09 nhà đầu tư lớn nhất TTCK Việt Nam, nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá hơn 1 tỷ USD
Tháng 8/2016, theo thống kê trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 8 tổ chức và cá nhân đang sở hữu lượng cổ phiếu niêm yết trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Nhóm này bao gồm 1 cá nhân, 2 Bộ ngành, 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 3 nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ Tài chính, nhóm Dragon Capital, F&N Dairy Investment, Mizuho Bank và một cá nhân duy nhất là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vingroup.
Từ đó đến nay, với sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đưa các doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán, câu lạc bộ những nhà đầu tư tỷ đô đã tăng thêm 2 Bộ. Không những thế, câu lạc bộ cũng xuất hiện thêm một cá nhân đang được nhắc đến gần đây với tên gọi “Tỷ phú đô la mới của Việt Nam.”
Cụ thể, với việc Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lên giao dịch trên UPCoM, các Bộ chủ quản là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương đã ghi tên trên bảng danh sách nói trên.
Còn cá nhân tỷ đô mới xuất hiện không ai khác chính là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT của CTCP FLC (mã FLC), cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Faros (ROS).
Trong khi đó, Mizuho Bank và F&N Dairy Investments rời khỏi danh sách do sự giảm giá của cổ phiếu VCB và VNM.
Bộ Giao thông vận tải: 30.800 tỷ đồng (1,4 tỷ USD)
Ngày hôm nay, 21/11/2016, gần 2,17 tỷ cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 25.000 đồng/cp. Ngay lập tức, Bộ Giao thông vận tải – cơ quan nắm 95,4% vốn cổ phần của ACV đã gia nhập danh sách những nhà đầu tư giàu nhất sàn chứng khoán với lượng cổ phiếu trị giá 30.800 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD).
Trong phiên giao dịch đầu tiên, hiện ACV đang tăng trần lên giá 35.000 đồng – nâng giá trị sở hữu của Bộ Giao thông vận tải lên con số 3,2 tỷ USD.
Bộ Công thương: 24.200 tỷ đồng (1,1 tỷ USD)
Trước đó, ngày 28/10/2016, cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 39.000 đồng. Nhanh chóng, BHN trở thành hiện tượng của sàn chứng khoán khi tăng trần 8 phiên liên tục lên mức giá đỉnh 144.000 đồng/cp bất chấp biến động của thị trường.
Tuy nhiên sau 7 phiên giảm gần đây, BHN đã trở về mức giá hơn 100.000 đồng/cp.
Mặc dù vậy, với việc sở hữu gần 82% vốn cổ phần của Habeco, Bộ Công thương cũng đã gia nhập CLB nhà đầu tư tỷ đô. Sắp tới đây, khi Sabeco lên sàn, với việc sở hữu 89,6% vốn, Bộ Công thương chắc chắn sẽ thay đổi vị trí của mình trong danh sách này lên một nấc cao hơn.
Ngân hàng nhà nước: 187.500 tỷ đồng (8,4 tỷ USD)
Sở hữu 77% cổ phần tại Vietcombank, 95% cổ phần tại BIDV và 64,5% cổ phần Vietinbank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) vẫn là nhà đầu tư lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu có trị giá 187.500 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa ngày 18/11/2016).
Nếu so với thời điểm 21/08, giá trị lượng cổ phiếu sở hữu của SBV đã giảm đi nhiều do VCB, CTG và BID đều giảm giá mạnh.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 146.600 tỷ đồng (6,5 tỷ USD)
PetroVietnam đang trực tiếp nắm giữ cổ phần của 11 doanh nghiệp thành viên đang niêm yết; hầu hết số này là những doanh nghiệp thành viên chủ chốt như PV GAS (PVD), PV Drilling (PVD), Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), PTSC (PVS)…
Đáng kể nhất là 95,7% cổ phần của PV GAS, trị giá hơn 123.000 tỷ đồng.
SCIC: 117.800 tỷ đồng (5,3 tỷ USD)
SCIC sở hữu danh mục vài chục cổ phiếu niêm yết nhưng phần lớn giá trị tập trung vào một khoản đầu tư đó là Vinamilk (hơn 89.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, SCIC cũng sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn khác như Dược Hậu Giang, Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT…
Trong kế hoạch thời gian tới, SCIC sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nói trên. Riêng tại Vinamilk, SCIC sẽ thoái 9% ngay trong tháng 12/2016. Tuy nhiên, chưa có thêm thông tin cụ thể nào về hoạt động này.
Ông Trịnh Văn Quyết: 35.400 tỷ đồng (1,6 tỷ USD)
Sở hữu gần 109 triệu cổ phiếu FLC và gần 280 triệu cổ phiếu ROS, ông Trịnh Văn Quyết nhanh chóng trở thành tỷ phú đô la của Việt Nam.
FLC chỉ có giá gần 7.000 đồng nhưng ROS (vừa niêm yết trên HOSE ngày 1/9/2016) thì đã vươn đến mức giá 124.000 đồng và trở thành một trong những cổ phiếu có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán . Theo đó, giá trị tài sản của ông Quyết lên tới 1,6 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng: 30.800 tỷ đồng (1,4 tỷ USD)
Nắm trong tay 724 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng hiện là tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam được Forbes xướng tên trên bản đồ các tỷ phú thế giới.
Vợ ông, bà Phạm Thu Hương cũng đang nắm giữ gần 125 triệu cổ phiếu VIC.
Bộ Tài chính: 29.700 tỷ đồng (1,3 tỷ USD)
Bộ Tài chính chỉ sở hữu duy nhất 1 khoản đầu tư đó là 70,9% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Các quỹ Dragon Capital: 22.800 tỷ đồng (1 tỷ USD)
Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ cách đây 21 năm, hiện Dragon Capital đang quản lý một số quỹ như Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), Vietnam Property Fund (VPF), Vietnam Equity (UCITS) Fund… với tổng giá trị tài sản ròng đạt trên 1 tỷ USD. Riêng quỹ VEIL – quỹ vừa được Bill Gates đầu tư – có quy mô hơn 950 triệu USD.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]