Giới đầu tư đang chờ cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 16-17/9 để tìm đường hướng cho những quyết định đầu tư của mình.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ khai mạc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào Thứ Tư tới. Khi kết thúc cuộc họp vào ngày Thứ Năm, Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ tổ chức một cuộc họp báo, trong đó có khả năng năng sẽ trao đổi về việc tăng lãi suất của Mỹ lần đầu tiên trong vòng gần 1 thập kỷ.
Thị trường chứng khoán ổn định trở lại vào tuần trước sau đợt xáo trộn do Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ, khiến giới phân tích và đầu tư giảm mức độ hoài nghi về khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng này.
Theo một khảo sát của Bloomberg với 81 nhà phân tích vào cuối tuần trước, khoảng một nửa số người cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất trong tuần này và có 28% khả năng lãi suất sẽ được tăng 0,25 điểm phần trăm.
Theo một chiến lược gia của hãng Bessemer Trust tại Los Angeles, giới đầu tư vẫn thấy khó dự đoán về hành động của Fed do có một số thông tin kinh tế trái chiều, có những hoài nghi về tương lai của Trung Quốc và có những câu hỏi về việc giá dầu sẽ đi đến đâu.
Còn theo một chiến lược gia của hãng Federated Investors tại New York, việc tăng lãi suất có thể là một tin tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán, vì điều đó nói lên rằng Fed đang thực sự tin tưởng nền kinh tế đã đủ mạnh.
Với tâm lý lạc quan, tỷ phú Bill Ackman của hãng Pershing Square Capital Management cũng lên tiếng ủng hộ cho thị trường chứng khoán, cho rằng “chứng khoán đang rất rẻ”.
Tuần trước, tại Mỹ, chỉ số chứng khoán Standard & Poor’s 500 đã tăng 2,1%, chỉ số Dow Jones cũng tăng 2,1%, còn chỉ số Nasdaq tăng gần 3%.
Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng trong tuần trước khi các nhà đầu tư cho thấy tâm lý hứng thú cao với các phiên đấu giá trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sẽ là bình thường nếu thị trường vẫn biến động trong thời gian tới trước một quyết định quan trọng như vậy từ Fed.
Một loạt các số liệu kinh tế của Mỹ cũng sẽ được chú ý theo dõi trong tuần này, trong đó có các báo cáo về doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp, và hàng tồn kho của doanh nghiệp được công bố vào Thứ Ba; chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số thị trường nhà đất được công bố vào Thứ Tư; số nhà mới khởi công, đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tài khoản vãng lai của Mỹ được công bố vào Thứ Năm; và chỉ báo tương lai được công bố vào Thứ Sáu.
Tại Châu Âu, giới đầu tư sẽ theo dõi những số liệu mới nhất về sản lượng công nghiệp của khối Euro được công bố vào Thứ Hai; cán cân thương mại, việc làm của khối Euro và chỉ số tâm lý tại Đức được công bố vào Thứ Ba; chỉ số giá tiêu dùng tại khối Euro vào Thứ Tư; và tài khoản vãn lai của khối Euro vào Thứ Sáu.
Tuần trước, Chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của Châu Âu giảm 0,7%.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu có vẻ vẫn là tâm điểm theo dõi.
Hãng Goldman Sachs cảnh báo giá dầu có thể xuống tận 20 USD/thùng do tình trạng dư cung trên thế giới hiện nay cao hơn so với dự đoán trước đó. Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu WTI cho năm 2016 từ 57 USD xuống 45 USD/thùng, và hạ giá dầu Brent từ 62 USD xuống 49,5 USD.
Tâm lý kỳ vọng gần đây rằng OPEC có thể đạt được một thỏa thuận giảm sản lượng với các đối thủ, trong đó có Nga, đã phai nhạt.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]