Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Với mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNVV trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho DNNVV về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực phát triển như: vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường. Trong đó, nguồn vốn tín dụng NH có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DNNVV từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt từ tháng 5/2012, NHNN quy định trần lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV, thấp hơn khoảng 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Theo đó, lãi suất tối đa được điều chỉnh giảm từ 15%/năm xuống 7%/năm và lãi suất cho vay hiện nay chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006.
Lãnh đạo một NHTM từng chia sẻ, DNNVV là một trong những nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế nói chung và đồng thời cũng trở thành đối tác lâu dài của các NH. Do đó, nguồn vốn cho lĩnh vực DNNVV luôn được các NH ưu tiên.
Về phía các TCTD, nhận thức được tầm quan trọng của đối tượng khách hàng là các DNNVV đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh NH nói riêng, nhiều TCTD đã xây dựng chính sách khách hàng riêng để cho vay các DNNVV.
Các sản phẩm dịch vụ đi kèm với hoạt động tín dụng đối với các DNNVV ngày càng đa dạng, tiện ích như hoạt động cho vay thấu chi qua tài khoản, thực hiện bảo lãnh, thanh toán quốc tế, bao thanh toán, tư vấn đầu tư, tài trợ xuất nhập khẩu… đã góp phần tạo lòng tin và mối quan hệ gắn bó giữa NH và các DNNVV.
Quy trình, thủ tục cấp tín dụng đối với DNNVV ngày càng đơn giản, phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng, đồng thời, các TCTD còn chủ động tư vấn và liên kết các DNNVV với nhau để tạo ra một chu kỳ sản xuất kinh doanh theo chuỗi và vay vốn khép kín từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung vốn đầu tư cho các DNNVV hoạt động kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt nếu các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao; và nông nghiệp, nông thôn, các địa bàn thuộc vùng khó khăn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.
Đồng thời đầu tư tín dụng của các TCTD sẽ tập trung cho vay các DNNVV gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn, làng nghề truyền thống…
Các chuyên gia cũng nhận định, mở rộng tín dụng cho các DNNVV trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, phát triển bền vững trong hoạt động của các TCTD, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng để khai thác tối đa nguồn lực hiện có phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc cần có hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện cho DNNVV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho biết, song song với làm 2 luật là Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị với Chính phủ và Chính phủ đã đồng thuận để trình lên Quốc hội luật mới, Luật Hỗ trợ DNNVV.
Tuy nhiên, số lượng làm luật của nhiệm kỳ này quá nhiều nên Quốc hội đã quyết định chuyển luật này sang bắt đầu từ năm 2016. Như vậy cùng với những chính sách tín dụng ưu đãi từ NH, việc “luật hóa” những hỗ trợ cho DNNVV sẽ giúp các DN này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]