Lợi nhuận nghìn tỷ
Có thể nói, 2017 là một năm khá thành công với ngành ngân hàng khi hàng loạt các nhà băng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2016.
Như thường lệ, với lợi thế về tài sản, quy mô, ba “ông lớn” có vốn nhà nước vẫn là những nhà băng có lợi nhuận khủng nhất.
Hiện, vị trí quán quân đang thuộc về Vietcombank với mức lợi nhuận trước lên tới gần 11.337 tỷ đồng, tăng trưởng 32,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngân hàng đã vượt hơn 23% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đứng thứ hai là ngân hàng Vietinbank khi ghi nhận lợi nhuận gần 9.206 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm trước.
Với mức lãi 8.800 tỷ đồng năm 2017, tăng 14,2% so với cùng kỳ, BIDV đang là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ ba trong hệ thống.
Trong khi đó, nhờ đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng, VPBank vươn lên vị trí thứ 4 trong hệ thống với tổng lợi nhuận trước thuế 8.126 tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng gần 65% so với năm trước.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Sacombank đang là ngân hàng có sự “lột xác” lớn nhất khi ghi nhận lợi nhuận gấp tới 9,5 lần so với mức đạt được trong năm 2016, đạt hơn 1.488 tỷ đồng.
Với kết quả này, ngân hàng đã vượt gấp 3 lần so với kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm (500 tỷ đồng).
Các nhà băng khác như Eximbank, Techcombank, VIB cũng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Cổ phiếu trở lại “thời vàng son”
Cùng với kết quả kinh doanh tăng mạnh, năm 2017 cũng đánh dấu một năm trở lại ngoạn mục của “cổ phiếu vua”.
Theo đó, nếu không tính BacABank mới đăng ký giao dịch hôm 28/12/2017, thì bình quân giá cổ phiếu của 13 ngân hàng đang giao dịch trên các sàn HNX, HSX và UPCoM đã tăng khoảng 60% trong năm 2017, cao hơn mức tăng trung bình toàn thị trường là 43%.
Một số cổ phiếu nhiều năm liền luôn duy trì ở mức dưới mệnh giá như NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân thì trong năm 2017 cũng có sự trỗi dậy khá mạnh mẽ khi nhiều phiên tăng kịch trần và vượt thành công ngưỡng 10.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 6. Dù sau đó có phiên điều chỉnh giảm nhưng kết thúc năm 2017, giá cổ phiếu này vẫn có mức tăng khá ấn tượng, gần 58%.
Tương tự, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội cũng liên tục có xu hướng đi lên trong năm qua. Nếu như đầu năm 2017, cổ phiếu này có khởi đầu khá tệ khi duy trì ở mức hơn 4.000 đồng/cổ phiếu thì kết thúc năm 2017, giá cổ phiếu SHB đã vọt lên 9.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 97% trong năm.
Các cổ phiếu như MBB, ACB,.. cũng có mức tăng ấn tượng khi đạt lần lượt 84% và 71% trong năm qua.
Việc dòng tiền liên tục đổ dồn vào cổ phiếu ngân hàng khiến giá tăng vọt trong thời gian qua khiến nhiều ý kiến lo ngại cổ phiếu ngành này sắp đến thời kỳ… bong bóng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong năm qua, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, chính vì vậy, cổ phiếu ngành này trở nên hấp dẫn hơn.
“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng khá tốt, câu chuyện tái cơ cấu các TCTD, xử lý nợ xấu cũng được thúc đẩy nhanh hơn sau Nghị quyết 42, Đề án 1058. Trong khi đó, mảng tài chính tiêu dùng, bán lẻ của các nhà băng đang tăng trưởng khá cũng tạo đà tốt cho năm 2018”, ông Lực nói.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng đang có cơ hội phục hồi khá nhanh.
“Nếu như trong năm 2016, ROE của toàn hệ thống chỉ quanh mức khoảng 7% thì đến năm 2017, con số này đã lên đến hơn 11%, cá biệt tại một số ngân hàng con số này còn lên tới hơn 20% nên đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư”, TS. Nghĩa nói.
Cũng theo chuyên gia, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự quan tâm lớn đến hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nguyên nhân là do họ nhận thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng tốt nên đầu tư vào khu vực tài chính là lựa chọn hàng đầu do đây là khu vực tạo ra lợi nhuận nhanh trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng và phục hồi hiện nay.