Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với thị trường chứng khoán?
Lần đầu tiên tôi biết đến chứng khoán là vào năm 2010 khi tôi còn là cậu học sinh lớp 12. Bố tôi chính là người dẫn dắt tôi vào con đường chứng khoán. Lúc đó tôi chỉ theo dõi cho vui còn bố tôi cũng chỉ là một nhà đầu tư F0 chính hiệu. Nhưng dưới con mắt của tôi, chứng khoán có gì đó đơn thuần là các bài toán, mà đã là bài toán thì chắc chắn sẽ có cách giải.
Thực tế, tôi là học sinh chuyên Toán và nằm trong Đội tuyển thi quốc gia; nên bài toán chứng khoán trong mắt tôi có thể còn không khó bằng các bài thi học sinh giỏi. Vì vậy, tôi giữ cho mình ý tưởng sẽ dùng toán học để chinh phục thị trường chứng khoán. Những người theo đuổi Toán thường mong muốn sẽ để lại một công trình gì đó và tôi cũng muốn làm như vậy. Tuy nhiên, động lực thực sự lại xuất phát từ việc bố tôi sau này thua lỗ khá nhiều và tôi phải mang trên mình trọng trách "vào thị trường và lấy lại tiền cho gia đình".
Bạn đã bắt đầu như thế nào để thực hiện lời hứa?
Vào đại học, việc đầu tiên tôi làm là thi vào CLB Chứng khoán SIC của Đại học Ngoại thương. Tôi sớm trở thành Phó chủ tịch CLB và phụ trách toàn bộ mảng chuyên môn. Tôi có khá nhiều thành tích thời sinh viên và từng vô địch một cuộc thi chứng khoán. Điều đó làm tôi cảm thấy rất tự tin với kiến thức đầu tư của mình.
Giữa năm 2013, tôi đi thực tập tại CTCK VNDIRECT. Tôi được một người anh giới thiệu đọc cuốn "Làm giàu qua chứng khoán" của William J. O’neil. Đây là cuốn sách giúp tôi hiểu rõ bản chất của thị trường chứng khoán từ đó hình thành tư duy đầu tư một cách có hệ thống. Tôi coi đó là một "sự giác ngộ tư duy đầu tư đúng đắn" mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng nên có.
Sau khoảnh khắc "khai sáng", tôi đọc nhiều cuốn sách khác nhau về đầu tư và bắt đầu tự xây dựng cho mình một hệ thống đầu tư "có vẻ hoàn hảo". Tôi đặt tên nó là "Easy Money", một cái tên có ý nói rằng kiếm tiền trên thị trường chứng khoán thật dễ dàng. Đó là một suy nghĩ rất "ngông" và "ngây thơ" của tuổi trẻ. Không phải mất quá nhiều thời gian để tôi gặp biến cố đầu tiên trong cuộc đời.
Biến cố đó như thế nào?
Đầu năm 2014, tôi ra trường và chính thức vào làm Broker tại CTCK VNDIRECT. Thị trường khi đó rất thuận lợi, chỉ số VN-INDEX tăng hơn 20% chỉ trong 3 tháng. Và tôi đã kiếm được những khoản tiền đầu tiên.
Trong thị trường tài chính, khi bạn làm tốt tự khắc sẽ có nhiều người tìm đến bạn. Phần đông là người quen, bạn bè, họ hàng… Mà họ đều là F0 nên tôi dù vai trò chỉ là tư vấn nhưng không khác gì "đầu tư hộ" cho tài khoản của họ. Tổng tài sản tôi quản lý trực tiếp có lúc là hơn 10 tỷ đồng.
Thời gian đầu, tôi thấy vui vì được mọi người tin tưởng nhưng dần dần tôi thấy áp lực vô cùng bởi dù sao mình cũng chỉ là cậu sinh viên mới ra trường có vài tháng. Áp lực phải tìm kiếm cơ hội làm tôi bắt đầu tìm đến những "cổ phiếu hàng nóng, "cổ phiếu lái". Một trong những cổ phiếu hot nhất giai đoạn đó chính là FLC.
Và điều gì đến cũng phải đến. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông đã làm thị trường "sập" nặng và các "cổ phiếu hàng nóng" cũng sập theo. Nhưng vì nghe theo "đội lái" nên tôi vẫn quyết tâm giữ. Có điều sức chịu đựng của con người là có hạn, khi cổ phiếu giảm 10% - 20% có thể bạn vẫn lỳ không bán nhưng đến lúc giảm 30% - 40% bạn sẽ buộc phải bán. Và sau đó tôi bán gần như là đúng đáy.
Bạn mất gì và được gì sau biến cố đó?
Đầu tiên là mất tiền, rất nhiều tiền. Thứ hai là mất niềm tin. Và thứ ba là mất đi mấy năm tuổi trẻ.
Sau biến cố đó, có những người chấp nhận thua lỗ và rút tiền ra. Nhưng cũng có những người vẫn tiếp tục đặt hy vọng vào tôi. Có điều tôi đã không bao giờ giúp họ lấy lại được toàn bộ. Mấy năm tuổi trẻ, tôi cứ mãi loay hoay tìm cách gỡ lại mà không được. Có lẽ bởi cú sốc sau biến cố là rất lớn và khi niềm tin đã mất, bạn rất khó lấy lại sự tự tin.
Cuối cùng, sau 2 năm vô vọng tôi quyết định trả lại toàn bộ các tài khoản và hứa đền bù một phần tiền cho họ. Tròn 24 tuổi tôi ôm nợ hơn 1 tỷ tiền đền.
Thời gian sau đó, tôi dần lấy lại được tinh thần và niềm vui cuộc sống. Tôi học được rằng đôi khi phải chấp nhận thất bại để trao cho mình một sự khởi đầu mới. Tôi cũng đã dành thời gian để nhìn nhận lại mọi thứ.
Thực tế, năm xưa tôi nghĩ mình thất bại vì nghe theo "đội lái" nhưng nguyên nhân thực sự không phải vậy. Nguyên nhân chính là bởi "cái tôi cá nhân" và "cảm xúc". Mỗi con người chúng ta đều sẵn có trong DNA cả 2 thứ đó. Khi "cái tôi cá nhân" và "cảm xúc" bắt đầu chiếm quyền kiểm soát, bạn sẽ tự động xuất hiện cơ chế bảo vệ cho những quyết định sai lầm của mình một cách cố chấp dù bạn biết rõ là sẽ thua lỗ nặng nề.
Tôi rút ra rằng cuộc chiến với "cái tôi cá nhân" và "cảm xúc" là 2 điều khó khăn nhất để chiến thắng trên thị trường chứng khoán.
Ý tưởng ra đời Finbox là gì?
Nhà đầu tư huyền thoại George Soros từng nói: "Nếu đầu tư là giải trí, nếu bạn cảm thấy vui vẻ, có lẽ bạn không kiếm được tiền. Đầu tư tốt nhất nên là công việc nhàm chán".
Đa số các nhà đầu tư thua lỗ là bởi họ đã để "cái tôi cá nhân" và "cảm xúc" tham gia vào quá trình đầu tư. Một cách chân thật với chính mình, phải thừa nhận rằng chúng ta không thể nào chối bỏ "cái tôi cá nhân" và "cảm xúc" bởi đơn giản chúng ta đều là con người và đó là bản chất của con người, không có ngoại lệ.
Vậy nên, để giải quyết triệt để vấn đề này tôi và một vài cộng sự đã phát triển một ý tưởng gốc là tiền đề cho sự ra đời của Finbox đó là "hãy để máy tính đầu tư thay cho con người". Bởi máy móc thì không có "cái tôi cá nhân", không bị chi phối "cảm xúc" bởi lòng tham hay nỗi sợ hãi.
Về góc độ chuyên môn, máy tính hoàn toàn làm được những thứ mà một nhà đầu tư hay nhà phân tích chứng khoán đang làm. Khả năng xử lý và phân tích dữ liệu của máy tính cũng ưu việt hơn so với con người. Mọi thứ đều là những con số và làm việc với những con số là "sở trường" của máy tính. Niềm tin của tôi từ khi còn là cậu học sinh chuyên Toán vẫn không có gì thay đổi, bài toán chứng khoán sẽ có cách giải, thậm chí là nhiều cách giải - bằng công nghệ.
Mục tiêu của Finbox là gì?
Sau dịch Covid, xu hướng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán ngày càng nở rộ trên toàn Thế giới. Nổi bật trong số đó là hàng triệu nhà đầu tư F0 lần đầu tiên tiếp cập với khái niệm chứng khoán. Dù họ là người mới nhưng không thể phủ nhận họ có sự năng động của một thế hệ mới - thế hệ nhà đầu tư 4.0.
Từ trước đến nay, cuộc chơi trên thị trường chứng khoán vẫn chủ đạo là của các quỹ lớn. Họ có tiềm lực về tài chính, nhân sự, công nghệ và lợi thế thông tin. Nhà đầu tư cá nhân gần như luôn đi sau họ. Chúng tôi muốn thiết lập lại cuộc chơi công bằng hơn giữa nhà đầu tư cá nhân và các quỹ lớn. Các quỹ lớn có những công cụ gì, Finbox sẽ trang bị cho nhà đầu tư cá nhân một công cụ tương đương.
Điểm đặc biệt của Finbox là gì?
Finbox là sự kết hợp giữa Finance (tài chính) và Box (chiếc hộp). Bạn sẽ có mọi công cụ trong một chiếc hộp tài chính.
Chúng tôi đã phát triển hàng chục công cụ mạnh cho các nhà đầu tư. Bạn có thể vào Finbox để lọc và tìm kiếm các cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí mà mình quan tâm giữa 1700 cổ phiếu trên thị trường. Có thể săn các tin liên quan từ hàng chục trang báo, diễn đàn, mạng xã hội… Có thể đánh giá nhanh một cổ phiếu dựa trên Rating và hệ thống phân tích tự động.
Đặc biệt, giá trị của Finbox còn nằm ở hệ thống thuật toán đã được kiểm chứng hiệu quả từ năm 2018 cho đến nay. Với Finbox, mọi thứ đều công khai nên bạn có thể kiểm nghiệm trực tiếp trên website và app di động. Từ hệ thống thuật toán này, Finbox giúp nhà đầu tư có thể xác định xu hướng thị trường, tín hiệu điểm mua, điểm bán, chờ mua, chờ bán, tích lũy, phân phối, vượt đỉnh, phá đáy… Bạn cũng sẽ nhận được notification ngay lập tức khi có tín hiệu.
Finbox cũng rất coi trọng trải nghiệm người dùng. Định hướng ngay từ đầu của chúng tôi là biến việc đầu tư chứng khoán thường vô cùng phức tạp và khô khan thành một việc vô cùng đơn giản và thú vị, ai cũng có thể làm được.
Và toàn bộ quá trình phân tích và đầu tư giờ chỉ cần thực hiện qua vài cú click chuột hoặc vuốt smartphone, trong vài phút.
Có phải nhờ Finbox, bạn đã trả hết nợ và có 1 triệu USD đầu tiên?
Giai đoạn 2017 - 2018 là giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội đó. Các ngân hàng có dịch vụ vay tín chấp qua bảng lương. Tôi vay từ 2 ngân hàng được 430 triệu và đầu tư vào các mã như VND, MBB, PNJ, VCS… Chỉ số VN-INDEX tăng một mạch từ 700 lên 1200. Đa số các Bluechips đều tăng x2, x3. Trong 2 năm tôi dần trả hết các khoản nợ.
25/12/2017 cũng là ngày Finbox ra mắt phiên bản web đầu tiên. Dù chỉ là phiên bản beta nhưng cũng đã có hàng nghìn người đăng ký sử dụng. Chúng tôi có được doanh thu gần như ngay lập tức.
Tôi cũng hoàn thiện phương pháp đầu tư của mình và thay đổi tư duy sang đầu tư chủ động. Tôi nhận thấy, trong bất cứ giai đoạn thị trường nào kể cả downtrend cũng vẫn có cơ hội. Chỉ cần cổ phiếu vào đúng bài của mình và quan trọng nhất đấy là cổ phiếu mạnh nhất thị trường trong giai đoạn đó.
Tư duy đầu tư của tôi gói gọn trong 8 chữ "tìm mã mạnh nhất trong dòng mạnh nhất".
Tôi lấy ví dụ như đợt downtrend nặng nhất của thị trường là giai đoạn tháng 3/2020 sau tin Covid. Khi mà nhìn đâu cũng thấy tiêu cực thì thị trường xuất hiện mã ngược dòng là DBC. Thanh khoản DBC mới đầu chỉ vài trăm nghìn mỗi phiên tăng vọt lên vài triệu. Giá thịt lợn tăng giúp DBC có lợi nhuận tăng đột biến liên tiếp 2 quý bất chấp dịch bệnh. DBC sau đó tăng x3 chỉ sau 2 tháng.
Thương vụ thành công nữa của tôi là VND. Tôi không mua được VND ở đáy mà mua khi cổ phiếu đã gần như x3. Nhưng điều đó không thành vấn đề, tư duy của tôi không phải là "mua đáy bán đỉnh" mà là "mua cao bán cao hơn", cố gắng ăn được đoạn chạy mạnh nhất của cổ phiếu. Và giai đoạn sau Covid thì dòng Chứng khoán đã là dòng mạnh nhất thị trường và VND cũng là cổ phiếu mạnh nhất.
Tìm ra cổ phiếu mạnh nhất thực ra không hề khó, bạn có thể dùng chỉ báo "sức mạnh dòng tiền" trên Finbox là tìm được. Điều quan trọng, bạn phải dám hành động khi thấy tín hiệu. Tôi cũng lưu ý mọi người là "cổ phiếu mạnh nhất" chưa hẳn là "cổ phiếu tốt nhất" trong dòng. Nhưng cũng cần loại đi các cổ phiếu yếu kém hoặc quy mô nhỏ, thanh khoản thấp.
Mất nhiều năm để vượt qua biến cố, tự đứng dậy và dần hoàn thiện phương pháp và tư duy, thành quả cũng được đền đáp xứng đáng. Năm 2020 tưởng là năm nhiều sóng gió do Covid nhưng lại là năm tôi mua được nhà, xe sang. Khi Finbox được định giá 2 triệu USD thì tôi cũng chạm được mốc 1 triệu USD đầu tiên.
Bạn có thể nói sâu hơn về tư duy đầu tư của mình? Bạn theo trường phái phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật?
Trường phái đầu tư của tôi là sự kết hợp một cách có hệ thống của 4 yếu tố:
- Phân tích cơ bản (lựa chọn cổ phiếu)
- Phân tích kỹ thuật (xác định tín hiệu)
- Phân tích thông tin (chất xúc tác)
- Chiến lược đầu tư chủ động (kiểm soát hành động)
Trong đó, tôi quan trọng nhất yếu tố thứ 4 nên có thể gọi trường phái của tôi là "đầu tư chủ động". Trường phái này đề cao sự chủ động trong các quyết định hành động dựa trên một hệ thống các quy tắc đầu tư đã được quy chuẩn, không để bị chi phối bởi cảm xúc hay sự chần chừ, thiếu quyết đoán.
Bạn biết không, đa số các nhà đầu tư bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tốt nhất là bởi sự chần chừ. Tại thời điểm quyết định, họ cứ do dự "tôi có nên mua không?", "mua giá này có cao không?", "liệu cổ phiếu có điều chỉnh lại?"… Đến lúc trả lời xong thì cổ phiếu đã tăng trần mất rồi. Trường phái của tôi sẽ giúp họ khắc phục điều đó.
Nhiều người nói rằng, Covid khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, chỉ riêng những người chơi chứng khoán là giàu nhanh, ăn bằng lần, có đúng không?
Tôi nghĩ quan điểm này có phần nào là đúng. Thực tế thì đa số nhà đầu tư chứng khoán đang kiếm được tiền kể từ thời điểm bắt đầu dịch Covid. Tất nhiên không phải ai cũng giàu nhanh, ăn bằng lần nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp tốt đã tăng bằng lần từ đáy 2020 như DGC (+1.000%), SSI (+570%), HPG (+470%), DPM (+450%)…
Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành mà ai cũng biết nên không quá khó để tìm ra. Ngoài ra, theo thống kê thì có đến 148 cổ phiếu giúp tài khoản tăng trên 100% trong năm 2020. Đó là con số khá lớn trong một năm đại dịch.
Mặc dù Covid khiến nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng chủ yếu đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mà các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán đa số là doanh nghiệp lớn. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp lớn cũng bị giảm doanh thu và lợi nhuận nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp lớn có thể gia tăng được thị phần do nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã rời bỏ đường đua.
Vậy nên tôi cho rằng đầu tư chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả.
Chứng khoán có đang đi xa so với sự phát triển của kinh tế thực không?
Tôi cho rằng chứng khoán chưa bao giờ phản ánh chính xác sự phát triển của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán thường diễn biến một cách lạc quan thái quá trong uptrend và bi quan thái quá trong downtrend.
Khái niệm chính xác hơn đó là sự phản ánh kỳ vọng. Mà kỳ vọng của nhà đầu tư thì có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Cũng là câu chuyện Covid, có nhà đầu tư thì bi quan khi nhìn vào hiện tại nhưng có nhà đầu tư lại lạc quan khi nhìn về tương lai. Kỳ vọng của nhà đầu tư phụ thuộc vào thứ mà họ đang nhìn vào.
Một yếu tố nữa đó là cung - cầu. Như giai đoạn hiện tại, chứng khoán đang là kênh đầu tư hút được lượng tiền lớn tham gia. Khi cung vượt quá cầu, dù kỳ vọng có thể vẫn thế nhưng thị trường sẽ phải chấp nhận mua đắt hơn vì đâu còn ai bán giá thấp.
Vậy nên, đối với tôi việc đánh giá thị trường có đang đi cùng sự phát triển của nền kinh tế hay không chỉ mang tính tương đối, điều quan trọng là bạn phải tìm được những cơ hội đầu tư thực sự đúng với phương pháp của mình.
Là một thành phần của TTCK, bạn nhìn nhận tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thời điểm này khác gì thời điểm bạn mới bắt đầu tham gia TTCK?
Tôi thấy tâm lý nhà đầu tư đã có nhiều sự chuyển biến tích cực so với thời điểm tôi bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán. Điều này có được là nhờ vào việc họ đã tự trang bị cho mình những kiến thức và công cụ hỗ trợ cần thiết cho quá trình đầu tư.
Nhiều người đã dần từ bỏ các cổ phiếu lái lởm, các cổ phiếu thua lỗ yếu kém… để chuyển sang đầu tư nhiều hơn vào những cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng tốt, những doanh nghiệp đầu ngành.
Nhiều người cũng đã biết tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp nhiều hơn, quan tâm đến giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và tầm nhìn người lãnh đạo chứ không chỉ "soi" đồ thị hay bảng giá để "lướt sóng".
Chính những thay đổi đó đang đem lại sự phát triển bền vững hơn cho thị trường.
Mục tiêu của bạn thời gian tới là gì?
Hiện tại, Finbox đã có gần 40.000 người dùng. Là 1 trong các công cụ hỗ trợ đầu tư được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Riêng về mảng cố vấn đầu tư tự động, chúng tôi tự tin mình đang dẫn đầu. Mục tiêu của chúng tôi trong 1 năm tới là tăng số lượng người dùng đạt mốc 150.000.
Cuối năm 2021, chúng tôi sẽ ra mắt 2 sản phẩm mới trong hệ sinh thái Finbox là Finbox Academy - Nền tảng Học viên đầu tư thông minh và Finbox Wealth - Nền tảng quản lý tài sản tự động. Và sang năm 2022, Finbox sẽ có phiên bản dành cho Coin.
Một lời khuyên cho F0 lúc này là gì?
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, quá trình chuyển đổi sẽ đến sớm và không thể hình dung công nghệ sẽ thay đổi những gì trên thị trường chứng khoán. Bạn phải đủ nhanh nhạy và biết cách khai thác tối đa sức mạnh công nghệ để tạo sự khác biệt cho chính mình.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]