Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép xây dựng (GPXD), trao đổi với PV, TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: Việc cấp GPXD là khâu để kiểm tra việc tuân thủ các quy định về kỹ thuật cũng như các quy định về pháp luật khác có liên quan đến việc xây dựng của các chủ dự án.
“Làm dự án phải có người kiểm tra. Ý kiến bãi bỏ cấp GPXD là quan điểm hoàn toàn sai lầm, không hiểu mục đích cấp phép xây dựng là gì. GPXD trên toàn thế giới đều phải có nên không có chuyện ở Việt Nam lại không có”, ông Liêm nói.
Cũng theo ông, ở các nước, cấp GPXD chỉ là khởi đầu của một quá trình, tức là sau khi cấp phép thì có việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện có đúng giấy phép không và sau khi hoàn thành xây dựng thì phải nghiệm thu xem kết quả xây dựng đó có đúng giấy phép không, sau đó mới được cấp giấy phép để sử dụng công trình.
Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, GPXD trên toàn thế giới đều phải có nên không có chuyện ở Việt Nam lại không có. Ảnh: Minh Thư
Công tác thanh tra dự án ở các nước cũng rất đơn giản, ông Liêm dẫn chứng như ở Hoa Kỳ, khi cấp GPXD, cơ quan chức năng thường thu một số tiền của đơn vị xin cấp phép để trong quá trình thực hiện dự án sẽ thuê tư vấn đến kiểm tra, thanh tra rồi báo cáo cho cơ quan cấp phép, nếu phát hiện có sai phạm thì cơ quan cấp phép sẽ vào cuộc.
Ông Liêm đánh giá, công tác cấp GPXD ở Việt Nam còn chưa nghiêm ở nhiều điểm, chẳng hạn theo Luật Xây dựng, nếu muốn cấp phép thì phải kiểm tra dự án đầu tư xây dựng có khả thi không, trong khi đó việc kiểm tra dự án đầu tư là của ngành khác chứ không phải của ngành xây dựng, nhưng doanh nghiệp vẫn cứ phải báo cáo, như thế là “hành” doanh nghiệp khiến họ phản ứng.
“Cấp GPXD chỉ cần kiểm tra thiết kế có đúng tiêu chuẩn nhà nước không, có đảm bảo phòng cháy chữa cháy không, có ảnh hưởng đến xung quanh không, đất đai có đủ thủ tục không …. chứ đâu phải kiểm tra dự án đó lỗ lãi thế nào. Việc này không liên quan đến cơ quan cấp phép mà “hạnh họe” doanh nghiệp, làm mất thời gian, 3-4 tháng không xong việc cấp GPXD cho một dự án, trong khi các nước như Singapore chỉ mấy tiếng đồng hồ đã giải quyết xong”, ông Liêm phân tích.
Chính vì thế, ông Liêm cho rằng cần phải sửa từ gốc là Luật Xây dựng bởi Luật này có nhiều cái mang tính “ôm” việc, quyền hạn nên mới có chuyện cơ chế "xin – cho" ở ngành xây dựng.
“Tôi thấy rất khó. Từ quy hoạch cũng “ôm”, dự án đầu tư cũng “ôm”… mà hoàn toàn không phải việc của Luật Xây dựng bởi quy hoạch còn có nhiều loại quy hoạch vùng, quy hoạch ngành”, ông Liêm thẳng thắn.
Vấn đề bất cập khác trong việc cấp GPXD mà ông Liêm chỉ ra, đó là ở nước ta việc cấp GPXD không thực hiện một cửa mà doanh nghiệp phải chạy khắp nơi từ phòng cháy chữa cháy đến môi trường… lấy đủ giấy tờ về nộp cho đơn vị cấp GPXD rồi mới được cấp GPXD.
Mặt khác, ông Liêm cho hay, nội dung kiểm tra để cấp GPXD là gì cần quy định cụ thể rõ ràng, chứ không phải cứ để cơ quan cấp phép tự “sáng tác” ra, “hạch” doanh nghiệp để họ “bôi trơn” thì mới giải quyết nhanh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]