Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành hồi tháng 11/2014 và có hiệu lực vào tháng 2/2015 quy định, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.
Theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Theo đó, trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng Phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Tuy nhiên, với cả lý do khách quan và chủ quan, đến đầu năm 2017, vẫn còn khá nhiều ngân hàng vẫn đang “mắc kẹt” vốn tại các TCTD khác.
Chứng khoán lên đỉnh 9 năm, ngân hàng đồng loạt “thoát hàng”
Dù vậy, trong những tháng cuối năm, thị trường chứng khoán đã có sự khởi sắc vượt bậc. Chỉ số VN Index đã vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017 và lên mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.
VN Index cũng xếp thứ 3 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 11/2017 tăng lên xấp xỉ 66% GDP.
Diễn biến chỉ số VN Index từ đầu năm tới nay. Nguồn: Bloomberg.
Nguyên nhân được cho là do tác động động tâm lý tích cực từ Hội nghị cấp cao APEC, việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, cùng với việc niêm yết các cổ phiếu vốn hóa lớn đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và trong nước vào thị trường cổ phiếu.
Theo đó, trong điều kiện thuận lợi này, nhiều nhà băng cũng “tranh thủ” thoái vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Vietcombank là một trong những ngân hàng có vốn tại nhiều tổ chức khác nhất. Tính đến đầu tháng 11/2017, “ông lớn” này sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trong đó, Vietcombank có tỷ lệ sở hữu vượt 5% tại 3/5 TCTD.
Thủ tướng Chính phủ trước đó đã phải lên tiếng nhắc nhở Vietcombank thực hiện nghiêm túc thông tư 36 về sở hữu chéo.
Theo đó, nhằm thực hiện các quy định của cơ quan quản lý, ngày 20/11, Vietcombank đã thực hiện bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần (tương đương 4,37% vốn) của Saigonbank với giá đấu bình quân 20.100 đồng/cổ phần và 6,6 triệu cổ phần (tương đương 10,9% vốn) của Công ty tài chính cổ phần Xi Măng với giá đấu bình quân 11.554 đồng/cổ phần.
Sau hai phiên đấu giá này, ước tính Vietcombank đã thu về hơn 340 tỷ đồng, ước lãi khoảng hơn 148 tỷ đồng.
Dự kiến vào cuối tháng này, Vietcombank sẽ bán tiếp gần 19 triệu cổ phiếu (tương đương 5,07% vốn) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với giá chào bán khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, dự kiến vào đầu năm 2018, Vietcombank sẽ tiếp tục bán toàn bộ vốn ở Eximbank và MB, với khoản lợi nhuận thu về từ hai thương vụ này khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện Vietcombank đang nắm khoảng 7,16% vốn của MB và 8,19% vốn của Eximbank.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) mới đây cũng đã chào bán thành công 4 triệu cổ phần của CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) ra công chúng với mức giá đấu thành công là 10.640 đồng/cổ phần, cao hơn một chút so với giá khởi điểm (10.638 đồng/cổ phiếu).
Với mức giá này, ước tính Oceanbank đã thu về hơn 42 tỷ đồng từ đợt thoái vốn.
Ngân hàng này cho biết, quyết định bán cổ phần PV-SSG là do cần thu hồi những khoản đầu tư không hiệu quả, bổ sung nguồn vốn đầu tư sinh lời cho ngân hàng trong bối cảnh hoạt động của ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn và tiếp tục chủ trương thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành của OceanBank.
Mới đây nhất, ngày 29/11, Eximbank đã bán ra hơn 4,93 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức hơn 165,2 triệu cổ phiếu, tương đương 9,16% vốn, xuống còn 160,29 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,887% vốn Sacombank.
Đáng chú ý, theo dữ liệu giao dịch trong phiên ngày 29/11, giá cổ phiếu STB chốt phiên ở mức 13.100 đồng/cổ phiếu, vùng giá cao nhất kể từ tháng 7. Theo đó, ngân hàng đã thu về khoảng 65 tỷ đồng từ lần thoái vốn này.
Dù sau lần bán vốn này, Eximbank vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 36 (tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5%), nhưng điều này cũng cho thấy những động thái tích cực đầu tiên của ngân hàng sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”. Nhiều khả năng Eximbank sẽ tiếp tục bán ra cổ phiếu STB trong tương lai gần.
Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây cũng cho biết, sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP (AJC) và CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) do ngân hàng này sở hữu.
Theo đó, Agribank sẽ đấu giá hơn 12,6 triệu cổ phần của AJC với giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Agibank cũng sẽ đấu giá 5,29 triệu cổ phần Agritour, tương đương 2,3% vốn điều lệ với giá khởi điểm 18.990 đồng/cổ phiếu.
Nếu đấu giá thành công, ước tính Agribank sẽ thu về ít nhất 275 tỷ đồng từ 2 cuộc đấu giá này. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến ngày 15/12/2017 tại HNX.
Không dễ để gỡ “mạng nhện” sở hữu chéo!
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc siết chặt sở hữu chéo để làm sạch hệ thống ngân hàng là cần thiết. Và tất nhiên là phải cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn, song cũng cần tiến hành kiên quyết, bởi càng để lâu, càng khó xử lý.
Trong khi đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian vừa qua NHNN đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất và mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng. Đến nay tình hình sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết được cơ bản, tình hình của các ngân hàng cũng minh bạch và đại chúng hơn.
Tuy nhiên, theo Thống đốc thực tiễn vừa qua cũng cho thấy một điều, sở hữu chéo cũng là một vấn đề khá phức tạp và rất khó phát hiện và kiểm soát đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. "Điều này là vi phạm pháp luật, đòi hỏi thanh tra pháp nhân và thanh tra rất kỹ lưỡng mới có thể phát hiện, hoặc là các cơ quan chức năng có quá trình điều tra mới phát hiện được những hành vi sở hữu chéo này".
Cũng theo Thống đốc, các vi phạm về giới hạn sở hữu cũng như sở hữu chéo đã được xử lý một bước, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.
Nguyên nhân là do việc thoái vốn của các cổ đông thời gian qua cũng có những khó khăn nhất định do chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước vì có nhiều doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng này.
Ngoài ra, theo Thống đốc Lê Minh Hưng việc thoái vốn cũng liên quan đến điều kiện thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhiều nhà đầu tư cũng có khó khăn về nguồn vốn cho nên cũng cản trở việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn.