nông nghiệp. DN cần lựa chọn những ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam tham gia TPP, nếu lựa chọn sai thì chắc chắn gặp bất trắc. Đơn cử như gạo, thủy sản với năng suất cao, vùng nguyên liệu lớn, thị trường rộng, giá lại cạnh tranh sẽ luôn có nhiều lợi thế.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]