Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietjet do có những thay đổi liên quan đến quy mô vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông của hãng hàng không tư nhân này.
Trong đó vốn điều lệ mới của Vietjet là 1.450 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng so với lần điều chỉnh gần nhất.
Đây là đợt tăng vốn thứ hai của Vietjet trong vòng 6 tháng và lần thay đổi Giấy phép đăng ký kinh doanh thứ 18 kể từ khi doanh nghiệp này được thành lập năm 2007. Trước đó, vào tháng 8/2015, Vietjet đã tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Đợt tăng vốn lần này cho thấy ý đồ phát triển của Vietjet nhằm tiếp tục chiếm thị phần hàng không nội địa giá rẻ. Giới chuyên gia hàng không cho rằng có thể Vietjet tăng huy động vốn để phát triển đội tàu bay và đầu tư vào dự án hạ tầng hàng không theo hình thức xã hội hóa mà hãng này đang tham gia là Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng); dự án nhà ga hành khách- cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
Với 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Sovico, Tập đoàn T&C và ngân hàng HDBank, Vietjet có đủ tiềm lực để mở rộng thị phần và phát triển.
Theo thông tin từ lãnh đạo Vietjet, công ty có thể tiến hành chào bán cổ phần IPO vào Quý 2 năm 2016. Đồng thời, với tham vọng xây dựng một hãng máy bay giống Emirates của châu Á, Vietjet chắc chắn sẽ có nhiều chiến lược mới cho bước đi của mình.
Hãng chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số vốn muốn huy động, nhưng có thể chào bán tới 30% cổ phần – mức sở hữu khối ngoại tối đa mà nhà nước quy định.
Vietjet là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp và cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn.
Hiện tại, Vietjet đang khai thác 34 tàu bay A320 và A321, thực hiện gần 250 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển trên 20 triệu lượt hành khách, với hơn 47 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar.
Đến năm 2015, Vietjet Air thâu tóm được tới 40% thị phần hàng không trong nước, chỉ kém 5 điểm phần trăm so với thị phần mà Vietnam Airlines nắm giữ (15% thị phần, còn lại thuộc về Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines). Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng khủng, nhiều khả năng ngay trong năm nay, Vietjet Air sẽ chính thức vượt qua người anh cả và trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất Việt Nam.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]