The Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố báo cáo Triển vọng các ngành kinh tế 2016, nêu bật những phân tích và dự báo về triển vọng các ngành ô tô, bán lẻ, năng lượng, tài chính, y tế và viễn thông. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn phần nói về ngành y tế.
2015 là năm mà ngành dược phẩm chứng kiến các vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay, đỉnh điểm là thương vụ mua lại Allergan trị giá 160 tỷ USD của Pfizer. Động lực đằng sau M&A đến từ nhu cầu tiết kiệm chi phí và né thuế nhằm chuẩn bị cho chính sách thắt chặt chi tiêu y tế trên toàn thế giới.
Chi tiêu y tế sẽ gia tăng ở hầu hết các khu vực trong năm 2016 do được thúc đẩy bởi tình trạng già hóa dân số cũng như việc ra mắt các loại thuốc và công nghệ mới cùng với những nỗ lực mở rộng tiếp cận y tế cho người dân. Tuy nhiên, các nước đang thắt chặt việc kiểm soát chi phí do ngân sách phải trang trải hệ thống y tế phổ cập quá hào phòng.
Châu Âu và Mỹ Latinh vẫn đang bị đè nặng bởi những biến động tiền tệ và áp lực tài chính. Còn ở Mỹ, việc thực thi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) đóng vai trò then chốt. EIU dự đoán chi tiêu y tế của Mỹ tăng khoảng 4,5% tính theo danh nghĩa trong năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Điều này phản ánh sự thành công của các cải cách năm 2010 nhằm mở rộng tiếp cận y tế: tỷ lệ công dân Mỹ không có bảo hiểm đã giảm từ khoảng 20% trong năm 2009 xuống gần 12% trong năm 2015.
Mặc dù vậy, Obamacare phải đối mặt với các thách thức mà chỉ hiển hiện trong năm 2016. Các khoản tiền phạt đối với 32 triệu người không có bảo hiểm được dự kiến leo thang mạnh. Điều này sẽ gây ra sự phản đối trong dân chúng. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với đạo luật này có thể là thắng lợi của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2016. Obamacare sẽ chịu nhiều công kích hơn bao giờ hết.
Mỹ là thị trưởng y tế quan trọng nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Ở Trung Đông, bất chấp bất ổn chính trị và doanh thu dầu mỏ sụt giảm, UAE và Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục tiến tới cung cấp y tế phổ cập bằng việc đầu tư vào bệnh viện và các hạ tầng y tế khác. Iran cũng có mục tiêu mở rộng bảo hiểm cho 10-15 triệu công dân không có bảo hiểm: chi tiêu sẽ tăng trong năm 2016 do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này được dỡ bỏ.
Ở Châu Á, một vài chính phủ đang mở rộng tiếp cận y tế thông qua mở rộng bảo hiểm hoặc các chương trình do chính phủ triển khai. Trung Quốc có mục tiêu cung cấp y tế “an toàn, hiệu quả, thuận tiện và vừa túi tiền” cho toàn bộ người dân trước năm 2020 trong khi Indonesia đang tìm cách thiết lập hệ thống y tế phổ cập trước năm 2019. Pakistan và Philippines dự báo sẽ tăng chi tiêu y tế ở mức hai con số với sự hỗ trợ của đầu tư công trong khi các nước thậm chí còn nghèo hơn như Bangladesh và Cambodia cũng sẽ mở rộng tiếp cận y tế.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu tăng chi tiêu y tế công từ mức 1,2 % hiện tại lên mức tương đương 2,5% GDP trong vòng năm năm. Nước này có kế hoặc liên kết nhiều chương trình bảo hiểm y tế và trợ cấp nhẳm cung cấp thuốc, dịch vụ chẩn đoán và bảo hiểm miễn phí đối với nhiều bệnh cho toàn bộ 1,26 tỷ dân. Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee đã tuyên bố vào tháng 4 năm 2015 rằng mục tiêu cuối cùng là thiết lập một hệ thống y tế phổ cập dựa trên bảo hiểm.
Tập trung vào giá trị
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể không chỉ có tăng trưởng tích cực của các công ty y tế và dược phẩm. Các nỗ lực của khu vực Mỹ Latinh nhằm củng cố hệ thống y tế dàn trải đang bị kìm hãm bởi các yếu kém kinh tế. Ở Nga, nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm cho đến cuối năm 2016, điều này phản ánh thực trạng giá dầu toàn cầu vẫn sẽ thấp. Bất chấp việc đã rút ra các quỹ dự trữ, chính phủ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu y tế tổng cộng 22,9% trong ba năm tới.
Ở Trung Quốc, mặc dù tiếp cận với y tế đang mở rộng, các công ty phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh kinh tế giảm tốc và chính sách thay đổi. Việc trấn áp tham nhũng ở GlaxoSmithKline và các công ty khác đã diễn ra sau một lệnh cấm đối với những bệnh viện và bác sĩ kiếm tiền từ thuốc và dịch vụ cùng với việc cải tổ phân phối và giải phóng hầu hết giá thuốc. Doanh số bán các loại thuốc phổ biến sẽ giảm mạnh và những điều chỉnh đớn đau sẽ diễn ra trong năm 2016.
Để đối phó với nhu cầu tăng, già hóa dân số và áp lực tiền lương, chính phủ các nước châu Âu sẽ phải tập trung vào cải thiện hiệu suất của hệ thống y tê. Chi tiêu cho dược phẩm, phòng ngừa dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe sẽ chịu tác động chính của việc cắt giảm.
Thời của đóng thuế
Ireland đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp dược phẩm khi nhiều doanh nghiệp trên thế giới dời đến nước này để tận dụng thuế suất doanh nghiệp thấp. Hơn 120 doanh nghiệp dược phẩm hiện nay có mặt tại Ireland và dược phẩm chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước này. Pfizer, sau khi mua lại Allergan đã có ý định dời trụ sở đến đây trong năm 2016.
Tuy nhiên, sự phản đối các thương vụ lách thuế này sẽ gia tăng trong năm nay. Mặc dù việc dùng luật để trấn áp hoạt động này còn khó khăn, vẫn có những giải pháp khác để ngăn chặn. Nói cho cùng, ngành công nghiệp dược phẩm vốn dựa trên nghiên cứu phải phụ thuộc vào chính phủ để bảo vệ hệ thống bảo hộ sáng chế, quyền thương mại quốc tế và mua bán sản phẩm. Thương vụ Pfizer-Allergan sẽ thúc đẩy nhiều lời kêu gọi hạ giá thuốc ở Mỹ nếu nước này không còn hưởng lợi từ ngành công nghiệp dược phẩm mạnh và sáng tạo nữa.
Ở các lĩnh vực khác trong ngành y tế cũng có áp lực gia tăng liên kết nhằm đối phó với việc kiểm soát chi phí của chính phủ và những rủi ro mới. Theo McKinsey, chỉ một phần ba công ty bảo hiểm ở Mỹ có lãi trong năm đầu tiên bước vào thị trường nơi mà các chính sách bảo hiểm cá nhân được thực hiện theo đạo luật Obamacare. Bất chấp các điều chỉnh về giá, UnitedHealth đã thừa nhận hãng này có thể phải rút lui khỏi thị trường. Sự cần thiết của tính kinh tế theo quy mô đã thúc đẩy những vụ M&A gần đây trong ngành bảo hiểm trong năm qua khi Aetna mua Humana, Anthem mua Cigna và UnitedHealth mua Catamaran. Sẽ có nhiều vụ M&A nữa trong năm 2016.
Trông đợi gì trong năm 2016 • Cải tổ thuốc: Nhật Bản đang xem xét triển khai đánh giá kinh tế với các loại dược phẩm khi đợt rà soát giá thuốc tiếp theo trong năm 2016 sẽ được xem là ngày triển khai chương trình. Điều này sẽ nêu bật khác biệt về giá giữa thuốc hết thời hạn bảo hộ và thuốc còn thời hạn bảo hộ cũng như loại bỏ một số loại thuốc khỏi danh sách hoàn tiền của Nhật Bản. • Từ củ cà rốt đến cây cậy: Số tiền phạt do không đóng bảo hiểm y tế ở Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm 2016 lên 2,5% thu nhập đóng thuế hoặc tối thiểu 625 USD đối với người trưởng thành và 347,50 USD đối với trẻ em. Yêu cầu với nhà tuyển dụng cũng được triển khai ở các công ty có từ 50-99 nhân sự toàn thời gian, nghĩa là chỉ các công ty nhỏ mới được miễn đóng bảo hiểm. • Sự hoành hành của bệnh Alzheimer: Năm 2016 sẽ chứng kiến các sáng kiến mới trong nghiên cứu bệnh Alzheimer ở cả Mỹ và Châu Âu, một phần nhờ hỗ trợ vốn của nhà nước tăng. Eli Lilly, Biogen và Anavex Life Sciences nằm trong số những công ty dược phẩm sẽ đưa ra các báo cáo về dữ liệu thử nghiệm thuốc quan trọng trong năm tới mặc dù các loại thuốc đặc hiệu đầu tiên sẽ không được được phê chuẩn cho đến sớm nhất là năm 2017. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]