Sacombank hiện niêm yết hơn 1,88 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE (tương đương 18.852 tỷ đồng), với giá tham chiếu trong phiên giao dịch ngày hôm nay là 11.650 đồng mỗi cổ phiếu.
Đỉnh cao và vực sâu
STB là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, 189,9 triệu cổ phiếu STB chào sàn HOSE trong phiên giao dịch 12/7/2006, với giá đóng cửa trong phiên giao dịch này là 78.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Lên sàn thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ, STB không khó để chinh phục các mốc giá cao. Đến phiên giao dịch ngày 22/5/2007, STB lên đỉnh lịch sử: 168.000 đồng mỗi cổ phiếu.
STB có thời điểm lên tới 168 đồng/cổ phiếu và cũng có lúc chỉ còn 7.000 đồng/cổ phiếu. |
Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán bước vào đợt suy giảm kéo dài do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007, STB cũng lao dốc mạnh. Có thời điểm mã này chỉ còn 13.000 đồng mỗi cổ phiếu ở phiên giao dịch ngày 24/2/2008.
Sau thời gian ngụp lặn trong khó khăn, STB dần hồi phục và giao dịch trong khoảng giá 20.000-30.000 đồng mỗi cổ phiếu trong giai đoạn 2009-2011.
Đến giữa năm 2011, STB lại bất ngờ lao dốc xuống mức đáy 11.600 đồng/cổ phiếu, do những thông tin liên quan đến kế hoạch thâu tóm Sacombank của nhóm nhà đầu tư nội.
Nhưng STB chỉ thật sự rơi xuống đáy thời điểm cuối năm 2016, với mức giá được giao dịch chỉ còn hơn 7.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Đây là thời điểm Sacombank sắp công bố kết quả kinh doanh năm 2016 với những con số gây thất vọng, do ảnh hưởng từ thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Theo đánh giá của giới đầu tư, Sacombank gánh hết phần thiệt, khi phải nhận một ngân hàng có tỷ lê nợ xấu xu hướng gia tăng và những khoản phải thu với con số khổng lồ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng Sacombank còn bị kéo lùi tăng trưởng trong vài năm sau thương vụ sáp nhập này.
Lộ trình xóa 'vết tích'
Ngoài việc “phế bỏ" tên gọi STB, Sacombank còn lên kế hoạch chuyển niêm yết từ HOSE sang HNX.
So với việc đổi mã chứng khoán, kế hoạch chuyển sàn là điều khiến cổ đông khá bất ngờ. Bởi HOSE luôn là niềm mơ ước đối với các doanh nghiệp có ý định niêm yết cổ phiếu, bởi đây là sàn giao dịch có "level" cao nhất và luôn nhận được sự quan tâm của khối ngoại.
Giải thích về lý do chuyển sàn, lãnh đạo Sacombank cho rằng sắp tới sẽ sáp nhập hai sàn giao dịch. Thế nên, dù niêm yết trên sàn nào thì nhà đầu tư cũng có thể ngồi tại nhà giao dịch. Công nghệ thông tin sẽ giải quyết tất cả và nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý nữa.
Cũng theo Sacombank, dự kiến mất khoảng một tháng để làm các thủ tục, như hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); hủy đăng ký, niêm yết STB tại HOSE, đăng ký chứng khoán SCM tại VSD. Sau đó sẽ mất khoảng một tuần để làm thủ tục niêm yết trên sàn HNX.
Sau một thời gian lình xình, Sacombank đang thể hiện rõ sự tăng trưởng mạnh bằng kết quả kinh doanh và thu nhập của người lao động. Ảnh: Hải An. |
Nếu cổ đông thông qua thì khoảng đầu tháng 12 Sacombank có thể hoàn thành tất cả thủ tục để đổi sàn và chuyển mã. Trong quá trình chuyển sàn có thể ngừng giao dịch vài ngày.
Từ chối sân chơi lớn hay bước lùi chiến lược
Ngay khi Sacombank công bố kế hoạch, đã có nhiều ý kiến phản đối. Thậm chí, nhiều cổ đông còn phản ứng tiêu cực hơn, đó là bán tháo cổ phiếu, khiến cho STB giảm gần 7% trong phiên giao dịch ngày 11/10.
Theo ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT của HOSE, sàn HOSE hiện chiếm hơn 90% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, (tương đương 91 tỷ USD), trong khi HNX chỉ hơn 8 tỷ USD. Như vậy, nếu Sacombank chuyển sàn thì đã từ chối một sân chơi lớn.
Cũng theo ông Trà, STB đang nằm trong rổ chỉ số VN30 mà các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ ETF thường xuyên quan tâm. Nếu doanh nghiệp rời khỏi một vị trí cao hơn để đi đến một vị trí thấp hơn, đương nhiên sẽ bị mất quyền lợi, nghĩa là tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi lớn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là bước đi cần thiết của Sacombank. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), có thể đây là bước lùi chiến lược của Sacombank, để có những bước tiến nhanh và mạnh hơn.
Ông Khánh lấy dẫn chứng từ Ngân hàng Á Châu (ACB) đã lên sàn từ rất lâu rồi và vẫn ở HNX chứ không có ý định chuyển sang HOSE.
Trên thế giới cũng có nhiều công ty có những chiến lược như thế, như Apple, Microsoft, Google, Facebook, Cisco, Dell, Baidu, Oracle niêm yết trên Nasdaq chứ không niêm yết trên sàn New York (NYSE) có quy mô lớn hơn, dù dư tiêu chuẩn.
“Dĩ nhiên có lý do, như Nasdaq tập hợp các cổ phiếu công nghệ nhiều hơn. Nhưng cũng không phải là lý do chính để các công ty khổng lồ quyết định chọn sàn để niêm yết”, ông Khánh lý giải.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]