Kiểm tra huyết áp để biết và phát hiện sớm các bệnh về huyết áp
Bệnh cao huyết áp là gì?
Trước tiên chúng ta phải hiểu được khái niệm “Huyết áp”
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Như vậy, huyết áp là một chỉ số quan trọng của cơ thể. Khi chỉ số này vượt quá giới hạn cho phép, nó sẽ để lại những hậu quả với mức độ từ nhẹ đến nặng cho người bệnh.
Huyết áp thể hiện bằng hai chỉ số
Huyết áp tối đa hay huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là chỉ số trên. Đây là áp lực được tạo ra khi tim bóp. Nó phản ánh áp lực của dòng máu kháng lại sức cản của thành động mạch, bình thường từ 100 - 120 mmHg
Huyết áp tối thiểu hay huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là chỉ số dưới. Nó phản ánh áp lực bên trong các động mạch khi tim đang đầy và nghỉ ngơi giữa 2 lần đập, bình thường từ 60 - 80 mmHg.
Một người được coi là bị cao huyết áp khi:
Chỉ số huyết áp tối đa từ 140 mmHg trở lên: HA tối đa ≥ 140 mmHg
Chỉ số huyết áp tối thiểu từ 90 mmHg trở lên: HA tối thiểu ≥ 90 mmHg
Trong một ngày, huyết áp của cơ thể có thể tăng lên hoặc giảm đi chút ít tùy thuộc vào sự vận động và trạng thái tinh thần đó là điều bình thường. Tuy nhiên, ở những người huyết áp lúc nào cũng cao vượt quá giới hạn thì người đó đã bị cao huyết áp. Điều này có thể xác định bằng cách đo huyết áp tại nhiều thời điểm trong một ngày.
Nguyên nhân gây huyết áp cao?
Trong hầu hết các ca bệnh, các bác sĩ không thể chỉ ra nguyên nhân chính xác. Nhưng có thể do một vài yếu tố gây tăng huyết áp, bao gồm: thừa cân, béo phì, uống quá nhiều rượu, gia đình có tiền sử mắc bệnh huyết áp cao, ăn quá nhiều muối, và tuổi già.
Triệu chứng bệnh cao huyết áp
Bệnh cao huyết áp thường không gây triệu chứng một cách rõ rệt.
Một số triệu chứng có thể kể đến là: Đau đầu dữ dội, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nôn ói, có vấn đề về thị giác, đau ngực, các vấn đề về hô hấp, tiểu máu...
Triệu chứng ở người bệnh huyết áp cao
Biến chứng của bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng :
Biến chứng tức thời: gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, bóc tách động mạch chủ, phù phổi cấp, suy thận cấp.
Biến chứng lâu dài: Xảy ra nếu bệnh nhân sau một thời gian dài tăng huyết áp mà không được chẩn đoán và điều trị đúng. Biến chứng gồm: Rối loạn tiền đình, bệnh lý mắt, tim to, suy tim, đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, suy thận mạn, đau cách hồi.
Làm thế nào để điều trị bệnh cao huyết áp?
Mục đích của việc điều trị là nhằm phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra.
Việc điều trị bệnh cao huyết áp cần tuyệt đối tuân thủ chị định của bác sĩ . Cần có chế độ thăm khám và kiểm tra huyết áp định kỳ. Cần tham vấn thường xuyên bác sĩ khi huyết áp quá cao hoặc quá thấp trong quá trình điều trị.Điều trị huyết áp cao là điều trị suốt đời. Dù khi huyết áp đã trở về gần bình thường cũng không nên ngưng thuốc mà phải điều trị tiếp tục vì huyết áp sẽ gia tăng trở lại khi ngưng thuốc.
Bài tập dưỡng sinh tốt cho bệnh nhân cao huyết áp
Việc điều chỉnh lối sống rất quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp:
- Giảm ăn mặn, giảm mỡ, giảm đường (nếu có tiểu đường), không uống quá nhiều bia rượu mặc dù uống với số lượng hạn chế cũng giúp có lợi cho sức khoẻ của bạn.
- Tập thể dục đều đặn là cách thức giảm cân, hoạt động thể dục phù hợp hàng ngày 30-45 phút hầu hết các ngày trong tuần.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Duy trì đời sống tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi giải trí hợp lý
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]