Tiện lợi, giá rẻ mà trẻ con nhiều khi lại rất thích ăn mì tôm thay vì cơm, cháo, bún, phở,... Thế là trong nhà lúc nào mẹ cũng “tích trữ” cả thùng mì để lúc nào con muốn ăn là có ngay. Nhưng mẹ có biết rằng, nếu bé ăn nhiều mì tôm quá thì vô cùng có hại cho sức khỏe, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của con nữa. Dưới đây là rất nhiều lý do mà mẹ nên hạn chế cho con sử dụng sản phẩm này:
Thiếu dinh dưỡng cho não
Năng lượng chủ yếu trong mì tôm là chất béo và tinh bột. Vì thế, bé ăn nhiều thực phẩm này không chỉ đối mặt với nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà lại còn có thể bị béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.
Mì tôm (mì ăn liền) còn ức chế khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng của bé dưới 5 tuổi. Vì thế, sau khi ăn, nhiều bé sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm lành mạnh khác mà chúng ăn.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh, muốn duy trì và nâng cao chức năng sinh lý bình thường của não, nhất định phải có 8 chất dinh dưỡng gồm: lecithin, protein, đường, canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin E và vitamin nhóm B. Trong khi ở mỳ tôm, hàm lượng các chất lecithin, vitamin rất thấp. Do đó, bé thường xuyên ăn mì sẽ không có lợi cho hoạt động tư duy và phát triển não. Hiển nhiên, con sẽ kém thông minh đi so với khi ăn thức ăn lành mạnh.
Nguy cơ ung thư
Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá sự độc hại của mì ăn liền, với các thành phần phụ gia như màu thực phẩm, quá nhiều muối, chất béo bão hòa… Đặc biệt là một số hóa chất có trong mì ăn liền có khả năng gây ung thư. Ví dụ chất dioxin và các chất làm dẻo sẽ bị rửa trôi từ các hộp nhựa chứa mì khi đổ nước nóng vào.
Những tô mì ngon lành, hấp dẫn nhưng không hề tốt cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều nghiên cứu khác cũng kết luận mì ăn liền có khả năng gây ung thư nếu ăn nhiều trong thời gian dài.
Rối loạn chức năng dạ dày
Mì tôm là một trong những món ăn được sấy khô sau khi chiên qua dầu. Nếu bé ăn xuyên có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày… Trong mì tôm còn có chứa khá nhiều hương liệu và chất phụ gia. Vì thế, cho bé ăn thường xuyên sẽ không những khiến vị giác giảm sút mà còn có thể tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa chung. Đặc biệt, những bé thích ăn mì tôm càng dễ mắc chứng biếng ăn.
Không tốt cho xương và thận
Mì tôm thường được ướp rất nhiều muối. Vì thế khi ăn nhiều có thể gây hại cho thận của bé. Hơn nữa, lượng phosphate giúp cải thiện mùi vị thức ăn chứa trong mì không hề tốt cho xương. Nó có thể gây loãng xương, mất xương và răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.
Gây béo phì ở trẻ
Trong những gói mì tôm tưởng chừng hấp dẫn, ngon lành chứa rất nhiều chất béo và natri gây giữ nước trong cơ thể. Do đó, bé ăn quá nhiều mì có thể bị béo phì. Đặc biệt là nếu con đang bị thừa cân, mẹ tuyệt đối không nên cho bé ăn thực phẩm này nhé!
Làm suy giảm hệ miễn dịch
Mẹ có để ý rằng, khi đổ nước nóng vào bát mì thì một lúc sau sáp sẽ nổi trên mặt nước. Hoặc nếu để bát mì nguội lạnh, một lớp sáp như váng mỡ nổi lên trên. Đó chính là chất propylene glycol, một hóa chất chống đông cũng như giữ ẩm. Chất này có tác dụng “bao” lấy sợi mì để sợi mì không đóng bánh lại khi đổ nước nóng vào. Tuy nhiên, điều đáng ngại là chất sáp này lại khiến sức khỏe của con bị ảnh hưởng, do chất propylene glycol dễ dàng được hấp thụ và tích tụ trong tim, gan, thận gây những bất thường và tổn thương. Đặc biệt, nó còn làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở trẻ.
Đó là những lý do mà mẹ hoàn toàn không nên cho con ăn nhiều mì tôm, dù bé có “thích mê” đi chăng nữa. Tốt nhất, mẹ nên dành thời gian để nấu nướng cho bé những thức ăn lành mạnh và ngon miệng, để con lớn lên khỏe mạnh và thông minh hơn.
Theo Giadinh.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]