Đợt tăng điểm ngoạn mục được biết đến với cái tên “Donald Trump rally” của thị trường chứng khoán Mỹ lần này diễn ra cùng lúc với dịp kỷ niệm hai đợt tăng điểm khác trên thị trường chứng khoán châu Á.
Lần gần nhất là vào năm 2007, trước khi cú sốc Lehman xảy ra khiến dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong tuần trước, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm, vượt mức đỉnh của năm 2007, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đã tăng được 30% trong năm nay.
Lần tăng điểm trước đó nữa của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương diễn ra vào năm 1997. Cùng thời điểm này, dịch cúm gà lan rộng đến khắp các ngõ ngách trên toàn cầu.
Cũng trong năm đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones từng có phiên sụt giảm kinh hoàng đến 554 điểm vào ngày Hai mươi bẩy tháng Mười.
20 năm sau, ký ức của những ngày tháng kinh hoàng trên vẫn chưa bao giờ qua đi trong trí nhớ của những nhà hoạch định chính sách toàn cầu, nhà điều hành doanh nghiệp và chuyên gia quản lý quỹ.
Và trong đợt tăng điểm lần này, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi những cơn phấn khích hiện tại cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào? Báo Nikkei đưa ra một số phân tích về lý do người ta nên cẩn trọng với “cơn điên” hiện tại trên nhiều thị trường chứng khoán châu Á.
Nhìn qua tâm lý của nhà đầu tư tài chính khắp châu Á, chẳng hề có dấu hiệu nào về sự lo lắng chứ nói gì đến sự hoảng sợ. Nhưng nhà đầu tư tài chính châu Á cần nhớ rằng đợt tăng điểm của năm 2017 này đang không phản ánh chính xác những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thực, rủi ro thị trường đảo ngược không thể tránh khỏi.
Tại nhiều thị trường tài chính, từ Tokyo cho đến New Delhi, từ Hồng Kông cho đến Jakarta, tâm lý của nhà đầu tư là yếu tố quyết định sự tăng điểm của thị trường. Cùng lúc nhiều nhà đầu tư lạc quan thái quá, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý cẩn trọng.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm bất chấp việc tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Donald Trump sụt giảm. Ngay cả nếu Đảng Cộng hòa của ông có thể giành được sự ủng hộ để kế hoạch giảm thuế được thông qua và đưa vào thực tế, uy tín của chính quyền Washington sẽ vẫn bị ảnh hưởng.
Bối cảnh chính trị kinh tế là vậy nhưng sự hào hứng của nhà đầu tư vẫn giúp thị trường tăng điểm mạnh. Trong 12 tháng qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 23% và kéo theo nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm. Còn riêng tại châu Á, một số thị trường thậm chí còn tăng điểm trước cả khi thị trường chứng khoán Mỹ bước vào thời gian tăng điểm mạnh.
Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng 31% trong 12 tháng qua sau khi giảm 7% trong năm 2016. Chỉ số của thị trường Ấn Độ tăng 30%, trong năm ngoái, chỉ số cũng giảm 7%. Chỉ số Kospi của thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng 29%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật tăng 24%, chỉ số tăng 5% trong năm 2016.
Các yếu tố căn bản của những nền kinh tế lớn trong khu vực có gì thay đổi? Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không khác gì năm ngoái. Mức lương và lạm phát của Nhật không thay đổi nhiều ở thời điểm năm năm sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên nắm quyền. Nhu cầu tiêu dùng của châu Âu đối với hàng hóa đến từ bên ngoài châu lục này không cao.
Nếu nhìn vào thực chất của từng nền kinh tế châu Á, dễ hiểu tại sao trưởng bộ phận nghiên cứu ứng dụng khu vực châu Á của Axioma, ông Olivier d'Assier, lại lo lắng rằng những gì đang diễn ra giống như cơn điên mà cựu chủ tịch Fed, ông Alan Greenspan, nói đến thời kỳ giữa thập niên 1990.
Ông Assier nhấn mạnh rằng nhà đầu tư nên tự hỏi mình giá trị thực chất của những đợt tăng điểm hiện tại ở đâu trong khi rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một lớn dần.
Sự tăng điểm trên thị trường Hàn Quốc hẳn sẽ hợp lý hơn nếu không có liên tiếp những yếu tố bất ổn địa chính trị xuất phát từ việc Triều Tiên thử tên lửa; nợ các hộ gia đình cao kỷ lục và một chính phủ chậm chạp cải cách.
Sự tăng điểm của thị trường Ấn Độ chắc chắn sẽ dễ lý giải hơn nếu không có thông tin nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng hiện đang ở mức cao nhất trong 15 năm, Thủ tướng Ấn Độ đang rất cố gắng để cải tổ hệ thống lao động, đất đai và tính thuế.
Từ khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền, thị trường chứng khoán Nhật đã tăng được 127%. Chương trình kích thích kinh tế Abenomics đã giúp kinh tế Nhật có khoảng thời gian tăng trưởng dài nhất tính từ năm 2001.
Đồng yen yếu giúp lợi nhuận doanh nghiệp Nhật tăng. Tuy nhiên cùng lúc đó, lạm phát vẫn mãi chưa đạt mức mục tiêu của chính phủ và lương người lao động tăng quá thấp.
Cho đến giờ người ta chưa thể biết nhà đầu tư chứng khoán của 10 năm nữa tức năm 2027 sẽ nhìn lại ngày nay như thế nào. Liệu có hay không việc người ta lại phải nhìn vào sự sụt giảm của thị trường với chu kỳ 10 năm một lần? Chúng ta hãy hy vọng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng với điều đang diễn ra ở hiện tại, có lý do để lo sợ mọi chuyện rồi sẽ lại kết thúc tồi tệ.