Bà Nguyễn Thị Phương Thảo khai trương hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam vào tháng 12/2011, như một lời thách thức nhằm phá vỡ sự độc quyền của hãng hàng không quốc gia trong ngành này.
Chỉ 5 năm sau, Vietjet chính thức niêm yết trên TTCK vào cuối tháng 2/2017, vận hành hơn 40% tổng các chuyến bay nội địa với doanh thu ấn tượng là 1,2 tỷ USD.
Thành công của Vietjet đã giúp bà Thảo là CEO của hãng trở thành nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á và là một trong 2 tỷ phú của Việt Nam. Bà Thảo trước đó được xếp hạng là một trong danh sách 56 tỷ phú trên thế giới của Forbes, những người đã tự thân gầy dựng nên khối tài sản tỷ đô với hơn một nửa trong số đó đến từ Châu Á. Bà Thảo, 46 tuổi, góp mặt trong danh sách này với khối tài sản ước tính 1,2 tỷ USD. Forbes hiện tại định giá tài sản của bà Thảo lên đến 1,7 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành chuyên ngành về kinh tế và tài chính tại Nga những năm 1980, bà Thảo bắt đầu kinh doanh hàng hoá ở Đông Âu và châu Á. Bà trở về Việt Nam khoảng 10 năm trước và đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trước khi lấn sân sang các dự án bất động sản ở Tp.HCM và resort ở miền Trung Việt Nam.
Bà Thảo có ý tưởng mở hãng hàng không giá rẻ từ khi bà còn kinh doanh hàng hoá tại Nga, lúc bà dự đoán rằng nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Việt Nam sẽ tăng.
“Tôi luôn đặt mục tiêu và làm những thương vụ lớn”, bà Thảo nhận định với Forbes, và rằng “Tôi chưa bao giờ làm những việc nhỏ (làm chuyện cò con). Trong khi mọi người buôn bán từng kiện hàng hoá, tôi đã giao dịch lên đến hàng trăm kiện.”
Bà Thảo đã nghiên cứu những mô hình hàng không giá rẻ đang được vận hành tại các hãng như Southwest, Ryan Air và Air Asia. Bà nhận được giấy phép mở hãng hàng không Vietjet từ năm 2007 nhưng giá dầu cao đã làm kế hoạch khai trương chậm lại. Năm 2010, bà Thảo liên doanh với AirAsia. Sau khi kế hoạch không thực hiện được, bà tự mình khai trương hãng hàng không vào ngay năm sau đó. Bà Thảo và chồng, doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng, sở hữu phần lớn cổ phần của Vietjet thông qua công ty riêng Sovico Holdings.
Vietjet đã phát triển nhanh chóng. Sau đó, hãng thu hút sự chú ý của cộng đồng với sự kiện quảng bá gây tranh cãi về màn biểu diễn bikini của tiếp viên. Vietjet đã lợi dụng sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam, vốn tăng 29% từ năm 2012 đến 2016, và sự không hiệu quả phần nào của hãng hàng không đối thủ nội địa là Vietnam Airlines. Từ năm thứ 2 kể từ khi bay, Vietjet đã bắt đầu có lãi.
Vietjet hiện thực hiện 300 chuyến bay mỗi ngày, vận hành 45 tàu bay với 63 đường bay nội địa và hàng tá đường bay quốc tế. Từ khi hãng chính thức niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 28/2, cổ phiếu của Vietjet đã tăng 47%. Hơn 35 triệu hành khách đã bay với Vietjet. Hãng gần đây đã đặt mua 200 tàu bay trị giá 23 tỷ USD từ Airbus và Boeing.
Bà Thảo hiện thậm chí đang có nhiều kế hoạch lớn hơn và các đối thủ của bà sẽ phải gặp nhiều khó khăn. “Vietjet đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không đa quốc gia, chứ không chỉ là hãng hàng không nội địa”, Bà Thảo cho biết và bà không nghĩ rằng sự thành công trong kinh doanh của bà chỉ là vấn đề bản năng.
“Một số người nói rằng bất cứ thứ gì tôi đặt tay vào đều trở thành tiền hay có lợi nhuận. Nhưng tôi không nghĩ điều đó đơn giản như vậy,” Bà Thảo cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC. “Không có con đường thành công nào dễ dàng. Tôi đã học hỏi và có nhiều nghiên cứu của riêng mình. Đó là một sự lao động vất vả và để thành công bạn phải có niềm đam mê với công việc kinh doanh mà bạn đang đầu tư.”
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]