“Chúng ta sẽ chứng kiến một sự đại suy thoái của bán lẻ truyền thống trong bối cảnh các cửa hàng tại Mỹ đã bão hòa, cho dù là họ bán bất cứ mặt hàng gì. Chúng ta sẽ nhìn thấy những thương hiệu lớn không tiếp tục mở thêm cửa hàng. Cơn suy thoái này đã bắt đầu từ lâu, kể từ khi những công ty đầu tiên tuyên bố họ sẽ đóng cửa một số cửa hàng của mình”, cha đẻ Starbucks cho biết.
Đó hoàn toàn là một dự đoán, nhưng nó xứng đáng được xem xét nghiêm túc, theo Business Insider. Bởi nó xuất phất từ Schultz, người đàn ông đã đưa công ty của mình từ một cửa hàng bé nhỏ, vô danh vào những năm 1980 trở thành gã khổng lồ toàn cầu như ngày nay. Ông và Starbucks đi tiên phong trong ngành công nghiệp cà phê của Mỹ cho đến tận bây giờ. Có thể nói rằng, không có một doanh nghiệp nào am hiểu hơn về ngành bán lẻ, cũng như khó ai có thể sở hữu trực giác về ngành này tốt hơn ông chủ Starbucks, Business Insider nhận định.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Schultz đưa ra tuyên bố như vậy. Ngay từ năm 2013, ông đã bắt đầu nói rằng ngành bán lẻ Mỹ có quá nhiều cửa hàng hơn mức thị trường cần thiết và những cửa hàng truyền thống sẽ gặp khó khăn. Quan điểm này chính là cảm hứng để Schultz và Starbucks theo đuổi công nghệ di động. Ứng dụng gọi món của Starbucks Mobile Order & Pay đóng góp 21% khoản thanh toán của hệ thống cửa hàng này và cũng ngày càng phổ biến hơn với người dùng. Cùng với chương trình tích lũy điểm thưởng, ứng dụng di động này tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh và hình thành bước đà đưa hệ thống cà phê Starbucks tiến đến mục tiêu số hóa. "Chưa có cửa hàng bán lẻ nào đạt được thành tích tiếp cận kỹ thuật số như Starbucks", Business Insider bình luận.
Chiến lược số hóa của Starbucks trong cuộc suy thoái sắp tới trong chuỗi bán lẻ chính là lý do Kevin Johnson trở thành tân CEO của công ty này. Với nền tảng am hiểu công nghệ, từng là CEO của Jupiter, cựu chủ tịch bộ phận hạ tầng tại Microsoft, và là người có 7 năm là giám đốc tài chính của Starbucks, Johnson có thể dẫn dắt công ty trong chiến lược tận dụng kỹ thuật số để nâng cao thương hiệu. Trong khi đó Schultz từ bỏ vị trí CEO để tập trung vào việc nghiên cứu tạo ra sự đột phá, các sản phẩm cao cấp và tác động xã hội của công ty.
Dường như trái ngược với dự đoán của Schultz về ngành bán lẻ, Starbucks vẫn có kế hoạch mở rộng 12.000 cửa hàng trong 5 năm tới, tập trung tại các địa điểm đông đúc nhằm chống lại sự sụt giảm lượt khách hàng ghé thăm các cửa hàng. Ngoại trừ việc một người tự pha cà phê thì để uống một ly frappuchino, ai cũng đều phải rời khỏi nhà mình đến quán. Vì thế, với việc có một chuỗi quán ở khắp nơi, Starbucks có lợi thế hơn các cửa hàng truyền thống khác khi có thể đón được nhiều lượng khách hàng hơn. Cũng vì thế, bất cứ thương hiệu nào muốn mở rộng kinh doanh đều phải cố gắng mở rộng nhiều hơn một điểm đến cho khách hàng.
Nhà bán lẻ cần làm gì trong cơn suy thoái sắp tới?
Kết quả từ các nhà bán lẻ truyền thống như Macy cho thấy sự suy thoái rõ ràng tại các điểm bán lẻ, cửa hàng truyền thống. Doanh thu bán hàng của chuỗi bán lẻ này trong Lễ Tạ ơn 2014 giảm mạnh, đến năm 2016, Macy đóng cửa 100 cửa hàng tại Mỹ. “Đó là một chiến lược khôn ngoan để đảm bảo lợi nhuận, tuy nhiên, đó không phải là cách để thúc đẩy bán hàng”, Business Insider bình luận.
Cũng giống như Starbucks, nhiều nhà bán lẻ khác đang tập trung vào việc chuyển hướng sang trải nghiệm mới. Urban Outfitters mua lại chuỗi cửa hàng pizza vào năm ngoái. Đó là một phần của kế hoạch xây dựng một khu phức hợp hàng loạt các cửa hàng: nhà hàng, khu vực tổ chức sự kiện…
Chủ sở hữu trung tâm như General Growth Properties đã thành công bằng cách nhắm đến mục tiêu khách thuê như gym nhà hàng, rạp chiếu phim, công ty giải trí, cửa hàng tạp hóa. Vài trung tâm đang được xây dựng trong những ngày này như một nỗ lực mở rộng các điểm bán lẻ truyền thống, bất chấp lượt khách mua sắm tại các trung tâm mỗi tháng vẫn giảm 1,7%-8,7%.
Doanh số thương mại điện tử đã tăng trưởng 15%/năm, nghĩa là các cửa hàng truyền thống phải cạnh tranh với những kên bán hàng bán hàng trực tuyến trong tình trạng doanh số ngày càng giảm sút. Amazon.com có doanh số bán hàng tăng 27% trong những năm gần đây tại thị trường Bắc Mỹ, lấy đi thị phần của những nhà bán lẻ truyền thống. Dịp Lễ Tạ ơn vừa qua là lần đầu tiên thị trường Mỹ chứng kiến người mua sắm trên điện thoại nhiều hơn số người đến một cửa hàng nào đó và mang đồ về.
Starbucks tăng trưởng doanh thu 4% trong 20 quý liên tiếp tại thị trường Mỹ, một thành tích hầu như chưa có trong lịch sử kinh doanh của nền kinh tế này. Điều đó cũng có nghĩa là nếu lời cảnh báo về các cửa hàng bán lẻ đến từ gã khổng lồ này, khả năng nó sẽ thành hiện thực rất cao, đặc biệt là đối với những công ty nhỏ, thiếu kinh nghiệm. Và cách để thoát khỏi một cái kết bi kịch như Macy, việc chuyển hướng sang thương mại điện tử là giải pháp tất yếu cho bất cứ nhà bán lẻ nào
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]